“Góc khuất” của Anh Thơ qua lời kể của cô giáo Hồ Mộ La
(Dân trí) - Cô giáo Hồ Mộ La là người đã dạy thanh nhạc cho nữ ca sỹ "Xa khơi" từ những ngày chị mới từ xứ Thanh lên Hà Nội theo học Học viện Âm nhạc. Bà cũng là người được Anh Thơ xem như người mẹ thứ hai của mình. Bao nhiêu chuyện nghề, chuyện đời, chuyện tình cảm... chị thường tâm sự và xin lời tư vấn từ bà.
Trong buổi họp báo giới thiệu Live Concept “Tình Xa khơi 2” sẽ diễn ra vào 18/3 tới, cô giáo Hồ Mộ La dù tuổi đã cao nhưng vẫn đến ủng hộ học trò. Bà ngồi chăm chú lắng nghe cô học trò xứ Thanh chia sẻ về đêm nhạc, về cuộc sống và về chính bà - người đã góp phần tạo nên một Anh Thơ của ngày hôm nay với báo giới.
Rút những lời từ sâu thẳm đáy lòng, Anh Thơ nói rằng, trong cuộc đời ai cũng sẽ được một vài lần may mắn và may mắn lớn nhất của chị chính là đã được cô giáo Hồ Mộ La dạy dỗ. Ngày chị mới chân ướt chân ráo từ xứ Thanh lên Hà Nội theo học cô giáo La là khi chị 20 tuổi, còn cô giáo 65 tuổi. Cô giáo La đã dồn mọi tâm huyết, sức lực và trí tuệ để dạy cho chị không quản tuổi già, sức yếu. Nhờ sự dạy dỗ đó mà mới có một Anh Thơ của ngày hôm nay.
“Đối với tôi, cô La như người mẹ thứ hai của mình. Thật lòng, cả đời tôi có nói ngàn lời tri ân cũng không thể trả hết được công ơn của cô. Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong cuộc đời của tôi. Cô là tấm gương mà suốt những năm tháng qua tôi đã noi theo và sẽ noi theo đến suốt cuộc đời này…”, Anh Thơ rưng rưng xúc động.
Vô tư tới mức vô tâm
Kể câu chuyện dài về cô học trò, cô giáo La cũng không quên dành cho Anh Thơ những lời “có cánh”. Với bà, từ lâu đã xem Anh Thơ là một đứa con nhỏ trong gia đình và những thành công của đứa con này cũng chính là nguồn hạnh phúc giúp tuổi già của bà thêm ấp áp.
Cô giáo La kể, lúc Anh Thơ từ Thanh Hóa lên Hà Nội theo học Nhạc viện Hà Nội chị không có gì nổi bật. Giọng hát của chị không khoẻ, không đẹp, không nhiều màu sắc… mà bình thường như những giọng hát khác. Duy có hai thứ hơn hẳn đó là hát rõ lời và có cái tình trong từng câu hát. Bà nghe Anh Thơ hát “Xa Khơi” của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ thấy không hay lắm nhưng ra chất dân gian và dễ thương. Vì thế, bà đã quyết định đặt vấn đề với chủ nhiệm khoa Thanh Nhạc xin được trực tiếp dạy Anh Thơ. Lúc đầu, chủ nhiệm khoa không đồng ý nhưng vì thấy bà tuổi đã cao nên cũng đồng ý mong muốn của bà.
Trong quá trình dạy, 3 năm đầu Anh Thơ tiếp thu hơi vất vả vì mang phương pháp học ở Thanh Hoá, học theo bản năng thì nhiều, còn học theo phương pháp hơi thở và hàm học để tạo ra vị trí âm thanh đẹp thì chưa có gì. Đó là lý do trong 3 năm này, cô giáo La đã phải “đánh vật” với học trò. Tuy nhiên, 3 năm sau, Anh Thơ bắt đầu vỡ vấn đề, tiếp thu nhanh hơn. Đến năm thứ 5, chị đăng ký thi cuộc thi Concours thính phòng thì có sức bật hẳn lên.
“Phải nói rằng, Anh Thơ xứng đáng giải Nhất trong cuộc thi Concours nhưng được giải Nhì cũng là toại nguyện lắm rồi vì lúc đầu không nghĩ sẽ đạt giải. Cái hay nhất của Thơ là không dừng lại. Có những học sinh của tôi hát rất tốt nhưng rồi lại dừng lại ở điểm mình học, không phát huy được nên không thành công, còn Thơ phát huy được kiến thức của mình nên đã thành công.
Thực ra lúc đầu tôi cũng chỉ nghĩ dạy cho Anh Thơ thế nào để nắm được kỹ thuật và hát được dân gian hay. Nhưng tôi không ngờ là Thơ đã vận dụng được kỹ thuật cổ điển để hát bài dân gian không những được mà còn rất hay. Thơ hát dân gian rất mềm mại, uyển chuyển, tình cảm, luyến láy rất khéo léo, rất hợp với chất dân gian.
Tôi dạy 46 năm, nhưng không gặp được mấy người xuất sắc đâu. Có người có giọng tốt thì không có sức khoẻ; có người có sức khoẻ, có giọng tốt nhưng lại không thông minh; có người có sức khoẻ, có giọng tốt, thông minh nhưng lại không chăm học, không cố gắng phấn đấu… Và Thơ là một trường hợp đặc biệt, có được tất cả những điều đó. Gần đây có phần hơi sa sút, chắc vì đi diễn nhiều quá, còn ngày xưa giọng hát đẹp lắm, ai cũng khen”, cô giáo La chia sẻ.
Trong mắt cô giáo La, thời đó Anh Thơ là một cô bé đậm đặc chất quê. Chị chân quê tới mức lên Hà Nội học rồi nhưng vẫn theo cách gọi dưới quê, gọi cô là “cô giáo”. Ngay cả trong cách ứng xử chị cũng rất mộc mạc, giản dị, thật thà và vô tư. Vô tư tới mức vô tâm. Chị đến nhà cô giáo học mà chồng cô ốm nằm liệt giường ở trong nhà cũng không thèm ngỏ một lời thăm hỏi hoặc thể hiện một cử chỉ nào đó. Mãi sau này, khi nghĩ lại, Anh Thơ đã rất ân hận về điều này. Chị vẫn hay nói với bà rằng: “Con cứ ân hận mãi vì hồi đó ông ốm mà con không được một hộp sữa hay lời hỏi thăm gì cả. Không hiểu sao lúc đó con lại vô tâm thế”.
Nói là vậy nhưng vì hiểu tính của học trò nên cô giáo La cũng không hề để bụng chuyện đó. Từng học nhiều năm ở phương Tây nên bà hiểu “tuổi trẻ là không nên bắt bẻ, quan trọng là phải sống chân thật. Những người sống chân thật là những người thủy chung, người nào sống khôn khéo, lươn lẹo là không thủy chung”. Và bà đã thấy những gì bà cảm nhận về con người Anh Thơ đều rất đúng.
“Chuyện tình cảm của Thơ rất đáng thương”
“Anh Thơ hồi đấy nghèo lắm, nghèo tới mức chỉ có một áo dài để mặc biểu diễn thôi. Nhưng có một lần, có anh bạn đèo đi diễn bằng xe đạp chẳng may tà áo dài bị nghiến vào xe rách hết cả, cuối cùng phải bỏ cả bộ áo dài. Lần ấy, Thơ khóc nhiều lắm. Vì hồi đấy, để có được tà áo dài là cả một vấn đề vô cùng lớn lao.
Có một điều làm tôi rất cảm động đó là sau khi tốt nghiệp (khoảng đầu năm 2002), lúc đó Thơ mới có một chút danh thôi, chưa nổi lắm đâu nhưng đã bắt đầu có lời mời biểu diễn nên có được chút tiền. Và Anh Thơ có đến nhà mời tôi đi ăn hải sản. Thời đó, ăn hải sản là chuyện rất sang trọng và chỉ những người có tiền mới hay ăn. Thế nên tôi bảo: “Thôi, không phải đi đâu”, Thơ bảo: “Không, cô phải đi với con”.
Gọi là ăn hải sản nhưng ăn ở quán bình dân thôi chứ không phải nhà hàng sang trọng đâu nhưng tôi cảm động lắm. Cảm động vì là học trò mới kiếm được một chút tiền thôi nhưng đã nghĩ ngay đến cô giáo.
Có một kỷ niệm nữa đó là sau này, khi nhận được nhiều lời mời biểu diễn nhiều, cát sê cao hơn một chút thì cứ hễ đến những ngày lễ ngày tết, 20/11… Thơ đều biếu cho tôi một khoản tiền để tôi uống thuốc, may quần áo hoặc thích ăn gì thì mua.
Cách đây không lâu, tôi làm răng mất hơn 40 triệu, đối với tôi đó là khoản tiền rất lớn nhưng khi biết chuyện Thơ biếu tôi 20 triệu. Nói vậy để thấy rằng Thơ là người sống rất thủy chung, có trước có sau mặc dù thời gian đầu rất ngây thơ, hồn nhiên”, cô giáo La bồi hồi nhớ lại.
Chia sẻ về chuyện tình cảm của Anh Thơ, cô giáo La cho rằng, chuyện tình cảm của nữ ca sỹ “Xa khơi” rất đáng thương.
“Chuyện tình cảm của Thơ rất đáng thương. Tôi nghĩ, Thơ không đáng trách vì như thế cuộc sống của Thơ rất thiệt thòi. Suy cho cùng, một trăm ca sỹ nữ thì phải hơn phân nữa là không có ai toại nguyện trong cuộc sống tình cảm gia đình. Không phải vì họ lẳng lơ, đa tình… mà vì họ không thể tìm được người hiểu, chia sẻ, giúp đỡ và chấp nhận làm bệ phóng cho mình trong nghề nghiệp. Tìm được người bạn đời có được những yếu tố đó khó lắm. Vì thế mới có chuyện, có những ca sỹ lấy chồng là chồng bắt bỏ nghề luôn”, cô giáo La kể thêm.
Vì xem nhau như mẹ con nên mọi chuyện từ âm nhạc, con cái, tình cảm… Anh Thơ đều rất hay tâm sự với cô giáo của mình. Chính cô giáo La cũng là người đã luôn cho chị những lời tư vấn đầy sáng suốt. Giờ đây, cứ thỉnh thoảng Anh Thơ lại đón cô giáo La qua nhà mình chơi và ngủ lại để có cơ hội được chuyện trò, gần gũi. Tình cảm của họ vì thế mà càng ngày càng gắn bó, thâm tình.
Hà Tùng Long