Giới trẻ Trung Quốc đã "chán" về quê ăn Tết ?
(Dân trí) - Không phải mọi người dân Trung Quốc đều chào đón năm mới theo cách truyền thống. Nhịp sống hiện đại và phong cách Tây hóa đã thay đổi cách nghĩ của giới trẻ Trung Quốc về Tết.
Tết truyền thống của người Trung Quốc cũng khá giống người Việt Nam, con cái đi làm ở xa, trong ngày này sẽ trở về bên cha mẹ, ăn bữa cơm đoàn viên, gia đình cùng đón giao thừa, bên nhau trong ngày đầu năm mới, các thành viên bận rộn tiếp khách tới chơi nhà, sau đó lại “rồng rắn” cùng vợ chồng, con cái, hoặc người yêu tới chúc Tết họ hàng, bạn bè, trao đi những chiếc phong bao đỏ…
Công thức này dường như đã trở nên nhàm chán và ngày càng có nhiều bạn trẻ Trung Quốc quyết định không trở về nhà ăn Tết, họ đi chơi xa, có thể đi du lịch trong nước hoặc nước ngoài. Họ muốn kỳ nghỉ dài ngày này trở thành thời gian dành cho bản thân, để làm những gì mình thực sự yêu thích.
Năm nay, Vương Lôi, một thanh niên 26 tuổi làm việc tại thành phố Bắc Kinh, quyết định không về Hải Nam quê anh ăn Tết mà tới du lịch ở Hồ Nam. “Ngày Tết là thời điểm tuyệt vời để đi du lịch vì có ít khách tham quan hơn”, Vương Lôi chia sẻ.
Ác mộng ga tàu ngày cuối năm tại Trung Quốc
Vương cho rằng không khí Tết quê anh đã không còn được như xưa nữa. Những thanh niên trẻ đều đã lên thành phố tìm việc và vì kinh tế eo hẹp nên họ thường chỉ dám về quê 2-3 năm một lần.
Năm nay, bố mẹ anh Vương sẽ ăn Tết với gia đình nhà chị gái Vương. Hai cụ già phải di chuyển tới tỉnh Phúc Kiến để được ăn Tết cùng con cháu. Vương nghĩ thời gian nghỉ hè, anh sẽ quay về thăm bố mẹ.
Lý Hương, một nữ nhân viên văn phòng trẻ tuổi cũng quyết định lên đường đi du lịch Quảng Tây trong ngày đầu năm. “Tôi không nói đây là cách hay nhất để đón Tết, nhưng trong kỳ nghỉ dài ngày nhất của năm, bạn có thể đi du lịch thoải mái mà không bị áp lực thời gian.”
Tuy vậy, cô Lý cũng luôn phải tự đấu tranh với bản thân về việc không ở bên cha mẹ trong ngày Tết. Cô dự định năm sau sẽ về Cát Lâm ăn Tết với bố mẹ và thuyết phục bố mẹ hãy cùng cô đi du lịch đầu năm.
Tuy vậy, Lý Hương cũng biết bố mẹ cô thuộc thế hệ cũ, họ có tư tưởng rất truyền thống và sẽ không muốn để bàn thờ gia tiên nguội lạnh hay cửa đóng then cài khi khách tới chơi nhà ngày Tết.
Giáo sư Cao Bính Trung, giảng dạy tại Viện Xã hội học và Nhân chủng học thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng: “Kể từ thập niên 1980, tốc độ hiện đại hóa quá nhanh và do ảnh hưởng của sự toàn cầu hóa mà những tục lệ, quan niệm truyền thống của người dân Trung Quốc đã bị thay đổi nhiều. Ngày nay, ngay cả ở vùng nông thôn Trung Quốc, những nơi sống bằng nông nghiệp cũng thường nói về thời gian theo lịch dương hơn là dùng lịch âm.”
Đối mặt với những vất vả ngày cuối năm trong việc mua vé, trực chờ vạ vật ở ga tàu hỏa, sân bay khiến việc di chuyển trong dịp cận Tết trở thành cơn ác mộng đối với không ít người. Làn sóng di chuyển từ các thành phố lớn về các vùng quê và ngược lại đã khiến dịp Tết trở thành cuộc đại di chuyển của Trung Quốc. Thống kê ghi lại có tất cả 3,4 tỉ hành trình diễn ra trong khoảng thời gian 40 ngày trước và sau dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc.
Đối với những cặp vợ chồng đến từ những vùng quê khác nhau và đang sinh sống ở một vùng đất thứ ba, việc di chuyển để tới thăm nhà nội, nhà ngoại lại càng vất vả, nhưng đó là tình hình chung của rất nhiều người dân lao động sống tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.
Vì tất cả những rắc rối đó mà không ít người dân Trung Quốc coi dịp Tết là thời điểm mệt mỏi và đau đầu nhất trong năm. Đối với những người quanh năm sống trong sự hiện đại, tiện nghi của thành phố, trong mấy ngày Tết bỗng dưng phải thay đổi, trở về sống ở những vùng quê kém phát triển hơn, họ cũng bị stress do không kịp thích nghi.
Quan niệm và phong cách sinh hoạt của các thành viên trong gia đình cũng khác nhau, một năm chỉ gặp nhau một lần trong ngày Tết nên việc lạ lẫm thậm chí va chạm nhau là không tránh khỏi.
Ngoài ra việc chi tiêu tăng vọt trong những ngày Tết cũng trở thành gánh nặng kinh tế đối với nhiều gia đình. Theo một cuộc điều tra xã hội, những người sinh sống, làm việc ở thành phố đặc biệt lo lắng khi họ phải trở về quê ăn Tết. Thực tế áp lực đối với họ khi ăn một cái Tết ở quê còn nặng nề hơn cả những người ăn Tết ở thành phố - nơi vốn được biết tới là chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Tuy nhiều khó khăn như vậy nhưng đa số người dân Trung Quốc sống xa quê vẫn chọn về quê ăn Tết với cha mẹ. Lý Hương, cô gái trẻ sống tại Bắc Kinh, quê gốc ở Cát Lâm, dù rất thích đi du lịch và đã từng “bỏ quên” cha mẹ để thực hiện sở thích vẫn khẳng định rằng:
“Dù Tết có thể thay đổi nhiều nhưng tinh thần của nó vẫn luôn như vậy: Đó là dịp để gia đình đoàn tụ. Khi tôi lập gia đình và có con, tôi nhất định sẽ thường xuyên đưa chồng con về ăn Tết với cha mẹ để mọi người hiểu và trân trọng giá trị của gia đình.”