Giới trẻ hào hứng tìm hiểu về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ

PV

(Dân trí) - Sáng 22/4/2023, chương trình giới thiệu sách "Alexandre De Rhodes và hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ" được tổ chức tại Phố Sách Hà Nội.

Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt cuốn Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ. Đây là cuốn truyện tranh đầu tiên kể về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, TS. Phạm Thị Kiều Ly và họa sĩ Tạ Huy Long. Chương trình thu hút sự tham gia của đông đảo bạn trẻ và những người có niềm đam mê sách.

Giới trẻ hào hứng tìm hiểu về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - 1

Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của đông đảo độc giả (Ảnh: Ban Tổ chức).

Trong buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ về những niềm vui cũng như khó khăn trong quá trình hoàn thành cuốn sách. Đây cũng là dịp để những độc giả trẻ có cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về lịch sử quá trình hình thành nên chữ Quốc ngữ.

Họa sĩ Tạ Huy Long tiết lộ về việc mong muốn tái hiện lịch sử chữ viết của Việt Nam thông qua những hình ảnh, cuốn sách mà anh thể hiện trong những năm qua. Làm thế nào để tiếp cận những điều trong quá khứ một cách dễ dàng, chuyển tải được ý nghĩ của nhân vật với người đời sau, giải thích được sự quên lãng và những điều còn chưa rõ về sự thật trong lịch sử? Đó cũng là lý do nhóm tác giả chọn hình thức bán hư cấu để thể hiện cuốn sách này.

Giới trẻ hào hứng tìm hiểu về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - 2

Nhóm tác giả chia sẻ về quá trình hoàn thành cuốn sách (Ảnh: Hà My).

Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ là cuốn truyện tranh bán hư cấu kể lại câu chuyện cuộc đời nhiều thăng trầm của giáo sĩ Đắc Lộ - Alexandre De Rhodes, một vị linh mục, người của Tòa thánh Vatican, đã đến Việt Nam từ thế kỷ 17 và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (Từ điển Việt - Bồ - La) vào năm 1651.

Nội dung cuốn sách Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ dựa trên luận án Tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly về Lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt (1615-1919) tại Đại học Sorbonne Nouvelle năm 2018. Sau đó được hiệu chỉnh và in thành sách năm 2022 tại Nhà xuất bản Les Indes Savantes, Pháp; cũng như các tài liệu trong văn khố ở châu Âu và các cuốn sách viết về hành trình truyền giáo của các thừa sai.

Giới trẻ hào hứng tìm hiểu về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - 3

Cuốn sách "Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ" (Ảnh: Hà My).

Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ có sự kết hợp hài hòa giữa hai phần: Đắc Lộ ký sự Chữ Quốc ngữ ký sự. Trong đó, Đắc Lộ ký sự được đặc biệt thể hiện bằng hình thức truyện tranh, giúp độc giả dễ theo dõi và nắm được hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ qua lời kể của Alexandre De Rhodes. Phần Chữ Quốc ngữ ký sự mang độc giả đi ngược dòng lịch sử, tìm hiểu về hành trình chữ Quốc ngữ đi vào đời sống của người dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhằm giúp bạn đọc có cơ hội hiểu rõ hơn về cách ghi âm của tiếng Việt, nhóm tác giả còn sáng tạo thêm một đoạn phỏng vấn đặc biệt với ba nhân vật tiêu biểu trong quá trình sáng tạo chữ Quốc ngữ là: Alexandre De Rhodes, Francisco De Pina và Gaspar do Amaral, bàn luận về quá trình sáng tạo chữ viết Latinh của tiếng Việt.

Thông qua những tình tiết ly kỳ và đặc sắc được lựa chọn để kể lại quá trình sáng tạo và phát triển chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt - vốn dĩ rất quen thuộc và hiện vẫn đang gắn bó với mỗi người chúng ta. Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ hứa hẹn sẽ là một trong những nguồn tham khảo để các bạn trẻ hiểu rõ hơn về tiếng Việt, truyền ngọn lửa tình yêu tiếng Việt, thứ ngôn ngữ rất đẹp của dân tộc Việt Nam.

Hà My