1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Giới giải trí xứ Hàn làm gì giữa cơn khủng hoảng tinh thần của sao?

(Dân trí) - Nền công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc (K-pop) nói riêng và nền công nghiệp giải trí nói chung ở xứ sở kim chi đang đương đầu thế nào với vấn đề sức khỏe tinh thần của các nghệ sĩ?

Giới giải trí xứ Hàn làm gì giữa cơn khủng hoảng tinh thần của sao? - 1

Thành viên Suga của nhóm BTS

Những thông tin về sự ra đi của những ngôi sao giải trí Hàn Quốc khi tuổi đời còn rất trẻ, những áp lực tâm lý khủng khiếp mà họ phải âm thầm chịu đựng trước khi đi đến quyết định bi kịch cuối cùng, đã làm dấy lên những đối thoại xung quanh vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần cho giới nghệ sĩ xứ Hàn.

Thực tế, đề tài này đã thu hút sự quan tâm của truyền thông - công chúng quốc tế trong vài năm trở lại đây khi những thông tin bi kịch xung quanh các ngôi sao trẻ xứ Hàn gây bàng hoàng sửng sốt.

Trong năm 2020, thành viên Aron của nhóm nhạc Nu'est đã quyết định có một quãng thời gian tạm rời xa nền công nghiệp giải trí, sau khi nam ca sĩ này phải trải qua những triệu chứng rối loạn lo âu. Quyết định này của Aron được chính thức đưa ra vào ngày 2/1/2020.

Quyết định mà Aron đưa ra nhận được sự ủng hộ từ đồng nghiệp và khán giả. Biện pháp mà anh lựa chọn có thể đưa lại lợi ích dài lâu và tốt đẹp cho Aron, nhiều nghệ sĩ trẻ khác đã không có được sự lựa chọn sáng suốt như vậy, sự dồn nén tâm lý quá lâu đã khiến họ đi đến quyết định bi kịch.

Những thông tin về sự ra đi của nghệ sĩ trẻ đã trở thành một mảng tối trong nền công nghiệp giải trí xứ Hàn. Trong năm 2020 vừa qua, nhóm nhạc nam K-pop SuperM đã thực hiện chiến dịch "We Do Well Together" (Chúng ta làm tốt cùng nhau).

Mục đích của chiến dịch này là khuyến khích mọi người chăm sóc tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của mình, của người thân và những người xung quanh mình.

Giới giải trí xứ Hàn làm gì giữa cơn khủng hoảng tinh thần của sao? - 2

Thành viên Aron của nhóm Nu'est

Nhà nghiên cứu âm nhạc tại Hàn Quốc - bà Stephanie Choi đã chia sẻ rằng sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến người dân Hàn Quốc nói nhiều hơn về vấn đề sức khỏe tinh thần: "Tôi nghĩ đây là lúc để những nhóm nhạc, những nghệ sĩ nổi tiếng tại Hàn Quốc nói về vấn đề sức khỏe tinh thần đối với các fan của họ.

"Tôi không nghĩ chiến dịch mà họ đang thực hiện chỉ hữu ích đối với nghệ sĩ Hàn Quốc, mà nó hữu ích đối với tất cả mọi người".

Nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc K-pop của xứ sở kim chi vốn bị truyền thông quốc tế nhìn nhận là có những mảng tối nên đã dẫn tới những vụ tự tử của nhiều ngôi sao trẻ.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Stephanie Choi tin rằng những vấn đề sức khỏe tinh thần xuất hiện ở các ngôi sao trẻ không phải là vấn đề của riêng nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc, mà là một vấn đề chung của cả xã hội Hàn Quốc.

Trước vấn đề này, các công ty giải trí tại Hàn Quốc, các ngôi sao nổi tiếng, các fan đã sẵn sàng đối thoại nhiều hơn để giảm bớt những sự ngại ngần, tránh né xung quanh chủ đề này trong những năm gần đây.

"Tôi nghĩ các công ty giải trí đã hiểu được rằng họ cần phải quan tâm hơn tới sức khỏe tinh thần của các nghệ sĩ, nhưng tôi không cho rằng những vụ tự tử của một số ngôi sao tại Hàn Quốc là vấn đề của riêng K-pop. Việc những nữ ca sĩ - diễn viên như Sulli hay Goo Hara tự tử thu hút sự quan tâm của giới truyền thông quốc tế, với cách hiểu rằng trong sự việc này còn có những vấn đề của nữ giới.

"Sự ra đi của họ không nên chỉ nhìn nhận đơn giản theo kiểu những vấn đề của nghệ sĩ K-pop, bởi đó còn là vấn đề của việc phụ nữ là đối tượng bị tấn công, bị phỉ báng trên mạng xã hội, bị phát tán những clip quay lén, bị suy sụp sau những vấn đề rắc rối trong chuyện tình cảm... Đó là những vấn đề mà nhiều phụ nữ khác cũng phải đối diện trong cuộc sống".

Giới giải trí xứ Hàn làm gì giữa cơn khủng hoảng tinh thần của sao? - 3

Thành viên Mina của nhóm Twice

Những chiến dịch như "We Do Well Together" mà SuperM đang tiến hành, hay chiến dịch "Love Myself" (Yêu thương chính mình) do nhóm BTS dẫn dắt, đều là những ví dụ tích cực về việc các nghệ sĩ Hàn Quốc đang nâng cao nhận thức về vấn đề sức khỏe tinh thần.

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Stephanie Choi, các công ty giải trí tại Hàn Quốc cũng như các nghệ sĩ đang cảm thấy thoải mái hơn khi đối thoại với các fan của họ về việc một số nghệ sĩ đang không ổn lắm và cần có một quãng nghỉ.

Các nghệ sĩ K-pop cũng đang thoải mái hơn trong việc đề cập tới vấn đề sức khỏe tinh thần với các fan của họ thông qua các cuộc trò chuyện trực tuyến "live stream".

Trong một cuộc phỏng vấn với Esquire hồi năm ngoái, thành viên Suga của nhóm nhạc nam BTS đã chia sẻ về quan điểm của anh, rằng vấn đề sức khỏe tinh thần cũng nên được xem như vấn đề sức khỏe thể chất. Suga từng cho ra mắt những ca khúc nói về sự vật lộn của chính anh với vấn đề này.

Suga nói: "Tình trạng sức khỏe tinh thần của chúng ta trở nên đổi khác qua từng ngày. Có những ngày bạn cảm thấy ổn, có những ngày lại không. Dựa trên tình trạng sức khỏe tinh thần, bạn sẽ có những nhận định chính xác về tình trạng thể chất của bản thân.

"Nhiều người luôn cố tỏ ra rằng họ rất ổn, không muốn thừa nhận ở bất cứ một thời điểm nào rằng họ đang yếu đuối, tôi không nghĩ nên như vậy. Chúng ta không bị đánh giá là có sức khỏe yếu chỉ vì có một vài ngày không khỏe, và ta cũng không thể là người yếu đuối dù có những thời điểm ta không ổn. Xã hội nên có cách nhìn nhận thấu hiểu như vậy".

Giới giải trí xứ Hàn làm gì giữa cơn khủng hoảng tinh thần của sao? - 4

Nhóm BTS

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Stephanie Choi, nền công nghiệp âm nhạc K-pop đang nhìn nhận ra những yếu tố áp lực đặc trưng riêng. Việc có những nghệ sĩ công khai tuyên bố tạm ngưng sự nghiệp để chăm sóc sức khỏe tinh thần là một bước đi đúng đắn trong thế giới K-pop:

"K-pop là một lĩnh vực nhiều thách thức. Thị trường âm nhạc luôn có sẵn hàng trăm nghệ sĩ và nhóm nhạc đang cùng hoạt động hoặc sẵn sàng để được tung ra. Mỗi nhóm, mỗi nghệ sĩ đều đã phải trải qua những năm tháng luyện tập rất khắc nghiệt. Khi được tung ra thị trường, họ lại phải đối diện với cuộc cạnh tranh và đào thải vô cùng khắc nghiệt".

Trước thành viên Aron của nhóm nhạc Nu'est, từng có thành viên Mina của nhóm Twice hay nghệ sĩ solo Kang Daniel từng công khai tuyên bố cần có một quãng nghỉ.

Trong nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc, các nghệ sĩ được các công ty và người quản lý yêu cầu phải duy trì mối quan hệ mật thiết với cộng đồng fan, thông qua các sản phẩm âm nhạc, các buổi biểu diễn, tham dự sự kiện, cũng như thông qua các hoạt động trên mạng xã hội.

Việc một nghệ sĩ tuyên bố có quãng nghỉ trong sự nghiệp không chỉ đồng nghĩa với việc họ sẽ tạm thời vắng mặt khỏi lịch hoạt động mà công ty đề ra, mà còn tạm thời dừng việc duy trì liên hệ với các fan để tìm một khoảng lặng cho riêng mình.

Điều này giúp không chỉ công ty và người quản lý nghệ sĩ, mà ngay cả các fan cũng phải hiểu rằng nghệ sĩ đã vừa trải qua một quá trình làm việc căng thẳng như thế nào. Sau đó, các bên sẽ phải có những sự điều chỉnh, học cách chấp nhận, chờ đợi và hợp tác để sự trở lại của nghệ sĩ sau đó diễn ra tốt đẹp.