Giếng cổ bị phá khi trùng tu: Đề nghị Cục Di sản văn hóa kiểm tra
(Dân trí) - Liên quan đến việc Giếng Ngọc bị phá khi trùng tu di tích Đền thờ Lê Văn Hưu, tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), Sở VH,TT&DL tỉnh này vừa có báo cáo cụ thể về vụ việc.
Ngày 23/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Thanh Hóa đã có công văn gửi Cục Di sản văn hóa, Bộ VH,TT&DL về việc tu bổ Giếng Ngọc, thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Theo Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, khi kiểm tra lý lịch di tích thì Đền thờ Lê Văn Hưu trước kia "có hồ, có giếng nhưng không có Giếng Ngọc". Theo bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích Đền thờ Lê Văn Hưu thì có hạng mục giếng của đền thờ.
Căn cứ vào kết quả kiểm tra hồ sơ khoa học di tích, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa khẳng định Đền thờ Lê Văn Hưu được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận Di tích lịch sử Quốc gia năm 1990 có hạng mục giếng, nhưng chưa có tài liệu nào chứng minh giếng của đền thờ là giếng cổ ngàn năm tuổi.
Về quá trình thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lê Văn Hưu, tháng 3/2019, UBND huyện Thiệu Hóa phê duyệt dự án đầu tư 9 hạng mục, gồm: Đền thờ chính, nhà bia, nhà từ đền, cổng tứ trụ, bình phong, am hóa vàng, nhà vệ sinh, cổng sang chùa.
Theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự án được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một của dự án được Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) thỏa thuận, thẩm định.
Theo đó, Cục Di sản văn hóa có nội dung lưu ý khi thực hiện giai đoạn một về phương án mặt bằng tổng thể di tích: Đối chiếu với bản vẽ mặt bằng đánh giá hiện trạng kiến trúc cảnh quan khuôn viên di tích với bản vẽ bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng, vị trí Giếng Rồng (là Giếng Ngọc mà người dân địa phương thường gọi - PV) đã bị dịch chuyển từ vị trí chếch bên trái đền sang vị trí chếch bên phải đền. Do đó, cần điều chỉnh thiết kế để tu bổ Giếng Rồng tại vị trí hiện có đảm bảo yếu tố gốc là vị trí giếng…
Đến giai đoạn 3, khi thực hiện hạng mục Giếng Ngọc, Cục Di sản văn hóa thẩm định, cũng có lưu ý "điều chỉnh vị trí thiết kế Giếng Ngọc để hạn chế tối đa việc dịch chuyển giếng".
Tuy nhiên, đến đầu tháng 3, khi chủ đầu tư dự án là UBND huyện Thiệu Hóa tiến hành thi công đã cho phá bỏ giếng cũ có đường kính rộng hơn 10 m để xây dựng giếng mới đường kính chỉ hơn 6 m. Việc này đã khiến nhiều người dân lẫn nhà nghiên cứu, người am hiểu về lịch sử, văn hóa, cho rằng phá bỏ giếng cổ để xây dựng giếng mới với diện tích nhỏ hơn là không tôn trọng yếu tố lịch sử, di tích và tâm linh.
Trước sự việc trên, ngày 17/3, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Thiệu Hóa, UBND xã Thiệu Trung, Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa và các nhà nghiên cứu di tích, lịch sử kiểm tra thực tế tại di tích Đền thờ Lê Văn Hưu. Tuy nhiên, tại hội nghị còn có những ý kiến trái chiều giữa các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa, khoa học, lịch sử và địa phương trong việc hiểu nội dung: "Điều chỉnh vị trí thiết kế Giếng Ngọc để hạn chế tối đa việc dịch chuyển giếng theo lưu ý của Bộ VH,TT&DL".
Do còn có các ý kiến trái chiều, vì vậy trước mắt Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh này chỉ đạo UBND huyện Thiệu Hóa tạm dừng việc thi công hạng mục Giếng Ngọc.
Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận trong việc tiếp tục thực hiện hoàn thiện dự án, kịp thời phục vụ Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của Nhà sử học Lê Văn Hưu vào ngày 23/4, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đề nghị Cục Di sản văn hóa sớm tổ chức vào kiểm tra thực tế và có ý kiến chỉ đạo cụ thể để địa phương và Sở VH,TT&DL có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định.