Giấy dó phường Bưởi, đào Nhật Tân vào đề án phát triển văn hóa ở Tây Hồ
(Dân trí) - Lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, đơn vị này sẽ phát triển các địa điểm văn hóa, làng nghề để thu hút du khách đến Thủ đô.
Ngày 21/9, Quận ủy - HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ (Hà Nội) đã tổ chức Hội nghị thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ - cho biết, quận Tây Hồ sẽ tiếp tục chú trọng phát triển kinh tế, xã hội; nghiên cứu để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn quận; phát triển các làng nghề truyền thống thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách.
Ông Anh Tuấn cho biết thêm, khi thành lập quận Tây Hồ, lãnh đạo địa phương này mong muốn được phát huy những di sản, di tích để giới thiệu cho người dân nét đẹp văn hóa đặc trưng của quận Tây Hồ.
"Trước hết phải bảo tồn các nét đẹp truyền thống sau đó phát huy được những giá trị đó thì mới có sự lan tỏa. Quận Tây Hồ có đường Thanh Niên rất đẹp, đẹp hơn qua câu hát "đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm bước ta về", nhưng nếu cải tạo thì sẽ có nhiều ý kiến vì thế, cần nhiều phương án để các công trình văn hóa đẹp hơn, phục vụ được số đông.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến đặt hoa tại bức phù điêu John McCain ở hồ Trúc Bạch, nhận được sự quan tâm của người dân. Vì vậy, làm thế nào cho các điểm di tích, văn hóa được thu hút hơn cũng là một bài toán khó", ông Anh Tuấn trăn trở.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ chia sẻ thêm, mặc dù nếu cải tạo các điểm văn hóa thì kinh tế sẽ phát triển, nhưng quận này sẽ không đánh đổi môi trường để lấy cảnh quan.
"Chúng tôi muốn phát huy được các giá trị văn hóa ở hồ Tây, thứ 2 là các di tích lịch sử cách mạng có thể xây dựng thành các sản phẩm du lịch. Quận Tây Hồ có thể phát triển du lịch tâm linh rất tốt.
Chúng tôi có 71 di tích, 18 chùa, 19 đình, 14 đền, 9 hang miếu, 5 nhà thờ, 5 di tích cách mạng, 1 phủ… các địa điểm này sẽ được phục dựng, tu bổ lại cho khang trang sạch đẹp. Chúng tôi sẽ làm video, đưa thông tin lên mạng xã hội để du khách biết và đến tham quan", ông Anh Tuấn cho hay.
Bên cạnh đó, lãnh đạo quận Tây Hồ nhấn mạnh, con người Tây Hồ phải yêu và xây dựng vùng đất đang sống. Địa phương này cũng đẩy mạnh xây dựng công nghiệp văn hóa bằng cách phát huy các làng nghề truyền thống: như làng đào Nhật Tân, làng quất Tứ Liên, làng xôi Phú Thượng… để các làng này thành điểm đến cho du khách trong và ngoài nước.
"Bên cạnh đó, Tây Hồ còn có bãi đá tình yêu sông Hồng, thung lũng hoa Hồ Tây, phố đi bộ Trịnh Công Sơn… chúng tôi cũng kết nối các địa điểm này với nhau để đón lượng du khách về tham quan, chụp ảnh, checkin…", ông Anh Tuấn thông tin.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ cho biết thêm, làng nghề sen Tây Hồ cũng có thể xây dựng được điểm văn hóa, nhưng sen nở theo mùa nên địa phương này sẽ quy hoạch cụ thể để không bị lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, quận này còn có làng nghề giấy dó phường Bưởi nhưng đã dần mai một. Lãnh đạo quận Tây Hồ sẽ dựng lại quy trình làm giấy dó xưa, phục dựng các tác phẩm, mở triển lãm để giới thiệu với bạn bè quốc tế.
"Đến Tây Hồ ăn xôi Phú Thượng, uống trà sen và ngắm giấy dó phường Bưởi, đào Nhật Tân rồi ra phố đi bộ Trịnh Công Sơn đi dạo thì vui quá. Chúng tôi sẽ có một kế hoạch "dài hơi" để phát triển những làng nghề độc đáo, đậm văn hóa của địa phương…", ông Anh Tuấn cho hay.