Giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần qua đời
(Dân trí) - Sáng nay, vào lúc 9h30 giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Thống Nhất, TPHCM sau thời gian dài chữa trị nhưng tuổi cao, sức yếu nên không qua khỏi. Nhạc sĩ Ca Lê Thuần hưởng thọ 78 tuổi.
Trước đó vào giữa tháng 11/2016, nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã phải nhập viện vì đột quỵ và được điều trị tại khoa cán bộ cao cấp của bệnh viện Thống Nhất.
Vợ nhạc sĩ Ca Lê Thuần - là NSƯT Mỹ An - giáo viên thanh nhạc cũng đang bệnh chữa trị tại bệnh viện Hoàn Mỹ. Khi hay tin nhạc sĩ mất, bà được người nhà đưa đến bệnh viện để nhìn mặt chồng lần cuối. Con gái duy nhất của nhạc sĩ hiện ở Mỹ vừa hay tin cũng nhanh chóng trở về trong thời gian sớm nhất.
Theo chia sẻ từ anh Quang Vinh, Chánh văn phòng hội âm nhạc TPHCM, hiện nhạc sĩ vẫn còn nằm tại bệnh viện Thống Nhất, người nhà không có ai nên mọi việc của nhạc sĩ Ca Lê Thuần BCH hội âm nhạc đang lo, nhưng thông tin chính thức về việc tổ chức tang lễ cho nhạc sĩ đang chờ ý kiến và quyết định của UBND Thành phố.
Khi hay tin nhạc sĩ Ca Lê Thuần mất rất nhiều các nhạc sĩ, ca sĩ đều cảm thấy bất ngờ và tiếc thương. Những ngày cuối năm, mọi người đang chuẩn bị đón năm mới thì đây thực sự là một tin buồn cho nền âm nhạc Việt Nam khi trong suốt 2 năm qua đã có những mất mát quá lớn, sự ra đi của những cây đại thụ âm nhạc cho đến những ca - nhạc sĩ trẻ.
Nhạc sĩ Ca Lê Thuần sinh năm 1938, ông từng đảm trách nhiều vị trí quan trọng trong các hoạt động âm nhạc, nghệ thuật. giữ chức Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam Khóa IV (1989-1995), Phó Trưởng ban Văn hóa - văn nghệ Trung Ương, Phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật TPHCM.
Từ năm 1987 đến năm 1997, ông là đại biểu Quốc hội, là phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Năm 1989, ông nhận chức giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin TP.HCM.
Năm 1997, nhạc sĩ Ca Lê Thuần về lại Nhạc viện TP, giữ chức giám đốc Nhạc viện cho đến khi nghỉ hưu. Từ năm 2001, ông là tổng thư ký Hội Âm nhạc TP.HCM.
Từ những năm cuối của thập kỷ 60 đến nay, ông vẫn luôn luôn đào tạo và hướng dẫn nhiều thế hệ nhạc sĩ trong nước. Ông chuyên giảng về phức điệu, hòa thanh và phân tích tác phẩm cho các lớp Sáng tác và Lý luận. Ngoài khí nhạc, ông còn viết phần âm nhạc cho phim, cho sân khấu, cho múa và viết một số ca khúc.
Một số tác phẩm tiêu biểu: Quê hương đồng khởi (piano), Những ngày đã qua (violon và piano), 12 préludes và 8 fugnes cho piano, Dáng đứng Việt Nam (tranh giao hưởng), Thành phố lên đường (hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng), Người con gái đất đỏ (kịch múa), Việt Nam tiếng hát trái tim ta (hợp xướng), Ánh sáng và bóng tối (âm nhạc cho múa), Ngọc trai đỏ (tổ khúc giao hưởng, kịch múa), Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga (kịch múa)...
Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, ông đã được nhận nhiều giải thưởng, huy chương, kỷ niệm chương về âm nhạc: Giải B của Hội Văn nghệ Giải phóng (1976), Giải A của Vụ Âm nhạc và Múa (1980), Giải Nhì của Hội nhạc sĩ Việt Nam (1998), Huy chương Vàng, Bạc trong Liên hoan Kịch múa Việt Nam lần thứ nhất (2001).
Nhạc sĩ Ca Lê Thuần còn được trao tặng huân huy chương của nhà nước về các cống hiến khác.
Băng Châu