Giám đốc Sở VHTT Hà Nội: “Có đoàn thanh tra tranh thủ đi lễ rồi về khen lễ hội”
(Dân trí) - Sáng 24/2, Bộ VHTTDL đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội Xuân Đinh Dậu. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Ban Tuyên giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, hơn 40 đại diện sở VHTTDL địa phương, Ban quản lý di tích, lễ hội trên cả nước.
Mùa lễ hội vẫn còn nhiều tồn tại
Theo bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở chia sẻ, đầu năm 2017, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân cùng du khách tham gia. Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ; 100% lễ hội thành lập BTC, công tác tuyên truyền được quan tâm.
Ông Tô Văn Động- Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, Hà Nội có hơn 1200 lễ hội, cho đến thời điểm này, đã có hơn 2/3 lễ hội tổ chức xong. Ông Động khẳng định, năm nay, công tác quản lý tổ chức có tiến bộ hơn năm 2016.
Tuy nhiên, theo bà Trịnh Thị Thuỷ thì mùa lễ hội 2017 còn một số hạn chế như: còn biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội như: Hội thi chọi trâu không phép ở huyện Yên Sơn, Tuyên Quang và Hội chọi trâu huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái; việc tổ chức “khai ấn”, “phát ấn” của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, đền thờ Quang Trung Nghệ An.
Vẫn còn xảy ra những hình ảnh phản cảm, chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại Hội Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ), lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc, ngả nón xin tiền tại Hội Lim, tỉnh Bắc Ninh...
“Quá nhiều đoàn thanh tra nhưng đi chủ yếu là khen”
Ông Tô Văn Động cho rằng, những vấn đề tồn tại của lễ hội phải giải quyết lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai, nhất là trong điều kiện kinh tế hiện nay thì chưa thể làm tốt được.
“Chuyện sư ông phát lộc tại chùa Hương không có trong kịch bản còn lễ hội thì rất tốt. Chuyện cướp lộc có khi năm sau chúng tôi xin Bộ chuyển thành phát lộc. Liệu như thế còn là lễ hội truyền thống không? Nếu người tham gia lễ hội sai thì phải khen chê đúng đối tượng, không thể đổ lỗi hết cho Sở được.
Công tác thanh tra kiểm tra năm nào cũng có nhưng quá nhiều đoàn nhưng lại khen là chủ yếu. Thực tế, chúng tôi cũng biết có đoàn Thanh tra tranh thủ đi lễ rồi khen lễ hội. Cơ sở hạ tầng của các lễ hội cũng là nguyên nhân sâu xa và truyền thống. Trước đây lễ hội diễn ra trong phạm vi làng xã, nay lên khu vực, quốc gia… đương nhiên không thể tiếp đón chu đáo, ngân sách không có, xã hội hóa cũng không được”, ông Động nói.
Liên quan đến Lễ khai ấn tại Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, ông Hồ Chí Đức - PGĐ Sở VHTT Quảng Ninh khẳng định đây là lễ khai bút, không nằm trong danh mục 76 lễ hội.
“Đây chỉ là một hoạt động mang tính chuyên môn của Hội. Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo dừng lại ngay việc phát ấn hoặc ấn lỗi phát ra cũng thu về ngay. Nếu năm sau có diễn ra tình trạng này sẽ làm triệt để hơn”, ông Đức nói.
Ông Nguyễn Vũ Phan - Quyền Giám đốc Sở VHTTDL Tuyên Quang chia sẻ, lễ hội sau Tết ở tỉnh này có khoảng 30 lễ hội nhưng địa bàn khó thanh tra.
“Vừa rồi có lễ hội chọi trâu, chúng tôi đã làm báo cáo với Bộ, xin ý kiến của Cục văn hóa cơ sở. Chúng ta phải có điều chỉnh bằng văn bản nên chăng mỗi tỉnh phải có danh mục lễ hội, dựa vào ý kiến cộng đồng. Nếu chúng ta cứ bám vào kiểu thuần khiết như xưa thì rất khó, phải tính đến yếu tố thương mại, chứ đừng kỵ quá, yếu tố nữa là tâm lý đám đông
Ví dụ, riêng lễ hội chọi trâu Tuyên Quang, nếu chúng tôi dừng lễ hội sẽ gây lên nguy hiểm cho cả người tổ chức. Nếu chọi trâu cấm thì phải cấm toàn quốc, không thể chỗ này là di sản, chỗ kia là bạo lực, phản cảm. Đã chọi trâu thì bản chất là sinh hoạt văn hóa như thế phải có con thua - con được. Trong chọi trâu bán thịt là chuyện bình thường, chúng ta phải tính đến yếu tố thương mại. Hiện nay, trâu không phải là đầu cơ nghiệp, chuyện mua bán diễn ra hàng ngày, có ai bắt mua đâu, chuyện một cân thịt trâu tươi ngon như vậy được bán giá đó không phải quá”, ông Phan chia sẻ.
PGS. TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, lễ hội là giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nơi phát khởi, thăng hoa, tỏa sáng văn hóa. Tổ chức lễ hội làm sao phải để giá trị đạo đức đi vào đời sống. Việc tuyên truyền tại lễ hội là cần thiết để làm cho tư tưởng lễ hội, giá trị lịch sử, văn hóa của lễ hội ấy đi vào công chúng tham gia tại lễ hội.
Đề cập đến chuyện dẫm đạp, tranh cướp lộc trong một số lễ hội mà báo chí phản ảnh, PGS Đặng Văn Bài cho đó là sự suy thoái đạo đức.
“Nếu bằng việc cướp, xô đẩy, dẫm đạp, vùi dập… người khác để có lộc thì chút lộc ấy không có nghĩa gì. Xây dựng được nếp sống văn hóa mới từ công sở, mọi lúc, mọi nơi, may ra khi họ tham gia các lễ hội mới khác được. Văn hóa, đạo đức của người tham gia lễ hội không phải một sớm một chiều mà có được.
Bộ cần có chương trình giáo dục di sản văn hóa, báo chí mỗi năm cho chúng tôi một trăm bài về ý nghĩa của các lễ hội, khuyến khích các mặt tốt của lễ hội, lúc đó lễ hội sẽ đẹp hơn trong mắt dân. Người dân sẽ thay đổi tâm thế khi tham gia. Thứ hai, xây dựng Bộ Quy chế ứng xử văn hóa cho cư dân bản địa. Mỗi người dân tại nơi có lễ hội họ thực hiện tốt quy chế, tạo cơ chế giải pháp để chủ thể, địa phương tham gia. Thú ba, phải tạo ra môi trường thực sự xanh, sạch, đẹp, lịch sự, trang nghiêm… thì những người tham gia dần sẽ bỏ đi những hành vi thiếu văn hóa. Phân biệt cái gì là truyền thống, cái gì là thương mại, mọi công việc cần được
Đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL cho hay: “Chúng tôi đã lập 10 đoàn kiểm tra lễ hội trong mùa lễ hội vừa qua. Nhìn chung, các lễ hội diễn ra tốt đẹp. Chẳng hạn, ở Yên Tử, nếu khách ăn mặc hở hang, phản cảm sẽ được vào thay đồ của BTC. Tất cả các lễ hội truyền thống đều không sử dụng tiền ngân sách, việc lãng phí là ở việc đốt vàng mã. Tuy nhiên, chưa có quy định hạn chế đến đâu, việc đưa vàng mã vào di tích vẫn chưa bị phạt..
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, trên kinh nghiệm những việc chưa tốt thì cần phải đưa ra giải pháp để năm sau phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế của năm trước. Ví dụ, chọi trâu ở Tuyên Quang, chưa xin phép là phải cấm; phát ấn ở hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Quảng Ninh đang đánh tráo khái niệm; đền thờ Quang Trung tại Nghệ An cũng phát ấn… Không thể sáng tạo lễ hội mới bởi nếu như vậy sẽ diễn ra tình trạng tràn lan lễ hội, tràn lan phát ấn... Lễ hội thay đổi hình thức cũng để nhân dân chấp nhận, không thể thay đổi bản chất. Nếu thay cướp lộc hoa tre bằng phát lộc thì còn đẹp không?”, Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh.
Hà Tùng Long