“Giải oan” cho "tháng Giêng là tháng ăn chơi"
(Dân trí) - Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đã từ lâu, tháng Giêng không còn là “tháng ăn chơi” nữa bởi xã hội bây giờ không còn là xã hội thuần nông như trước đây.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, một năm Việt Nam có khoảng 8000 lễ hội lớn nhỏ, trải dài trong tất cả 12 tháng. Trong đó, tháng Giêng là tháng có nhiều lễ hội nhất bởi nó gắn liền với đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước thời xa xưa. Và cũng vì lẽ đó mà trong tâm thức dân gian vẫn còn lưu giữ quan niệm: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Thực tế thì trong cơ cấu nghề nghiệp của nước ta trước đây có đến hơn 90% dân số làm nông nghiệp. Và theo cơ cấu mùa vụ thì một năm chỉ có hai vụ là vụ chiêm và vụ mùa. Vụ chiêm thường bắt đầu gieo trồng từ đầu năm, thu hoạch giữa năm (tháng 6) nhưng không phải lúc nào vào vụ chiêm người ta cũng có thể gieo trồng, cấy hái…vì được phải phụ thuộc vào thời tiết. Đây thường là thời điểm không thuận lợi cho việc gieo trồng, cấy hái. Kể cả với những chân ruộng cần cày cấy sớm, người ta cũng đã cấy xong giống vào trước Tết Nguyên đán. Thời tiết lúc này cực rét hoặc rất thất thường, có gieo trồng cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Người xưa gọi đây là lúc nông nhàn, không có việc để làm. Bởi lẽ đó mà người ta mới có nhiều thời gian để vui chơi, hội hè.
Trong sách "Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm", cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã từng viết: “Con người ngày trước, trong nền văn minh nông nghiệp, trong tổ chức xã hội xóm làng, sống và điều khiển nhịp điệu sống sát với chu kỳ sinh trưởng của thế giới cỏ cây. Mà cỏ cây thì “xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàn”. Mùa xuân, cây cỏ nảy lá, đâm chồi, vì “tháng Giêng rét đài, tháng Hai rét lộc” rồi sang hè thì nở hoa, sang thu lại ngậm đòng, kết trái, để cho con người bước vào mùa hái lượm và qua cái Tết cơm mới tháng 10 mà vào đông... Cho nên thời gian, theo quan niệm của nông dân, có thể gọi là “thời gian nông thôn’ - một thời gian chu kỳ gồm nhiều thời đoạn trải ra trên chu kỳ đó.
“Nhất thì, nhì thục”, lao động nông nghiệp, lối sống nông dân phải nương tựa vào thời tiết, phải theo mùa… Lối làm ăn, lối sống nông nghiệp chỉ cho phép nghỉ vụ, nghỉ mùa, tức tạm nghỉ giữa hai chu kỳ sản xuất, nghỉ theo thời vụ (không kể những ngày nghỉ đột xuất vì gió bão, lụt lội). Cho nên nếu trong tự nhiên, xuân - thu chỉ là hai mùa chuyển tiếp tương đối ngắn ngủi giữa đông và hạ, giữa hai thời của chu kỳ khí hậu nóng - lạnh thì xuân thu nhị kỳ trong nông lịch cổ truyền cũng là hai thời buổi nông nhàn ngắn ngủi của đông đảo nông dân ngày trước. Hội xuân, hội thu có nhiều cách gọi: tết, lễ, hội hay rộng hơn gọi là hội hè - đình đám, là một cách sử dụng thời gian nông nhàn theo mùa, theo vụ. Nhịp sống xóm làng xưa, điệu sống canh nông cổ truyền thiết yếu dựa trên một chu kỳ bao gồm lao động và lễ hội, hai hiện tượng xã hội luân phiên nhau trong không gian và thời gian của thôn xóm”.
Còn theo GS Trần Ngọc Thêm - thì đó là tâm lý “ăn bù, chơi bù” cho những lúc đầu tắt mặt tối. “Nghề lúa nước mang tính thời vụ cao, lúc có việc thì tối tăm mặt mũi, ngay miếng ăn cũng đại khái cốt được việc thì thôi, cho nên lúc rảnh rỗi, người nông nghiệp có tâm lý chơi bù, ăn bù. Vì vậy mà ở Việt Nam, tết nhất đã nhiều, hội hè cũng lắm. Các ngày lễ tết được phân bố theo thời gian trong năm, xen vào các khoảng trống trong lịch thời vụ. Chữ “tết” là biến âm từ chữ “tiết” mà ra. Lễ tết phải gồm hai phần: cúng tổ tiên và ăn uống bù cho lúc làm lụng đầu tắt mặt tối”.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Quang Thắng lại cho rằng, đó là đặc điểm của cư dân nông nghiệp ngày xưa còn bây giờ điều đó đã thay đổi. Cụ thể là một năm bây giờ đã có mấy mùa vụ và rất nhiều nghề phụ, người ta không làm việc này thì cũng có việc khác để làm nên “tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã không còn đúng nghĩa.
PGS.TS Bùi Quang Thắng kể, mới đây, khi ông được mời về phục dựng lễ hội làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), ông đã khuyên các cụ trong làng nên chuyển lễ hội về giữa tháng Giêng bởi tháng Hai con cháu đi hết, không biết lấy ai lo việc. Thực tế, cứ sau Tết Nguyên đán, nhiều làng quê lại vắng hoe vì giới trẻ phải rời quê trở lại thành phố để mưu sinh.
“Trước đây, vào tháng Giêng, nghề nông nhàn nhã nên họ dành cho lễ hội chứ không phải giàu có tới mức ăn chơi cả tháng đâu. Thực ra, ngày xưa là thế chứ bây giờ làm gì có ai ăn chơi cả tháng Giêng. Mồng 5, mồng 6 Tết người ta đã rục rịch rời quê lên thành phố để đi làm. Mới đầu năm đã bận “trăm công, nghìn việc” thì lấy đâu ra thời gian mà ăn chơi, lễ hội”, PGS Thắng nói.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá cũng chia sẻ, đã từ lâu tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi bởi cơ cấu nghề nghiệp bây giờ đã thay đổi rõ rệt, tỉ lệ nông dân ít hơn trước, công nhân viên chức và người làm dịch vụ tăng dần lên.. Mặc dù theo truyền thống, các lễ hội vẫn được duy trì ở các thôn xóm, làng xã, vùng quê… nhưng những lễ hội đó chỉ mang tính mở đầu cho một mùa vụ sản xuất hoặc cầu cho một năm mưa thuận, gió hoà chứ không nặng tính “hội hè - đình đám” kéo dài như trước. Bởi lẽ đó, nếu dù ngày nay người ta vẫn vui hội nhưng không đến nỗi bỏ bê công việc.
“Ngày nay, người ta làm việc theo dương lịch, chế độ nghỉ lễ tết cũng có quy định rõ ràng… nên không thể duy trì thói quen sinh hoạt nông nghiệp như trước được. Tháng Giêng bởi lẽ đó mà không còn là tháng để “ngụp lặn” trong các hội hè, đình đám… Xã hội văn minh cũng không cho phép người ta sống một mình một kiểu được mà phải sống theo số đông”, một nhà nghiên cứu nói.
Hà Tùng Long