Giải mã “tục hèm” trai gái được ở cạnh nhau trong đêm hội

(Dân trí) - Trong một số lễ hội ở miền Bắc vẫn tồn tại những nghi thức diễn xướng khá kỳ lạ và bí ẩn. Nhiều nhà nghiên cứu gọi đó là “tục hèm”. Hiện có rất nhiều “tục hèm” trong một số lễ hội khiến người ta… bàng hoàng vì bất ngờ.

Tắt đèn cho trai gái “ôm” nhau… trong đêm hội

PGS. TS Bùi Xuân Thắng - Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam chia sẻ rằng, một lễ hội truyền thống bao giờ cũng có hai phần: lễ và hội. Phần lễ thường diễn ra trước hoặc trong ngày chính hội với rất nhiều nghi thức: lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ tế gia quan, lễ rước, lễ đại tế, lễ túc trực (dâng hương), lễ hèm (thể hiện các trò diễn), lễ tạ tịch (hoá mã)...

Trong những lễ hội cổ xưa, sau phần tế yết sẽ có nghi thức “tục hèm”. “Tục hèm” là một hình thức diễn xướng tồn tại dưới dạng nghi lễ nhằm tái hiện lại những nét riêng, đặc trưng, thậm chí là sở thích của vị thần linh được tôn thờ. “Tục hèm” thường diễn vào giờ thiêng và những người tham gia là các cụ cao niên đại diện nội bộ cộng đồng.

Tục hèm đậm nét tín ngưỡng phồn thực ở lễ hội Linh tinh tình phộc ở Phú Thọ. Ảnh: TL.
"Tục hèm" đậm nét tín ngưỡng phồn thực ở lễ hội "Linh tinh tình phộc" ở Phú Thọ. Ảnh: TL.

Theo PGS. TS Bùi Xuân Thắng, các lễ hội có tục hèm mình chứng cho sự sáng tạo của dân gian rất đa dạng và phong phú. Lễ hội có “tục hèm” thường là những lễ hội cổ xưa. Trên thực tế, lễ hội có “tục hèm” hiện nay đếm trên đầu ngón tay. Và dựa vào các “tục hèm” mà nhiều người đã tìm ra được chủ thể của lễ hội hoặc nguồn gốc của vị thành hoàng làng.

Trong hội làng Gióng bao giờ cũng tái hiện sự tích ông hiệu cờ (được xem là hiện thân của Gióng), phất cờ đá tung ba chiếc bát úp trên ba chiếc chiếu. Ba chiếc bát biểu tượng cho đồi núi và cánh đồng, thể hiện sức mạnh vô địch của Gióng trước kẻ thù. Diễn xướng chạy cờ trong lễ hội làng Triều Khúc nhằm tái hiện lại sự tích Phùng Hưng luyện quân chuẩn bị đánh vào thành Đại La…

PGS Thắng kể, ngày xưa, trong đêm rã hội diễn ra ở nhiều lễ hội của các làng ở miền Bắc như: Làng Lãng La (Hà Tây); Ngô Xá, Nga Hoàng, làng Ném (Bắc Ninh); Đông Yên, Đan Nhiễm (Băc Giang); Duyên Tục (Thái Bình); Văn Trưng (Phú Thọ)… thường có “tục hèm”, khi tắt đèn, nam nữ có thể trêu nghẹo nhau, đùa nghịch mang tính tình dục, thậm chí có thể quan hệ tình dục… Theo quan niệm dân gian, hội làng năm nào không thực hiện “tục hèm” này sẽ sinh ra rủi ro, dịch bệnh và mùa màng thất bát.

Tác giả Lê Văn Kỳ trong cuốn “Lễ hội nông nghiệp Việt Nam” (xuất bản 2002) cũng từng đề cập đến “tục hèm” đánh bệt (có sách gọi là “đánh biệt”) của lễ hội làng La Cả ở xứ Đoài (Hà Nội ngày nay) rằng: “Trong lúc tắt đèn ấy, một số người thì sang sân bên kia theo đoàn săn hổ, một số người khác ngồi lại tại chỗ muốn làm gì thì làm. Gọi là săn hổ nhưng nam nữ đi tìm đuổi nhau, ai bắt được ai cũng mặc… Theo tục lệ cổ truyền, nam nữ ân ái với nhau trong đêm rã đám ấy mà trót có thai thì làng không bắt tội, ngược lại họ còn cho là may, là sẽ làm ăn phát đạt, mùa màng càng tươi tốt vì sinh lực truyền xuống đất đai rất nhiều”.

“Tục hèm” được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau

“Tục hèm” chém lợn ở hội làng Ném Thượng liên quan đến hành động chém lợn của thành hoàng (Lý Công), vốn là một tướng cướp khét tiếng. “Tục hèm” đuổi lợn trong lễ hội làng Ngô Xá (Gia Lâm - Hà Nội), tái hiện việc thành hoàng là một người lái lợn vì đuổi lợn mà rơi xuống ao bị chết. Ngoài ra. “tục hèm” liên quan đến thành hoàng là một tên ăn trộm, ăn cướp… còn quan sát thấy ở một số làng Cộng Khê (Thái Bình), Tích Sơn (Vĩnh Phúc), Khắc Kiệm (Võ Giàng - Bắc Ninh)…

Tục hèm cướp sinh thực khí trong một lễ hội ở miền Bắc. Ảnh: TL.
"Tục hèm" cướp sinh thực khí trong một lễ hội ở miền Bắc. Ảnh: TL.

“Khi tôi làm về lễ hội Đình Cả của 5 làng Tích Sơn ở Vĩnh Phúc phát hiện ra một điều thú vị đó là 5 ông thành hoàng của làng thực chất là 5 ông đi cướp lợn. Nhà nghiên cứu văn hoá Toan Ánh khi viết về thành hoàng của làng này vẫn viết là 5 ông cướp lợn. Nhưng bây giờ khi tôi đến đó thì lí lịch đã được thay đổi. Bây giờ 5 vị thành hoàng là 5 vị sơn thần giúp ngài Trần Hưng Đạo đánh giặc Nguyên - Mông. Tuy nhiên, dân gian thì không thay đổi, vẫn diễn lại nghi thức gắn liền với 5 ông thành hoàng.

Khi tôi phục dựng lễ hội này thì người không nhớ nổi diễn xướng cướp con lợn đen như thế nào. Tôi may mắn gặp được một cụ già 90 tuổi. Chính cụ đã dạy cho tôi cách làm quỹ để nhốt một con lợn đen mà chỉ cần đạp một cái là nó bung ra và mình ôm lợn chạy đi luôn được. Con lợn đó sau đó được cúng sống, xẻ sống và chia luôncho mọi người. Tức là “tục hèm” này phảng phất “mùi” cướp lợn để nhắc nhở lại thời xa xưa, ông thánh lập làng là cướp lợn. Chúng ta bây giờ thấy thánh lập làng là những ông cướp, ăn mày, ăn trộm, gắp phân… thì buồn cười nhưng thực tế là thời mông muội phải cướp nhau mới có làng. Việc người ta diễn xướng lại là để tưởng nhớ những công lao của vị thần đã lập làng, đã bảo trợ cho làng như thế nào”, PGS Thắng kể.

Theo PGS Thắng, “tục hèm” được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Ngoài ra, “tục hèm” gắn liền với tín ngưỡng phồn thực trong một số lễ hội ở miền Bắc hiện cũng đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh lễ hội “Linh tinh tình phọc” ở Tứ Xã, Lễ hội Trò Trám (Phú Thọ) là còn giữ “tục hèm” gần như nguyên vẹn thì lại có nhiều lễ hội đã “biến tấu” đi. Chẳng hạn, trong lễ hội làng Đức Bác (Lập Thạch – Vĩnh Phúc) diễn ra từ mồng 1 đến mồng 4 tháng Hai hàng năm, người dân tổ chức lễ rước “vật thiêng” rất trang trọng vào trước đêm diễn ra chính hội. Trong đêm rước, đàn ông rước vật thờ là cây gậy vông từ miếu, đàn bà rước vật thờ là mo cau từ đền về đình làng. Trên đường gặp nhau, hai bên “chào hỏi” bằng cách cho gậy vông và mo cau chạm vào nhau nhiều lần để cầu sự may mắn.

Với quan niệm, sinh thực khí là những vật linh thiêng, đem lại may mắn mà ai cũng mong có được “vật thiêng”, người dân đã tổ chức những cuộc thi cướp sinh thực khí một cách công khai. Nghi lễ cướp sinh thực khí hiện nay còn xuất hiện trong rất nhiều hội làng, nhưng đã biến tướng sang các hình thức khác như: cướp kén, cướp cây bông, cướp dò... Chẳng hạn, lễ hội Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ với tục “cướp dò” được tổ chức vào ngày mùng 2 tháng Giêng hàng năm. Vào ngày lễ, làng mở tiệc bánh chưng, bánh giày để tế thần, sau đó tiến hành nghi lễ “cướp dò”- một tục hèm của làng mà kỳ hội nào cũng phải có. Mọi người la hét, xô đẩy, tranh cướp dò một cách quyết liệt.

Hà Tùng Long