(Dân trí) - Dù ban công có diện tích hạn chế nhưng chị Giang vẫn bố trí khéo léo để trồng hơn trăm loại cây và hoa khác nhau, tạo khu vườn nhỏ xanh mát giúp không gian sống thêm trong lành, thoáng đãng.
Chị Trần Thị Thu Giang (hay còn tên gọi là Elisa Tran, SN 1976) hiện đang là chuyên viên kỹ thuật cao cấp ngành may mặc và thiết kế thời trang. Chị Giang là chủ nhân của khu vườn ban công xanh mướt tại một khu đô thị thuộc xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Phía sát cửa kính phòng khách là không gian dành cho các giỏ lan Hồ Điệp. Các loại lan đều được trồng bằng giá thể là gỗ và than gỗ hay xơ dừa nên nhẹ, có thể dễ dàng treo cao mà không sợ bị rơi.
Tầng trên cùng của ban công, chị Giang lắp đặt hệ thống giàn phun sương. Mùa hè, khi thời tiết nóng bức, không khí oi ngạt, chị thỉnh thoảng mở vòi phun sương làm mát cho cây và ban công.
Thỉnh thoảng, chị cũng phải tưới cho cây ít chất dinh dưỡng như dịch chuối, đạm cá, phân NPK hay nước thay bể cá, nước vo gạo… Đất trồng cây chủ yếu là đất phù sa kiếm từ xung quanh đê, kết hợp ủ với một số loại phân tự hủy từ bã các loại hoa quả xay và vỏ trứng,...
"Ban công có lợi thế là hứng được nắng và gió, lại không bị côn trùng, sâu bệnh phá hoại nhưng khó khăn thì nhiều hơn. Nhiều người bảo sao mình trồng nhiều thế, trông rối mắt. Nhưng theo mình, để cây phát triển xanh tốt thì phải tạo cho ban công một hệ thực vật sinh thái đa dạng, giúp các cây tương trợ lẫn nhau thì chúng mới tồn tại được lâu được. Trồng ở trên cao thường ít đất, thiếu dưỡng chất, nếu thiếu độ ẩm nữa thì cây không thể phát triển được. Việc trồng nhiều cây thành một quần thể sinh thái trên ban công giúp cây phát triển bền vững hơn", chủ nhân khu vườn chia sẻ.
Từ khi có vườn cây ở ban công, chị Giang cảm thấy rất yêu ngôi nhà của mình. Mỗi lúc làm việc căng thẳng, chị lại ra vườn chăm cây, ngắm nghía, tỉa tót rồi chụp hình. Chị xem đó như một thú vui thư giãn, giúp tinh thần sảng khoái hơn và học cách sống chậm, luôn giữ bình tĩnh, an nhiên tự tại.