Gemma Nguyễn: “Tôi không thể lúc nào cũng mạo hiểm với cơ thể mình”
(Dân trí) - “Trong một dự án với Nike tôi đã lật cổ chân trong lúc tập luyện và vẫn phải trình diễn với cổ chân bị gãy. Tôi có khả năng chịu đau rất cao nên tôi còn không biết cổ chân đã gãy tới khi quay xong”, chuyên gia võ thuật Gemma Nguyễn chia sẻ về những chấn thương nghiêm trọng cô từng trải qua khi trình diễn.
Gemma Nguyễn sinh năm 1987 tại Mỹ, cô là chuyên gia võ thuật thế giới có sự nghiệp khá hoành tráng ở độ tuổi còn rất trẻ. Cô tham dự cuộc thi toàn quốc của Hiệp hội Karate thể thao Bắc Mỹ (N.A.S.K.A) và gặt hái 7 danh hiệu vô địch thế giới, hơn 100 danh hiệu quốc gia về bài quyền theo Đội Nhóm, phân nhóm cá nhân về bài quyền theo nhạc và vũ khí theo nhạc.
Từng “đi bão” khi U23 Việt Nam chiến thắng, sợ giao thông và giao tiếp
Trở về nước làm việc thời gian qua, cảm nhận của chị về môi trường làm việc tại Việt Nam thế nào?
Làm việc ở Việt Nam rất khác với làm việc ở Hoa Kỳ hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Theo kinh nghiệm của tôi, nơi làm việc đôi khi có thể hơi căng thẳng, cứng nhắc, khô khan.
Tuy nhiên, ở Việt Nam tôi cảm thấy được chào đón, và những mối quan hệ tôi có ở đây khi tham gia show còn hơn cả mối quan hệ đồng nghiệp đơn thuần. Những người bạn ở đây tạo cho tôi cảm giác rất ấm áp và họ giúp tôi cảm thấy Việt Nam là nhà, là quê hương.
Tôi rất ngưỡng mộ người Việt Nam, họ làm việc chăm chỉ và tự hào với công việc của mình.
Điều gì khiến chị cảm thấy thú vị nhất khi về nước?
Tôi cảm thấy rất may mắn khi có được cơ hội trở về quê hương và trải nghiệm nền văn hóa. Tôi đã có nhiều trải nghiệm đầu tiên ở đây là những kỷ niệm đẹp mà tôi sẽ luôn trân trọng. Ví dụ như là lần đầu tiên được ngồi sau xe máy, tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác đó; vừa sợ nhưng cũng vừa rất hào hứng.
Tôi đã "đi bão" sau chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam, tôi thấy thật may mắn được hòa trong một bầu không khí sôi nổi và đoàn kết của người dân TPHCM.
Tôi đã đến Nha Trang, là quê của mẹ tôi, khiến tôi cảm thấy gần gũi hơn. Và chuyến đi đến Hà Nội như một giấc mơ vậy, Thủ đô đẹp đến nao lòng. Tôi đã không nghĩ rằng có một nơi kỳ diệu như vậy tồn tại trên đời.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chính là đồ ăn. Thật ra hiện nay ở Mỹ không thiếu một món ăn Việt Nam nào, nhưng không có chỗ nào làm đồ ăn Việt ngon hơn ở Việt Nam. Ngon tuyệt!
Chị đã dần quen với cuộc sống trong nước? Khó khăn lớn nhất của chị là gì?
Tôi nghĩ tôi đã quen dần với cuộc sống thường nhật ở Việt Nam. Từ việc tính tiền, nạp tiền điện thoại, gọi món, tới cái nóng ở TPHCM.
Có 2 điều tôi thấy khó khăn nhất, đầu tiên là giao thông. Tôi vẫn sợ việc tự lái xe máy vì tôi không quen đường, luật giao thông và đường xá luôn đông đúc ở đây. Nên tôi thật sự thấy khó khăn để cảm nhận toàn thành phố nếu không thể đi lại dễ dàng.
Thứ hai là việc giao tiếp. Mặc dù tôi có thể nói tiếng Việt, tôi vẫn thấy khó khăn để truyền đạt toàn bộ ý mình muốn nói như trong tiếng Anh. Nhưng tôi đang cố gắng luyện tập thêm, và tiếng Việt của tôi đã khá lên nhiều trong vài tháng qua.
Có cơ hội tôi muốn được tiếp tục làm việc tại Việt Nam
Trong chương trình "Đấu trường võ nhạc" chị cảm thấy thích nhất điều gì?
Có điều gì để không thích chứ? Đây là chương trình đầu tiên thuộc thể loại võ nhạc, và khán giả Việt Nam chưa bao giờ được xem chương trình nào tương tự. Tôi rất vinh dự được ngồi ghế nóng mùa đầu tiên của chương trình đầy tính đột phá này.
Những màn trình diễn và các thí sinh đều vượt quá sự mong đợi của tôi, và tôi thật sự ngưỡng mộ sự tiến bộ của họ chỉ sau một thời gian ngắn như vậy.
Ngoài những tài năng xuất chúng của chương trình, điều tôi ngưỡng mộ nhất là tinh thần của võ sĩ Việt Nam. Dù cho chúng ta có khác biệt thế nào, tôi thấy rằng võ sĩ ở khắp nơi đều cùng hướng về những giá trị tinh thần giống nhau. Đó là giá trị của sự cần cù, sự kiên trì, quyết tâm, sự tôn trọng và tinh thần đồng đội. Chương trình này đã rất nhiều lần nhắc nhở tôi làm một người võ sĩ chân chính là như thế nào, và tôi rất biết ơn các thí sinh, vì họ đã chia sẻ những giá trị này đến người dân Việt Nam và đến người dân trên toàn thế giới.
Cách làm việc của các khách mời khác và chị có hợp nhau? Chị có gặp khó khăn về ngôn ngữ?
Lúc ban đầu, tôi rất lo lắng và hồi hộp vì tôi chưa bao giờ làm việc ở Việt Nam và chưa biết văn hóa làm việc sẽ như thế nào. Tuy nhiên, các giám khảo và MC của chương trình rất tốt với tôi, làm tôi thấy rất thoải mái. Chúng tôi đã trở nên thân thiết trong vài tháng qua, và họ giúp đỡ tôi rất nhiều.
Thật lòng mà nói, đôi khi tôi cũng rất khó chịu khi không thể bày tỏ đầy đủ cảm xúc và suy nghĩ của mình, nhưng những lúc tôi cần các vị giám khảo luôn giúp tôi trong việc dịch. John Huy đã từng ở vị trí của tôi nên anh ấy rất hiểu cho hoàn cảnh của tôi, anh John thật sự là một người bạn tuyệt vời. Đây là một trải nghiệm rất vui và tôi thấy rất cảm động.
Chị có định làm việc lâu dài tại Việt Nam?
Lúc này rất khó để trả lời, tôi chỉ cố gắng sống trọn vẹn từng ngày và làm điều tốt nhất trong khả năng của mình. Hiện tại tôi muốn tập trung vào vai trò giám khảo chương trình, làm tốt nhất có thể, và hy vọng tôi có thể truyền cảm hứng đến khán giả.
Tôi đã trở nên gắn bó với cuộc sống ở đây và có những người bạn tri kỉ. Nhưng nếu được trao cơ hội tôi muốn được tiếp tục làm việc ở đây, đem võ thuật Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Từng trình diễn với cổ chân bị gãy
Với những thành tích mang dấu ấn quốc tế, chị cảm thấy tự hào về bản thân?
Thật lòng mà nói, những giải thưởng và thành tích là một điều vinh dự, nhưng điều quan trọng nhất đối với tôi là hành trình tôi đã đi qua. Sư phụ của tôi luôn dạy rằng, “để trở thành số một, con phải tập luyện như mình chỉ là số hai”.
Nguồn động lực, đam mê, sự kiên trì và lòng quyết tâm là những bài học trong suốt hành trình và là điều khiến tôi cảm thấy tự hào nhất.
Tôi nghĩ rằng mọi vận động viên đều có tinh thần cạnh tranh cao, nhưng với những người luyện võ chúng tôi còn trân trọng những giá trị khác như tôn sư trọng đạo, sự tôn trọng và sự chính trực với những người thầy đã giúp tôi trưởng thành không chỉ là về võ đạo, mà còn cả đạo làm người.
Với những thành tích đã có được, chị có đặt mục tiêu để định xác lập thêm kỷ lục nào mới?
Tôi rất may mắn được có cơ hội thi đấu và giành danh hiệu khi còn nhỏ, nhưng sự nghiệp của tôi giờ đây không chỉ đơn giản là thi đấu tranh huy chương.
Tôi đã dành cả thời niên thiếu để tập luyện, thi đấu và từ đó tạo dựng tên tuổi cho bản thân. Giờ đây tôi đặt mục tiêu cho sự nghiệp và cho bản thân, không phải phá kỷ lục, mà là những mục tiêu cá nhân để tạo động lực cho bản thân và tiếp tục cải thiện từng ngày.
Giờ đây khi đã trưởng thành hơn, tôi nhận ra ngoài những đòi hỏi về thể chất đối với võ thuật, còn những khía cạnh triết lý và khía cạnh tinh thần có được nhờ trí tuệ và kinh nghiệm. Tôi mong có thể đóng góp vào hành trình của mình những gì mình đã học, được truyền cảm hứng và truyền cảm hứng đến mọi người.
Luyện tập từ nhỏ, chị từng trải qua chấn thương nghiêm trọng nào chưa?
Trong quá trình tập luyện, tôi thật sự thấy mình may mắn. Ngoài những vết bầm, lật cổ chân và đôi khi bị côn đập vào đầu, tôi chưa bao giờ chịu một chấn thương nào quá nghiêm trọng. Tôi từng bị hen suyễn lúc nhỏ, nhưng tôi đã quyết tâm vượt qua và tôi đã hết bệnh sau nhiều năm rèn luyện sức khỏe.
Tuy nhiên, khi bước vào nghề tôi lại không may mắn như vậy.
Trong ngành này bạn không chỉ phải dựa vào bản thân, mà còn những yếu tố khác bạn không thể kiểm soát. Trong một dự án với Nike tôi đã lật cổ chân trong lúc tập luyện và vẫn phải trình diễn với cổ chân bị gãy. Tôi có khả năng chịu đau rất cao nên tôi còn không biết cổ chân đã gãy tới khi quay xong.
Tôi cũng từng bị chấn thương ở đầu gối và lưng. May mắn là không để lại di chứng.
Có bao giờ việc theo nghề mạo hiểm khiến chị cảm thấy nản chí?
Cường độ tập luyện quá cao từ lúc nhỏ bắt đầu cho thấy dấu hiệu cho cơ thể, ngày nào đó tôi sẽ lập gia đình nên tôi nghĩ rằng đóng thế mạo hiểm không phải là lựa chọn an toàn. Đó là thời điểm trong đời tôi thấy mông lung nhất, cảm thấy bối rồi không biết mình muốn làm gì.
Tôi không thể lúc nào cũng mạo hiểm với cơ thể mình nếu một ngày nào đó tôi muốn làm vợ và làm mẹ - đó cũng là một ước mơ của tôi. Cũng vì khoảng thời gian khó khăn đó, tôi quyết định quay trở lại trường và theo đuổi ngành thiết kế thời trang.
Tôi vẫn tập luyện và đóng phim hành động trong thời gian này, nhưng tôi cũng muốn tạo một cơ hội khác cho mình. Tôi chưa bao giờ quên ước mơ đầu tiên là được trở thành ngôi sao phim hành động.
Tôi mong một ngày có thể thành công cả 2 sự nghiệp, phát triển một dòng thời trang cho những nghệ sĩ võ thuật như tôi. Đến với chương trình này là một cơ hội lớn cho tôi, và cho dù là một diễn viên hành động hay một doanh nhân thời trang, tôi luôn tập trung và dồn hết năng lượng vào ước mơ của mình.
Cuộc sống hiện tại của chị như thế nào? Về bản thân và gia đình?
Cuộc sống hiện tại của tôi rất tuyệt vời. Võ thuật đã cho tôi sự tự do để theo đuổi niềm đam mê và theo đuổi ước mơ. Tôi rất biết ơn những cơ hội đã được trao, và tôi biết ơn gia đình đã luôn ủng hộ mình. Tôi là chị cả trong 3 chị em gái, và tôi rất tự hào về chúng. Em gái thứ hai của tôi là một cố vấn tài chính sống ở San Francisco, và em gái út của tôi đang học kỹ sư cơ khí ở Học Viện Phòng Vệ Bờ Biển.
Mặc dù cuộc sống của chúng tôi rất khác nhau, có một mối liên kết đặc biệt giữa chúng tôi và tình yêu cho hai đứa em tôi luôn mang trong tim mình. Bố mẹ luôn yêu thương khích lệ chúng tôi. Tôi nghĩ điều một đứa trẻ đòi hỏi nhiều nhất ở cha mẹ chúng là niềm tin và sự tin tưởng. Khi còn nhỏ cha mẹ đã ủng hộ tôi ra đi và theo đuổi đam mê của mình. Tôi luôn biết ơn họ vì đã tin tưởng ở tôi.
Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!
Băng Châu