Gặp người giữ hồn nghệ thuật Dì Kê Bảy Núi

(Dân trí)- Ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, mọi người đều biết đến ông Chau Cheap (57 tuổi), bởi ông đã có công gìn giữ loại hình nghệ thuật Dì Kê Bảy Núi. Qua nhiều chuyến công diễn, loại hình nghệ thuật này đã làm nức danh đồng bào Khemer xứ núi.

Về vùng Bảy Núi trong những ngày cuối năm, chúng tôi đã ghé thăm gia đình ông Chau Cheap, Trưởng bầu gánh Dì Kê còn sót lại vùng Bảy Núi đang tận tình hướng dẫn diễn viên bán chuyên nghiệp tập múa Dì Kê.  Đoàn nghệ thuật Dì Kê của ông Chau Cheap có 24 người, hầu hết đều là dân nghiệp dư. Do đam mê nghệ thuật múa, hát Dì Kê mà mọi người tranh thủ một buổi gặt lúa, một buổi về nhà tập dượt. Ông Chau Cheap nói: ''Ai cũng có công việc riêng, nhưng khi hay tin chuẩn bị diễn Dì Kê trong Ngày hội, mọi người đều hăm hở xung phong luyện tập.

Cái duyên đưa ông Chau Cheap đến với loại hình nghệ thuật Dì Kê chính là từ khi ông mê bà Neang Ók, con gái của một gia đình có truyền thống múa hát Dì Kê lâu đời.

Mỗi lần chuẩn bị công diễn cho các ngày hội vùng đồng bào Khmer, bà Neang Ók phải vất vả trong việc mua sắm vật dụng may áo, mão, kiềng tay, kiềng cổ... Cực nhất là ngồi khâu từng hạt cườm trên áo, mão đến những hoa văn lấp lánh của chiếc kiềng tay, kiềng chân.
 
Ông Chau Cheap nhận giấy khen vì có công giữ hồn cho nghệ thuật Dì Kê Bảy Núi
Ông Chau Cheap nhận giấy khen vì có công giữ hồn cho nghệ thuật Dì Kê Bảy Núi

 
Trong ngôi nhà đơn sơ của ông Chau Cheap, chúng tôi thực sự cảm nhận được gia đình đam mê loại hình nghệ thuật này. Phía bên trái nhà là một cái tủ kiếng đựng đủ đồ biểu diễn nghệ thuật như: mão, đai, dây tay, dây đeo cổ, quần, áo vẫn còn mới cáu được cất xếp rất ngăn nắp. Nhìn quanh chúng tôi thấy giấy khen, giấy chứng nhận, huy chương được ông Chau Cheap treo khắp nhà. Điều đó chứng tỏ được cái tài của một nông dân ''chân đất'' một mực gìn giữ loại hình nghệ thuật đã một thời vang bóng.

''Hiện nay, Dì Kê có sức cuốn hút mãnh liệt trong đời sống bà con Khmer nên vợ chồng tôi mê lắm! Những món đồ này ở đây ít ai làm được, ví dụ một tấm áo hạt cườm, có khi làm cả năm trời mới đủ bộ. Nhờ cha, mẹ tôi truyền lại nên tôi mới lưu giữ được cách làm. Hổm rày, tôi mới khâu xong những hạt cườm trên 6 chiếc mão để chuẩn bị thi diễn trong Ngày hội sắp tới tại huyện Tịnh Biên...''- bà Neang Ok tâm sự.

Điều đáng mừng hiện nay, người con gái của ông Chau Cheap là chị Neang Bunh Khươn lại có năng khiếu bẩm sinh và rất đam mê loại hình nghệ thuật Dì Kê. Chị có giọng hát hay, múa giỏi được xem là trụ cột chính trong Đoàn múa Dì Kê xã Ô Lâm. Chị Neang Bunh Khươn xởi lởi: ''Múa hát Dì Kê đã ăn sâu vào máu thịt gia đình tôi như nước uống, cơm ăn hằng ngày vậy nên chúng tôi không thể nào bỏ được. Mặc dù hiện nay cũng bận rộn việc lúa thóc nhưng tôi vẫn dành thời gian tập luyện. Khoảng tuần nay, ngày nào tôi cùng các chị em trong Đoàn cũng đến Trung tâm Văn hóa huyện để tập luyện theo những nội dung được giao''.
 
Điệu múa Dì Kê có ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà con đồng bào Khmer
Điệu múa Dì Kê có ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà con đồng bào Khmer
 
Từ khi đứng ra lập ''gánh hát'' nghệ thuật Dì Kê đến nay, ông bầu gánh Chau Cheap đã cùng đoàn giành nhiều giải thưởng cao. Đáng chú ý nhất là đoạt Huy chương Bạc vào năm 2003, với tiểu phẩm ''tum & tiêu'', trong Ngày hội Văn hoá Thể thao dân tộc Khmer, lần thứ II. Đặc biệt, năm 2008, đoàn Dì Kê của bầu gánh Chau Cheap còn đoạt giải Nhất trong Ngày hội Văn hoá Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần IV. Ông Chau Cheap thật tình: ''Điều quan trọng không phải đi thi để mong được giải cao mà Đoàn chúng tôi muốn đem giá trị văn hoá truyền thống biểu diễn cho bà con thưởng thức. Mỗi lần diễn xong tiết mục, thấy họ vỗ tay rần rần là mình vui rồi''.

Nói về sự đam mê nghệ thuật Dì Kê của ông Chau Cheap, Hòa thượng Chau Ting, sãi cả chùa Kup Plưng xã Ô Lâm bày tỏ: ''Ở vùng Bảy Núi chỉ ông Chau Cheap là còn giữ hồn cốt cách của loại hình nghệ thuật Dì Kê. Đồng bào dân tộc Khmer xem đây như là hạt ngọc quý cần gìn giữ và phát huy. Hằng năm, các địa phương trong và ngoài tỉnh tổ chức ngày hội văn hóa thể thao và du lịch, gánh Dì Kê của ông Bầu Chau Cheap đều tham gia và đoạt giải cao. Từ đó, cho thấy cái tài của một nông dân chân đất lại đam mê nghệ thuật bằng cả tâm huyết''.

Thành An - Nguyễn Hành