Gặp gỡ tác giả và nhân chứng lịch sử của "Nhật ký thời chiến Việt Nam"
(Dân trí) - Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về”, nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ biên của bộ sách “Nhật ký thời chiến” chia sẻ.
Buổi Tọa đàm, gặp gỡ tác giả và nhân chứng lịch sử của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” diễn ra ngày 22/7 tại Hà Nội với sự tham dự của các tác giả, nhân thân tác giả, nhân chứng lịch sử liên quan.
Chương trình do Quỹ Mãi mãi tuổi 20, NXB Hội Nhà văn, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, CLB Trái tim người lính phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7.
Lần đầu tiên hai cuốn nhật ký nổi tiếng “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng với 29 tác phẩm nhật ký thời chiến khác được in chung trong một bộ sách.
31 tác phẩm của 31 tác giả, trong đó, mỗi tác giả trở về từ chiến trường đều có một số phận riêng biệt; mỗi tác phẩm trước khi đến với bạn đọc đều có một hành trình hàng chục năm với bao tình tiết ly kỳ. Sự trở về và hành trình từ những sổ tay di vật - kỷ vật đến bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” rất khác nhau ấy được chính các tác giả, thân nhân tác giả, nhân chứng lịch sử chia sẻ trong tọa đàm, mang đến nhiều cảm xúc cho những người tham dự.
Tại buổi tọa đàm, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, Chủ biên của bộ sách chia sẻ: “Có đến 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho chúng tôi, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của nhiều gia đình...”
Theo nhà văn Đặng Vương Hưng, đây là bộ sách được viết bằng máu của những người lính. Ngoài giá trị văn chương truyền thống thì đây là tư liệu chân thật về chiến tranh qua những trang trang nhật ký được viết bởi chính những người trong cuộc. Nó tưởng chừng như rất đỗi riêng tư nhưng lại mang đến cho độc giả những thông tin và tư liệu vô cùng quý báu.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ Nhất Hội Nhà văn Á - Phi) cũng nhận định: “Bộ sách “Nhật ký chiến tranh Việt Nam” mang một giá trị lớn lao mà ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy. Nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam. Bởi thế mà những trang nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam đã trở thành một giá trị vô cùng to lớn làm lên bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa Việt Nam chứ không chỉ là một loại hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước”.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, CLB Trái tim người lính (Soldier's Heart Club) - một diễn đàn của các Cựu chiến binh trên mạng xã hội facebook - phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã phát động Cuộc vận động Sưu tầm kỷ vật trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và biển đảo Tổ quốc. Đồng thời, CLB cũng tổ chức cuộc thi viết và kể chuyện mang tên Tình yêu trong chiến tranh với mục đích phát hiện, tìm kiếm những chuyện tình đẹp, cảm động nhất, đã giúp nhiều người vượt qua bom đạn, cái chết và chiến thắng chính mình.
Cuộc thi viết và kể chuyện “Tình yêu trong chiến tranh” chỉ chấp nhận thể loại người thật, việc thật, mỗi bài viết không quá 3.000 chữ, kèm ảnh nhân vật, sự kiện hoặc clip kể chuyện (dài không quá 30 phút). BTC sẽ trao 1 giải Nhất (trị giá 10 triệu đồng) và nhiều tặng thưởng có giá trị cho câu chuyện tình được kể hay nhất.
Kết quả cuộc sưu tầm và những tác phẩm xuất sắc nhất trong Cuộc thi viết và kể chuyện Tình yêu trong chiến tranh sẽ được tuyển chọn, biên soạn vào tập sách Trái tim người lính. Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 3/2022.