Gần nửa thế kỷ “chìm nổi” của bài thơ “Em ơi! Hà Nội phố”

(Dân trí) - “Em ơi! Hà Nội phố” là một trong những ca khúc kinh điển viết về Hà Nội. Đây là ca khúc do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc trên nền thơ gốc của nhà thơ Phan Vũ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, bài thơ gốc của nhạc phẩm này đã có gần nửa thế kỷ chìm nổi nơi đất người.

Bài hát ra đời giúp "khai sinh" bài thơ

Nhà thơ Phan Vũ cho biết, ông viết "Em ơi! Hà Nội phố" vào năm 1972, trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, trong những ngày Hà Nội chìm vào cơn mưa bom B52 xối xả. Hồi đó, nhà thơ thân với họa sĩ Bùi Xuân Phái nên hay đi theo họa sĩ Phái. Họa sĩ Phái vẽ phố, còn ông nghĩ về phố.

“Trong một đêm lang thang giữa những góc phố hiu quạnh gần Nhà máy điện Yên Phụ, cảm xúc nhớ Hà Nội bình yên đã thôi thúc tôi viết nên những ca từ đau đáu. Cảm xúc, bối cảnh trong thơ đều được lọc từ những gì đẹp nhất của người con gái Hà Nội, góc phố rêu phong, mùa đông Hà Nội.

Chân dung nhà thơ Phan Vũ. Ảnh: Du Nguyên.
Chân dung nhà thơ Phan Vũ. Ảnh: Du Nguyên.

"Em ơi! Hà Nội phố" được sáng tác trong một thời gian dài. Có những lúc cảm xúc tuôn trào tôi không kịp viết ra liền nhờ cô bé nhà bên mới chừng 15-16 tuổi chép lại. Tôi tái hiện Thủ đô trong trái tim bằng ký ức bạn bè, góc phố, tiếng chuông nhà thờ, tiếng sóng Hồ Tây… Lúc tôi viết Hà Nội đang bị bom Mỹ tàn phá, người dân sơ tán.

Chính vì vậy mỗi đoạn đầu của thơ điệp khúc "Ta còn em" cứ vang mãi, vang dọc suốt 23 đoạn thơ. Điều đặc biệt, trong bài thơ có hàng chục âm thanh vang lại và hơn 30 gương mặt của cô gái Hà thành. Nhiều người viết thư hỏi tôi về những cô gái xuất hiện trong thơ và một số cô gái nhận mình là nhân vật đó làm tôi vui sướng khi mình đã khắc họa được hình ảnh đẹp của người con gái trong thơ thành công.

Tôi cũng phải nói thêm điệp từ “Ta còn em...” còn có nghĩa “ta mất em...”. Đó là sự tiếc nuối về những gì “thật Hà Nội” không còn nữa. Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được.

Chỉ cần mấy câu thơ của người xưa “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương…” cũng làm chúng ta rung động huống hồ những xót đau, mất mát thuộc về tâm linh, một thứ để thờ phụng, khiến con người có thể thí mạng để bảo vệ, gìn giữ. Và tinh thần của người Hà Nội trong tháng chạp năm ấy đã chứng tỏ rõ ràng.

“Em ơi, Hà Nội phố với 25 khổ thơ đã ra đời trong khoảng cách những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B-52 vào thành phố. Tôi ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt. Tất nhiên, trong một quá trình dài dặc nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều khi có vài ly rượu ngà ngà lại chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy một dáng, một hình, một con chữ cần thêm, cần bớt.

Tôi cũng thường bỏ công chép cả bài thơ dài dặc để tặng ai đó nhưng khi khách ra về lại hí hoáy sửa lại vì trong lúc chép tặng chợt phát hiện một câu, một chữ chưa vừa ý. Do đó “Em ơi! Hà Nội phố” đã thành tam sao thất bản, đến mức tác giả cũng không sao phân biệt được.

Năm 1985 tôi tình cờ gặp nhạc sĩ Phú Quang tại TP Hồ Chí Minh. Ngồi uống cà phê tôi đã đọc cho Phú Quang nghe "Em ơi! !Hà Nội phố". Ngay sau đó Phú Quang đã cảm nhận được cái hồn bài thơ và lập tức xin phép tôi phổ nhạc. Từ 300 câu tôi phải chọn lọc ra 20 câu thơ để viết nên bài hát "Em ơi! Hà Nội phố".

Những bức vẽ do chính tay nhà thơ Phan Vũ vẽ, lấy cảm hứng từ chính bài thơ mình sáng tác cách nay gần nửa thế kỷ. Ảnh: Du Nguyên.
Những bức vẽ do chính tay nhà thơ Phan Vũ vẽ, lấy cảm hứng từ chính bài thơ mình sáng tác cách nay gần nửa thế kỷ. Ảnh: Du Nguyên.

Sự thành công Phú Quang đã giúp khai sinh một bài thơ mà công chúng chưa hề biết đến, để rồi giúp "Em ơi! Hà Nội phố" vang mãi đến bây giờ. Mỗi lần có sự kiện, có ca sĩ hát bài này, hay đi uống cà phê nơi đất khách quê người mà nghe vang lên âm điệu bài hát là lòng tôi lại nhớ Hà Nội. Nhớ đến da diết!”, nhà thơ Phan Vũ tâm sự.

Gần nửa thế kỷ lưu lạc nhân gian

Theo nhà thơ Du Tử Lê: “Mỗi đoạn là một gam màu, một mảnh puzzo (trò ghép tranh), khi ráp lại thành toàn cảnh Hà Nội tháng 12 năm 1972 với những hình ảnh tương phản ngột ngạt, giữa một Hà Nội thanh bình xưa và một Hà Nội trống hoác. Một Hà Nội chết nghẹn. Một Hà Nội chín, nẫu hoang vu”.

Gần nửa thế kỉ đã trôi qua, trường ca này lưu lạc nhân gian, đi qua bao nứt đổ của thời gian, qua bao thời khắc gắn với vận mệnh của Hà Nội, đến bây giờ, vẫn còn nguyên giá trị. Nó như một cách diễn giải “tâm hồn người Hà Nội”. Ca sỹ Giang Trang cho rằng, tập trường ca của Phan Vũ “như một bản tình ca sau cùng dành cho Hà Nội. Một Hà Nội loanh quanh, nhỏ hẹp mà bao la quá”.

Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” (hay nói chính xác là một bài thơ trường thiên) không chỉ có 21 câu như ca khúc của Phú Quang phổ biến, mà là khúc trữ tình dài 443 câu, được chia thành 24 đoạn. Ảnh: Du Nguyên.
Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” (hay nói chính xác là một bài thơ trường thiên) không chỉ có 21 câu như ca khúc của Phú Quang phổ biến, mà là khúc trữ tình dài 443 câu, được chia thành 24 đoạn. Ảnh: Du Nguyên.

Còn với nhà văn Trương Quý, tác giả của nhiều tản văn ăn khách viết về Hà Nội, “tập trường ca này dùng nhiều mỹ từ, ở một người sử dụng khác sẽ có thể là thành mòn, nhưng qua tay Phan Vũ, chúng có độ lấp lánh rất hấp dẫn. Chúng như những họa tiết được thêu lên tấm áo dài đẹp đẽ của người thiếu nữ Hà Nội thời xưa cũ, như những diềm mái trang trí vẫn còn hiện diện đầy kiêu hãnh trên những mặt tiền nhà phố cổ sót lại, như những dáng cây đầy ắp vẻ nên thơ bên những mặt hồ. Có chút gì huyền hoặc như sương khói, giống như một sớm mùa đông lạnh giá, đột nhiên vang lên từ môi những câu như tự nhủ, như ngóng chờ… “Ta còn em mùi hoàng lan. Ta còn em mùi hoa sữa. Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya…”.

Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” có nhiều “tam sao thất bản” vì chủ yếu đến với độc giả qua con đường truyền miệng. Tác phẩm này được in một lần duy nhất vào năm 2008 ở Huế. Tuy nhiên, không phổ biến lắm nên ít được bạn đọc biết đến.

“Ở Huế, tôi đã đọc bài thơ dưới ánh sáng của một ngọn nến, trong một căn nhà cổ cho một số bạn Huế yêu thơ. Ở Sài Gòn, tôi đã đọc tại quán Guitare Gỗ do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đệm đàn và viết một ca khúc phụ họa. Ngoài ra, những đợt đi đến tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tôi cũng đều đọc cho khán giả nghe. Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội tôi mới có dịp về đọc "Hà Nội phố" cho người Hà Nội nghe. Tôi nhớ lắm lúc đó, hơn 300 người có mặt tại khán phòng làm tôi hồi hộp. Rồi khi bài thơ kết thúc, tôi đã nghẹn lại khi đón nhận những cái ôm rất chặt, những ánh mắt rưng rưng và nguyên một xe ô tô chở đầy hoa của khán giả tặng… Tuy nhiên, gần nửa thế kỷ bài thơ viết về Hà Nội, tại Hà Nội vẫn chưa trở về Hà Nội. Và tôi vẫn mong đợi một dịp được lần đầu đọc “Em ơi, Hà Nội phố giữa thủ đô”

Trong lần trở lại mới nhất do NXB Hồng Đức phát hành này, bên cạnh bản “Em ơi! Hà Nội phố” trọn vẹn nhất, còn có 7 phụ bản do nhà thơ Phan Vũ vẽ và 8 bức chân dung tự họa trầm mặc mang tên Phan Vũ. Thơ và tranh, thơ và nhạc, cộng hưởng vào nhau, làm nên một tác phẩm “sống mãi cùng thời gian”, làm nên một tập trường ca giản dị, xúc động về Hà Nội.

Phan Vũ bên những bức họa của mình. Ảnh: Du Nguyên.
Phan Vũ bên những bức họa của mình. Ảnh: Du Nguyên.

Nhà thơ Phan Vũ sinh ở Hải Phòng vào năm 1926. Bên cạnh là nhà thơ, ông còn được biết đến với các vai trò khác như tác giả kịch bản, đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh, họa sĩ.

Trong một lần chia sẻ, ông nói, thơ ông khó phổ nhạc. Đến nay, ngoài “Em ơi! Hà Nội phố” được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, Phan Vũ còn là tác giả phần lời của ca khúc “Tình ca cho em” của nhạc sĩ Nguyễn Nam, được biết đến qua tiếng hát Hồng Hạnh - người đàn bà ôm đàn hát tình ca một thời. Đầu những năm 1990, Phan Vũ chuyển qua vẽ tranh, lui về ở ẩn và có một số triển lãm chung và riêng tại TP.HCM.

Lần đầu tiên, tập thơ “Em ơi! Hà Nội phố” được xuất hiện trọn vẹn trong một ấn phẩm đặc biệt, đính kèm một số phụ bản do chính nhà thơ Phan Vũ vẽ. Buổi ra mắt và giao lưu nhân dịp ra mắt tập trường ca nổi tiếng về Hà Nội tái bản sẽ diễn ra vào lúc 19g ngày 4/3 tới tại số 351/4 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3, TP.HCM.

Hà Tùng Long