Gameshow truyền hình xoay sở ra sao khi ghi hình không có khán giả?
(Dân trí) - Mặc dù dịch Covid-19 đã bước qua giai đoạn căng thẳng nhưng việc ghi hình gameshow có đông khán giả vẫn đang là bài toán khá đau đầu đối với các nhà sản xuất.
Hụt hẫng, kém vui… vì gameshow không có khán giả
Đại diện Công ty Đông Tây Promotion cho biết, hiện đơn vị này đang phát nốt những số cuối cùng của các gameshow đã được ghi hình từ trước đó. Bắt đầu từ cuối tháng 5/2020, đơn vị này sẽ bắt tay vào ghi hình các chương trình không có khán giả.
Việc ghi hình gameshow không có khán giả chắc chắn sẽ tạo ra những khó khăn nhất định và ê-kíp sản xuất sẽ phải điều chỉnh format (hình thức thể hiện) sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Trước đó, đơn vị này cũng đã đề xuất phát lại một số chương trình bằng cách dựng lại các phần đã phải cắt bỏ do thời lượng phát sóng không đủ của một số gameshow. Đây là giải pháp tạm thời mà đơn vị này nghĩ tới để giải quyết tình trạng thiếu hụt tập phát sóng kế tiếp cho loạt gameshow của đơn vị mình.
Bên cạnh đó, hàng loạt chương trình có đông khán giả đến trường quay của Đài truyền hình Việt Nam như: “Ai là triệu phú”, “Đường lên đỉnh Olympia”, “Hãy chọn giá đúng”, “Tiền khéo tiền khôn”, “Quán thanh xuân”... cũng phải thay đổi mô hình sản xuất.
“Chúng tôi cũng đã quá quen với không khí nô nức và những tràng pháo tay của khán giả mỗi lần bước ra sân khấu. Vậy mà giờ đây, hàng loạt chương trình phải ghi hình không có khán giả hoặc số lượng khán giả vô cùng hạn chế. Hụt hẫng, trống vắng… là những cảm giác đầu tiên.
Nhưng ngay lập tức, chúng tôi phải gạt những cảm xúc riêng tư đó để tập trung giải quyết thách thức “sản xuất chương trình không khán giả tại chỗ nhưng vẫn hấp dẫn khán giả tại nhà”. Đây là điều chưa ai từng nghĩ tới nhưng hoàn cảnh bắt buộc mình phải nghĩ khác đi và đó là khi sự sáng tạo được bung mở”, Nhà báo Diệp Chi - Ban Sản xuất các chương trình Giải trí (VTV3) bày tỏ.
Nhà báo Đặng Diễm quỳnh – Trưởng ban Thanh Thiếu niên VTV6 chia sẻ, để làm “Quán thanh xuân” số vừa qua, ê-kíp đã phải hủy buổi ghi hình với 400-500 khán giả, chuyển sang hình thức sân khấu với ban nhạc ở trường quay cùng với 4-5 khách mời, đảm bảo không quá 20 người tụ tập. Và khi xem lại ê-kíp cảm thấy chưa hài lòng vì không được vui như trước những vẫn phải chọn cách này để giữ an toàn cho tất cả mọi người.
Mong sớm được đón khán giả trở lại trường quay
Theo Nhà báo Diệp Chi, để lấp đầy những khoảng trống lớn trên dải giờ phát sóng của VTV, một loạt chương trình mới tinh được đưa vào sản xuất với mô hình tối giản nhân sự, tối giản công đoạn. Các phóng viên, biên tập viên lên hình tại nhà hoặc trong trường quay thu gọn tại phòng làm việc. Ê-kíp kết nối từ xa với các nghệ sĩ, bàn bạc thống nhất kịch bản,để sau đó các nghệ sĩ tự tổ chức quay clip tại gia gửi cho nhóm sản xuất.
Nhà báo Diệp Chi cho biết thêm rằng, với những chương trình gameshow có format chặt chẽ như “Ai là triệu phú” thì việc thiếu vắng khán giả không chỉ đơn thuần là thiếu tiếng vỗ tay, thiếu những khuôn mặt cười nói, thiếu không khí sôi động… mà khán giả còn đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi họ trực tiếp hỗ trợ người chơi thông qua hai sự trợ giúp quen thuộc “hỏi khán giả trong trường quay” và “tổ tư vấn tại chỗ”. Khi không có khán giả, người chơi sẽ phải xoay xở thế nào, đó là câu hỏi mà chúng tôi đã đặt ra cho nhau ngay trước lệnh cách ly xã hội.
"Sau rất nhiều thảo luận và quan trọng nhất là căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam ở thời điểm đó, tất cả đã đi đến thống nhất sẽ ghi hình không có khán giả và hai sự trợ giúp mới được sử dụng thay thế.
Đó là sự trợ giúp “Hỏi ý kiến người đồng hành” và “Hỏi ý kiến những nhà thông thái”. Người bạn đồng hành với người chơi sẽ trực tiếp xuống sân khấu hỗ trợ trả lời câu hỏi. Trong một căn phòng kín biệt lập bên ngoài trường quay, hai “nhà thông thái” cũng sẵn sàng để trợ giúp người chơi khi cần.
Bên cạnh đó, nhóm phụ trách hình ảnh cũng phải làm việc kỹ với nhau để điều chỉnh ánh sáng, góc quay, decor sân khấu sao cho người xem tại nhà không bị phân tâm bởi sự trống trải của trường quay khi không có khán giả”.
Người dẫn “Đường lên đỉnh Olympia” nhấn mạnh, hiện các nhóm sản xuất đã giảm chế độ làm việc online để đưa quy trình sản xuất dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, mọi người vẫn vừa làm việc vừa nghe ngóng, không ai được phép lơi là, chủ quan trong quá trình tác nghiệp bởi những nguy cơ lây nhiễm vẫn còn. Việc đón khán giả tới trường quay ngay ở thời điểm này vẫn được tính toán, giới hạn rất thận trọng.
“Chỉ đến khi nào cuộc sống ngoài kia trở lại bình thường thì quy trình sản xuất của những người làm truyền hình mới có thể quay về như trước. Đại dịch bùng phát đã đặt ra thách thức cho rất nhiều nghành nghề chứ không riêng gì truyền hình. Nhưng tôi tin nó để lại rất nhiều bài học quý. Khi việc sản xuất gặp khó khăn, không thể bày biện được nhiều thứ hình thức như trước thì cốt lõi nội dung gần như là điều duy nhất níu khán giả ngồi trước màn hình tivi”, Diệp Chi bộc bạch thêm.
“Giữa thời điểm khó khăn, khi phải xoay xở rất nhiều thứ để bù đắp những khoảng trống để lại trên sân khấu, chúng tôi một lần nữa được nhắc nhớ về vai trò quan trọng của khán giả trong các chương trình gameshow. Nói thật, chúng tôi rất nhớ họ và mong sớm được đón những khán giả đầu tiên trở lại trường quay”, Nhà báo Diệp Chi nói.
Hà Tùng Long