Gameshow "Hôn trước yêu sau" phải ngừng phát sóng vì bị chỉ trích dữ dội
(Dân trí) - Nhà sản xuất chương trình “Date & Kiss” vừa chính thức thông báo ngừng phát sóng chương trình vì những phản ứng tiêu cực từ phía khán giả.
“Date & Kiss” là chương trình truyền hình thực tế dựa theo nội dung của MBC Holding Japan được phát sóng trên kênh Youtube. Chương trình thể hiện những góc nhìn mới trong cách bày tỏ tình cảm của người trẻ và được nhà sản xuất giới thiệu là chương trình hẹn hò với sự tham gia của một nhân vật chính và hai ứng viên (một nam hai nữ hoặc một nữ hai nam) mỗi tập.
Mặc dù mang danh nghĩa là một gameshow hẹn hò nhưng thay vì trò chuyện, giao lưu, hỏi đáp.. để tìm hiểu tính cách thì “Date & Kiss” lại để người chơi “tìm hiểu” bằng cách... hôn nhau.
Theo đó, nhân vật chính sẽ lần lượt trải nghiệm cảm giác hôn với hai ứng cử viên để chọn ra người mình muốn hẹn hò. Sau trải nghiệm bịt mắt hôn ứng cử viên ở vòng 1, đến vòng 2, nhân vật chính sẽ tiếp tục hôn ứng cử viên trong một căn phòng kín và người còn lại sẽ ở ngoài xem. Cảnh hôn nhau được máy quay mô tả khá kỹ, kèm theo các âm thanh đầy gợi khiến nhiều khán giả bức xúc.
Nhiều người đánh giá, những cảnh quay trong chương trình là quá phản cảm, lố lăng và trái thuần phong mỹ tục. Chính vì vậy, ngay khi phát sóng tập đầu tiên vào ngày 12/8, chương trình đã vấp phải sự phản đối từ khán giả Việt về những nội dung phản cảm trên. Không ít người đã lên tiếng phê phán chương trình không khác gì một dạng phim người lớn trá hình.
Trước những ý kiến phản đối, nhà sản xuất chương trình đã quyết định ngừng phát sóng hai tập đã xuất hiện trên kênh Youtube.
“Mặc dù Date & Kiss là chương trình hẹn hò khá phổ biến tại các nước nhưng với khán giả Việt Nam thì chương trình còn khá mới mẻ và nhận được những ý kiến trái chiều. Bên cạnh sự ủng hộ góc nhìn mới thì cũng có những ý kiến phản đối, không chỉ hướng vào chương trình mà còn hướng cả vào người tham gia. Với tinh thần tiếp thu ý kiến, đồng thời bảo vệ người tham gia, BTC chương trình quyết định ngưng phát hai tập đã thu hút nhiều ý kiến cộng đồng mạng và sẽ điều chỉnh format cho phù hợp hơn trong thời gian tới”, phía BTC nói.
Thực tế, thời gian qua trên truyền hình xuất hiện khá nhiều dạng chương trình truyền thực tế hẹn hò - mai mối. Tuy nhiên, các chưa có nhiều chương trình thực sự tạo nên mai mối đúng nghĩa mà chủ yếu dùng chiêu trò để rating. Mới đây, gameshow “The Bachelor” (tên phiên bản Việt: “Anh chàng độc thân”), phát sóng trên kênh truyền hình HTV7 cũng khiến khán giả truyền hình nổ ra nhiều tranh cãi trái chiều.
“The Bachelor” ra đời từ năm 2002 tại Mỹ. Cho đến nay, chương trình đã trải qua hơn 22 mùa lên sóng và được mua bản quyền sản xuất tại hơn 30 quốc gia; trong đó có các nước châu Á như: Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam…
“The Bachelor” được thực hiện với hình thức một chương trình truyền hình thực tế. Nhân vật trung tâm là một anh chàng độc thân hội tụ đủ những yếu tố cuốn hút sẽ hẹn hò và trải qua những thử thách cùng 25 cô gái để tìm ra người mà mình muốn gắn bó nhất.
Mỗi tập đều có cô gái bị loại nếu không được nam chính trao hoa trong một nghi thức gọi là “buổi lễ hoa hồng”. Ở phiên bản gốc, các cô gái không ngần ngại chuyện gợi tình, không ngại hôn hít để chinh phục người nam.
Ở phiên bản Việt Nam, nam chính của chương trình tên Q.T, 33 tuổi, đang là giám đốc điều hành của một công ty ở TP.HCM. Anh là Việt kiều Pháp, từng du học và sinh sống ở nước ngoài nhiều năm trước khi về Việt Nam làm việc.
24 người chơi nữ có không ít các gương mặt hiện đang là diễn viên, người mẫu, “hot” vlogger trên mạng xã hội. Ngay trong thời điểm ra mắt, nhà sản xuất chương trình đã khẳng định sẽ không cắt ghép, dàn dựng, nhằm đảm bảo tính chân thực nhưng sẽ kiểm duyệt để không tạo nên những scandal không đáng có.
Tuy nhiên, hình ảnh 24 cô gái tranh giành một anh chàng bảnh bao bằng những cái liếc xéo, sự miệt thị người khác... khiến không ít người “xốn mắt”. Đặc biệt, chương trình ít nhiều làm cho giá trị người phụ nữ ít nhiều bị xem nhẹ.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, dư luận đang phải chứng kiến những trò “chướng tai gai mắt” mà gameshow như “Date & Kiss” đang làm.
“Nhà sản xuất cứ sản xuất cái mà họ thích kể cả là bị người xem phản đối trực tiếp ngay trên fanpage chương trình với đủ những lời chửi rủa về nội dung đầy rẻ tiền, dung tục. Nếu như ở các kênh truyền hình truyền thống thì chắc chắn nhà sản xuất sẽ bị lĩnh một rổ “mưa đá” của dư luận rồi.
Không thể nào tưởng tượng là các nhân vật nam nữ trong chương trình chưa gặp nhau một lần, chưa kịp gặp mặt nhau mà đã xông vào nhau một cách phóng túng hôn hít, sống sượng sờ soạng và hỏi những câu chẳng kiêng nể, ý tứ như “Anh yêu bao nhiêu lần rồi?”, “Anh “ngủ” với người yêu chưa?”… Người làm cứ làm, người chửi cứ chửi và rốt cuộc là những sản phẩm sống sượng đến thô bỉ này vẫn nhan nhản trên mạng xã hội.
Mạng Youtube là mạng mà người ta có thể vứt lên đó đủ các chương trình, các thông tin từ chính thống đến bịa đặt, phản cảm… Tôi nhìn thấy một đống các chương trình truyền hình thực tế bẩn thỉu, rác rưởi như “Date & Kiss” liên tục xuất hiện và không hề thấy vai trò quản lý thanh lọc các chương trình dạng này ở đâu? Tôi cũng thắc mắc là không biết các nhà quản lý của ta ở đâu khi hằng ngày để lên mạng xã hội một đống những hạt sạn làm bẩn mắt đến thế?”, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Hà Tùng Long