Game show truyền hình đang dùng giới tính thứ 3 để níu chân khán giả?

(Dân trí) - Sự thoái trào của các game show hẹn hò, mai mốt, kết đôi… trên truyền hình đã khiến các nhà sản xuất phải bước vào một cuộc “săn lùng” mới. Đối tượng mà các nhà sản xuất nhắm đến đó chính là cộng đồng LGBT (người đồng, song tính và chuyển giới).

Truyền hình sắp tràn ngập game show dành cho LGBT

Thực tế, một số nước trên thế giới, game show dành cho cộng đồng LGBT hoặc có đề cập đến cộng đồng GLBT phát triển đa dạng, đặc biệt là Thái Lan. Tuy nhiên, ở Việt Nam từ trước tới nay, người chuyển giới hoặc đồng tính mới chỉ xuất hiện với tư cách người chơi hoặc khách mời trong các game show bình thường.

Mới đây, hàng loạt game show dành cho cộng đồng LGBT hoặc đề cập đến cộng đồng LGBT đã được ra mắt. Theo đó, “Come out” - Bước ra ánh sáng truyền tải những câu chuyện về quá trình bộc lộ bản thân của người đồng tính để gia đình, người thân chấp nhận cũng như chia sẻ về những khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp trong tình yêu. Chương trình lên sóng từ ngày 24/9, định kỳ 1 số/tuần.

Lê Khải chia sẻ về những biến cố của bản thân khi là người thuộc thế giới thứ 3.
Lê Khải chia sẻ về những biến cố của bản thân khi là người thuộc thế giới thứ 3.

“Just Love” là một chương trình dành riêng cho cộng đồng LGBT do Hương Giang Idol đảm nhận vai trò “host” lên sóng hồi tháng 7/2018.

Mỗi tập của game show sẽ gắn với một chủ đề khác nhau như: sự kỳ thị, bạo hành, quá trình khẳng định bản thân, giải tỏa áp lực của gia đình, hiểm họa khi chuyển giới... nhằm cung cấp những kiến thức, thông tin, góc nhìn và tâm sự thầm kín... của những người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới một cách rõ ràng, chân thực nhất.

Các nhân vật xuất hiện trong game show không chỉ có những người thuộc cộng đồng LGBT mà còn có cả phụ huynh, người thân, các chuyên gia tâm lý... Qua đó góp phần thay đổi quan niệm của cộng đồng đối với những người này.

Gần đây, “Chinh phục hoàn hảo” (The Tiffany Vietnam) - game show dành cho đối tượng chính là những người chuyển giới cũng đã hoàn tất quá trình tuyển sinh. Người chiến thắng sẽ đại diện Việt Nam tham dự Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2019, cuộc thi mà Hương Giang Idol từng đăng quang đầu năm 2018. Tuy nhiên, do vấn đề pháp lý nên chương trình sẽ không tổ chức như một cuộc thi người đẹp mà sẽ được thực hiện dưới dạng truyền hình thực tế. Dự kiến, chương trình sẽ bước vào ghi hình số đầu tiên vào cuối tháng 11 này. Ngồi ở hàng ghế tuyển sinh có: Cindy Thái Tài, Hương Giang Idol, Gil Lê, Hoài Sa (ca sĩ chuyển giới)…

“Người ấy là ai?” phát sóng trên HTV2 vốn dĩ là một game show hẹn hò dành cho người nữ với sự giúp sức tư vấn của 4 nghệ sĩ nhưng cũng truyền tải những thông điệp khá nhân văn về người đồng tính. Ngay trong tập 1, game show này đã đề cập khá kỹ đến Lê Khải - người có giới tính thứ ba.

Lê Khải đã thẳng thắn nhìn nhận mình từng gặp một loạt biến cố trong cuộc sống như cha mẹ không chấp nhận giới tính, từng chứng kiến mối tình đầu là một chàng trai tự tử trước mặt mình... Những ký ức đau lòng đó đã khiến anh khó tìm một hạnh phúc mới.

Ngoài ra, talk show “LoveWins” xoay quanh câu chuyện của những cặp đôi đồng tính ở Việt Nam ra mắt hồi tháng 5/2018 cũng đã được cộng đồng LGBT hết sức hưởng ứng. Trong talk show, các nhân vật không chỉ chia sẻ câu chuyện của chính bản thân họ mà còn có dịp được gửi gắm và nhắn nhủ những điều mà họ chưa từng dám nói với gia đình mình trước đây để mọi người hiểu hơn về họ.

Đơn vị sản xuất chương trình này cũng cho biết, trong thời gian tới, họ sẽ tiếp tục cho ra mắt một số dự án phi lợi nhuận khác dành cho cộng đồng LGBTQ dưới dạng các game show hẹn hò, các talk show nói về các đề tài nóng trong xã hội…

Không nên lấy cộng đồng LGBT ra làm “con mồi”

Hương Giang Idol cho rằng, việc có những game show dành cho cộng đồng LGBT sẽ góp phần giúp họ bước từ “bóng tối” ra “ánh sáng”. Nghĩa là họ sẽ có nhiều cơ hội để nói lên những quan điểm, suy nghĩ và hoàn cảnh của mình để người thân, bạn bè và cả cộng đồng chia sẻ với họ.

Ngoài ra, các sân chơi cũng sẽ giúp những người đồng tính, song tính và chuyển giới sống tự tin hơn, vui vẻ hơn và được kết nối với nhiều người có cùng cảnh ngộ. Và biết đâu, đó cũng sẽ là cầu nối giúp họ tìm được hạnh phúc của cuộc đời mình.

Các bà mẹ có con thuộc giới tính thứ 3 tâm sự với Hương Giang Idol trong game show Just Love.
Các bà mẹ có con thuộc giới tính thứ 3 tâm sự với Hương Giang Idol trong game show "Just Love".

Theo Hương Giang Idol, trong cộng đồng LGBT có rất nhiều người tài năng và muốn cống hiến. Tuy nhiên, vì vướng phải những rào cản về tâm lý mà họ không thể mở hết lòng mình. Hoặc họ có những cái gì đó hơi khác thường nên bị những người xung quanh nhìn ngó bằng ánh mắt kỳ thị, phân biệt…

Đó cũng là lí do mà trước đó các nhà sản xuất gameshow chưa dám bắt tay làm những chương trình chuyên biệt dành cho họ. Hoặc nếu có trao cho họ cơ hội thì cũng với mục đích câu view hoặc khơi gợi sự tò mò của mọi người.

“Tôi nghĩ rằng, nếu game show nào cố ý lấy những người trong cộng đồng LGBT ra làm “con mồi” để câu kéo khán giả thì những người trong cộng đồng LGBT nên tẩy chay. Không nên tham gia cũng không nên xem những chương trình đó.

Và tôi cũng tin, khán giả bây giờ rất thông minh. Chương trình nào thực sự muốn mang đến cho khán giả những thông điệp tốt đẹp - nhân văn và giúp cộng đồng LGBT sống tốt hơn thì chỉ một vài số là người ta đã nhận ra ngay. Còn game show nào chỉ vì yếu tố thương mại mà đưa người của thế giới thứ 3 vào thì sẽ bị đào thải theo quy luật”, Hương Giang nói.

Ca sĩ chuyển giới Lê Duy cũng cho rằng, việc ra đời nhiều game show cho người thuộc thế giới thứ 3 khiến chị vừa mừng, vừa lo. Mừng vì có thể đây sẽ là những cơ hội tốt để người đồng tính, song tính và chuyển giới sống cởi mở, hòa đồng và tự tin hơn.

Tuy nhiên, chị vẫn canh cánh một nỗi lo bởi trước nay người đồng tính và chuyển giới vẫn chưa được nhìn nhận một cách tích cực. Hình ảnh những người chuyển giới hoặc đồng tính xuất hiện trên truyền hình vẫn hay bị đào sâu theo khía cạnh gây sự tò mò hoặc khác biệt. Bởi lẽ đó mà dù từng nhận được một số lời mời làm giám khảo một số game show nhưng chị vẫn từ chối.

“Tôi mong rằng, các nhà sản xuất chương trình sẽ không vì rating hoặc lợi nhuận mà biến cộng đồng LGBT trở thành những nạn nhân của truyền hình thực tế. Nhiều người trong cộng đồng LGBT nỗ lực để làm thay đổi cái nhìn của cộng đồng vì vậy hãy tiếp thêm cho họ sức mạnh chứ không nên làm cao thêm những rào cản và chướng ngại”, Lê Duy tâm sự.

PGS TS Trịnh Hòa Bình nghĩ rằng, bước chuyển mình này của game show sẽ thách thức các nhà sản xuất chương trình bởi nếu làm không khéo sẽ dễ bị động chạm mà làm khéo quá sẽ dễ trở nên nhạy cảm. Tuy nhiên, ông vẫn tin tưởng, qua các chương trình game show, xã hội sẽ có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn đối với cộng đồng LGBT. Thông qua đó, sẽ góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của người chơi lẫn người xem. Đó cũng là một bước tiến cần có trong quá trình hội nhập với các nước.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm