“Gả bán” Hãng phim - Người trong nghề nói gì?
Sự kiện Hãng phim truyện Việt Nam được bán qua quá trình cổ phần hóa cho chủ mới là Công ty Vận tải thủy (Vivaso) vẫn tiếp tục gây xôn xao dư luận, đặc biệt là dư luận trong nghề.
Nhiều người tiếc thương một thương hiệu có truyền thống hơn 60 năm, “anh cả đỏ” trong nghề làm phim lừng lẫy một thời, nay bị định giá thương hiệu bằng 0. Nhưng cũng nhiều người khác thẳng thắn chỉ ra các vấn đề của Hãng phim. TPCN đã phỏng vấn nhiều người trong giới và ghi nhận ý kiến nhiều chiều.
Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam Vương Đức: Mười năm nay thua lỗ rồi. Phải làm gì đó.
Bản thân tôi không thích thú gì việc cổ phần hóa, bản tính tôi bi quan, rất thận trọng trước tất cả những đổi mới, nhưng nếu không làm, VFS chắc chắn sẽ phá sản. Mười năm nay thua lỗ rồi. Một là ôm nhau ra Hồ Tây cùng chết chìm, hai là phải làm gì đó.
Kế hoạch cổ phần hóa được nêu ra từ mấy năm nay. Tôi đã hỏi rất nhiều bạn bè của mình, nhờ họ tư vấn cho cổ phần hóa là như thế nào, các ví dụ cổ phần hóa trước đó… Dần dần tôi nhận ra, trong thời điểm này, cổ phần hóa tích cực nhiều hơn tiêu cực, cho đời sống cán bộ, cho tương lai của hãng.
Trong năm vừa rồi, tôi có hai chuyến công du quan trọng: đi chợ phim Hồng Kông và Triển lãm công nghệ Mỹ ở Las Vegas. Chuyến đi đã làm tôi ngộ ra nhiều điều. Chúng ta đã bị lạc hậu quá lâu, về mọi chuyện. Làm phim cần công nghệ, cần quảng bá... Ở chợ phim Hồng Kông, chỉ có BHD đại diện Việt Nam tham dự. Khi chúng tôi làm phim “Nhà tiên tri” (2014) đã quay bằng máy quay số một của Mỹ lúc bấy giờ DSLR 4k, nhưng khi tôi đi triển lãm công nghệ thì nó đã nâng cấp thành 8k, chỉ trong vòng hơn một năm. Để chạy theo sự phát triển công nghệ như vũ bão thế này, nếu chỉ trông chờ vào nhà nước thì quá chậm. Mọi người hỏi tôi, bán hãng phim có lo không? Tôi trả lời là con gái tôi cũng làm ở đây.
Tôi đã tiếp rất nhiều nhà đầu tư, nhưng nộp hồ sơ nhà đầu tư chiến lược lại chỉ có một. Chính chúng tôi cũng chẳng có lựa chọn.
Tôi có 10 năm lăn lộn buôn bán ở chợ Giời, thấy được rất nhiều chuyện. Sau khi thông qua biểu quyết cổ phần hóa, tôi vẫn nói với nhân viên của mình: đừng mơ tưởng công ty cổ phần ôm đến một cục tiền cho ta, người nào việc nấy, vẫn phải dựa vào chính mình. Ai không chấp nhận được thì đi. Ai chấp nhận ở lại, có tài phải lộ tài. Không có kiểu thương nhau xí xóa như trước nữa.
Điều tôi mong muốn nhất bây giờ là anh em thống nhất ý kiến. Chúng tôi cần những nhà đầu tư khác để làm phim. Đừng để họ bị ấn tượng các ông điện ảnh chỉ toàn thích đấu đá, chả khá được. Kinh nghiệm đau thương hồi làm phim “Lý Công Uẩn” là thế. Hơn 200 tỉ chỉ vì mâu thuẫn nội bộ bị thu hồi. Anh em đau đớn lắm chứ!
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam: Sẽ có khá nhiều người phải nghỉ việc đấy!
Chị nghĩ gì khi Hãng phim truyện Việt Nam về tay một đơn vị từ trước tới nay không làm phim?
Nghĩ gì ư? Ai khiến mình nghĩ nhỉ… mà nghĩ cũng chẳng được tích sự gì. Ai người ta cần. Ai người ta nghe? Có khi lại khiến họ bực mình?
Hơn 60 năm Hãng phim truyện Việt Nam tồn tại theo cơ chế cũ- cái gì cũ cũng dễ dẫn đến sự ọp ẹp- nay nhà nước có qui định cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là xu hướng tất yếu thì phải chấp hành. Tối hôm rồi, trên VTV1, cuối chương trình thời sự, nghe đạo diễn Vương Đức trả lời rằng: “Chúng tôi cố gắng nắm chặt lấy 20% cổ phần còn lại” mà buồn. Anh đang là chủ nắm 100% quyền hành trong một thời gian dài mà không làm nên trò trống gì, phải bán cổ phần, chỉ còn lại 20% thì có nắm cũng chỉ là yếu ớt, chỉ là làm vì thôi. Tình thế này, nếu không là công ty đường thủy thì cũng sẽ là công ty nào đó mua cổ phần. Vấn đề là mua xong, họ sẽ làm gì, chú trọng và tập trung cho sản xuất phim như thế nào; Có chiến lược phát triển lâu dài trên cơ sở tiếp thu nền tảng, truyền thống cũ của Hãng phim truyện Việt Nam không… Riêng tôi nghĩ, việc Hãng đã tự để mình lâm vào tình trạng “ngủ đông” quá lâu cũng góp thêm phần dẫn đến kết cục tất yếu như hôm nay. Cho dù những năm trước đó, các cơ quan, ban, bộ, ngành cũng có ý “cứu giúp” (bằng cách đặt hàng những đơn lớn, nhiều tiền) nhưng hiệu quả nghệ thuật và kinh tế không cao nên mọi người cũng nản. Đất ven hồ cho tư nhân thuê không đòi lại được, nghe nói họ nợ tiền cũng không chịu trả … càng đẩy hãng thêm khó khăn dẫn đến hệ quả như hôm nay là tất yếu.
Sự thay đổi này, theo chị có đánh thức trạng thái “ngủ đông”, liệu về tay tư nhân có bắt buộc họ năng động hơn?
Tôi cũng không rõ nữa. Nhưng đoán họ là đơn vị kinh doanh, nên họ phải tỉnh táo, không bao giờ bỏ tiền, bỏ vốn vào chỗ không sinh lời. Họ không thể cảm xúc, cảm tính như nghệ sỹ được. Tôi có dự cảm rằng, để bộ máy hoạt động tốt, tiết kiệm kinh phí, chắc sẽ có khá nhiều người phải nghỉ việc đấy. Xốc lại, bộ máy cần gọn nhẹ, ai không gắn vào bộ phận gì là rụng thôi. Đừng trông chờ vào cái sự “ôm đồm thương yêu nhau” như trước.
Nhà phê bình Ngô Thảo: Giá trị thương hiệu bằng 0 không sai.
Người ta qui giá trị thương hiệu Hãng phim truyện oai hùng một thời bằng con số 0. Ông đánh giá thế nào?
Hãng phim truyện từng oanh liệt như nào thì cũng không giúp gì cho người làm phim hôm nay. Người xem chỉ xem thực tế tác phẩm. Đã là sản phẩm nghệ thuật thì phải tươi sống. Anh phải bắt đầu từ ý đồ kịch bản, đến kịch bản rồi đến dàn dựng, diễn viên… Thương hiệu trong văn học nghệ thuật chẳng có nghĩa gì hết. Tất nhiên mình tôn trọng lịch sử nhưng khi đã đưa vào thị trường kinh doanh thương mại thì cái gì cũng phải… ra tiền. Người ta nói: Giá trị thương hiệu Hãng phim truyện là con số 0 tuy rất tự ái với những người làm nghề nhưng quả không sai. Bởi vì tôi không bám gì được vào quá khứ của anh hết, quá khứ của anh có vẻ vang, có Vĩ tuyến 17, có này, có kia nhưng hôm nay có làm được gì cho khán giả? Người làm phim hôm nay không thể dựa vào quá khứ để có mặt bằng cao hơn, người ta phải bắt đầu xây dựng lại từ đầu.
Việc cổ phần hóa liệu có giúp người ta làm phim tốt hơn không, theo ông?
Đối với cơ sở văn hóa nghệ thuật việc cổ phần hóa chẳng ăn thua gì cả. Đáng lí, hết sứ mệnh phải giải tán. Anh để tượng đài ở đấy thôi. Còn hôm nay tất cả những người mới vào, phải đi làm việc khác, làm từ đầu. Còn nói về cổ phần cho anh em trong hãng phim nhưng cổ phần không đảm bảo có lãi, bây giờ có phải hãng phim nào cũng có lãi đâu? Tại sao tất cả các bạn trẻ hôm nay nếu có điều kiện đều đứng lên lập hãng phim mới, họ chẳng mua lại hãng phim truyện Việt Nam làm gì. Có ai cấm làm phim đâu? Có kịch bản hay, có tiền, sẽ có dàn diễn viên mới vào phim, thay thế gương mặt cũ. Việc gì phải “ăn bám” mãi ở cơ chế cũ?
Đạo diễn Quốc Trọng: “Nó” sẽ chết
Cảm xúc của anh với sự kiện Hãng phim truyện Việt Nam đổi chủ?
Với cá nhân tôi, đó là nơi có rất nhiều kỉ niệm về một thời trẻ. Điều đầu tiên tôi muốn nói là về thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam. Tôi thấy không có một quốc gia nào người ta hủy hoại thương hiệu một cách phi văn hóa như vậy. Cổ phần hóa là xu thế tất yếu của thời đại nhưng cách làm của họ không ổn, đó là một sự vô trách nhiệm.
Bàn đến giá trị thật và giá trị ảo của khu đất của Hãng phim truyện Việt Nam, đến một đứa trẻ lên ba nó cũng hình dung ra đó là một sự lừa đảo. Bởi vì với một diện tích như thế, với những cơ sở của hãng phim, cả trong Nam ngoài Bắc như thế, với giá tiền thực tế một mét vuông đất ở Hà Nội, kể cả trong ngõ hẻm thôi đã vài chục triệu đồng. Khu đất vàng như Hãng phim truyện, tính tầm 200 triệu đồng/m2, đã ra bao nhiêu tiền? Bảo là đất thuê của nhà nước, vậy chúng ta có thể điểm ra được bao nhiêu chỗ đất thuê của nhà nước và đất của dân chiếm dụng mà trị giá nó như thế nào, không nói thì ai cũng biết.
Bây giờ giả sử tất cả mọi chuyện chúng ta rà soát lại từ đầu, đem đấu giá lại từ đầu thì chắc chắn số tiền bán hãng phim không thể là như thế được.
Anh có tin sự thay đổi này sẽ tạo ra cho những người làm nghề tâm thế mới? Hãng phim tới đây sẽ cho ra đời những tác phẩm điện ảnh vừa chất lượng, vừa ăn khách?
Với cách làm này, với ông chủ mới thế này, tôi chẳng tin một cái gì cả. Chắc chắn nó sẽ chết. Họ không dính dáng đến nghệ thuật, không phải là người làm nghề nghệ thuật, ý thức của họ nhìn thấy rõ rành rành là không có ý thức làm nghệ thuật. Thế thôi.
NSƯT Thanh Quí: Ai lại gả bán như thế?
“Gả bán” thì cũng được thôi. Nhưng khi mình gả bán “đứa con” ấy, mình cũng nên xem nhà nào trông tử tế, môn đăng hộ đối một tí, gả bán trong danh dự, ai lại gả bán như thế, nó làm nhục đứa con gái của mình.
Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn: “Củi khô bà chất gầm giường…”
Việc cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam được cho là cần thiết và có lộ trình. Vậy vì sao vẫn gặp phải sự phản bác của một số người trong cuộc?
Tôi xin hỏi lại, những người phản bác là ai? Tôi thấy toàn những người về hưu. Thương vay khóc mướn. Và họ kêu ca hoàn toàn cảm tính. Chẳng thấy dẫn ra điều nào? Luật nào? Phương thức bán cổ phần ra sao? Họ có mấy cổ phần ở đó?... Tôi rất chờ mong nghe ý kiến của những người trẻ tuổi đang làm việc ở đó. Nhưng chẳng thấy ai lên tiếng. Thời tôi làm việc ở đó, Giám đốc Hải Ninh đã cho giải tán đội kịch vì không có việc gì làm. Đến thời Giám đốc sau, ông ấy đã tâm sự rằng, giờ bán hãng phim truyện giá 1 đồng cũng chẳng ai mua vì lấy tiền đâu mà trả lương cho ngần ấy con người? Dù lương hiện nay ở Hãng vẫn rất lạc hậu, nghĩa là vẫn theo hệ số 650.000đ/tháng. Tóm lại, tâm lý kêu ca khiến tôi nghĩ đến căn bệnh mãn tính từ thời xưa của một bà già lắm mồm, lắm điều được khắc họa qua câu ca dao: ''Củi khô bà chất gầm giường/ Hễ ai động đến, trầm hương của bà''.
Quan điểm của ông về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim như thế nào?
Việc cổ phần hóa diễn ra theo nguyên tắc: Ai có khả năng thì người đó mua. Mà bây giờ kiếm được một cổ đông chiến lược như công ty ấy là quá may mắn rồi. Tôi thấy công ty này mua Hãng phim là vô cùng dũng cảm đấy. Tôi biết họ mua là nhảy vào tổ ong vò vẽ. Lắm chuyện nhức đầu lắm. Nếu họ làm phim họ sẽ thuê những ai trong hãng đủ năng lực để làm. Hoặc họ thuê người khác. Hãng giao bán cổ phần từ lâu rồi, có ai mua đâu? Nếu ai không thích, thử vào TPHCM làm phim, xem có ai thuê mình không? Hay nhảy sang truyền hình, xem có ai dám nhận không?
Đạo diễn Trần Lực: Tôi rất hy vọng vào sự xã hội hóa điện ảnh
Kể từ khi Hãng phim truyện Việt Nam được bán cho Công ty vận tải thủy với giá 20 tỷ, trên facebook của anh chia sẻ thông tin rất đều, anh nhìn nhận thế nào về chuyện này?
Tôi từng làm việc ở VFS một thời gian, bạn bè, đồng nghiệp của tôi ở đây cũng nhiều, khi nghe tin hãng phải bán, tôi buồn. Nhưng nghĩ lại, có lẽ cũng đến lúc phải dẹp tình cảm sang bên mà nhìn thẳng vào sự thật.
Vấn đề của VFS bây giờ là phải thay đổi tư duy kinh doanh nên cổ phần hóa theo tôi chỉ có tốt hơn. Bao nhiêu năm nay nó cứ giữ mãi bộ máy cồng kềnh đông nghịt, trông chờ nhà nước đặt hàng để duy trì sự tồn tại của mình.
Đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng: Ông chủ nào có tiền đặt hàng thì mình làm
Đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng.
Khi hỏi có mua được cổ phiếu nào không, Bùi Tuấn Dũng cho hay: “Cũng mua được 100 cổ phiếu”. Với 14 năm làm việc tại hãng phim truyện Việt Nam, lẽ ra đạo diễn Bùi Tuấn Dũng được quyền mua 1.400 cổ phiếu (tương đương 100 cổ phiếu/năm thâm niên). Nhưng do bận nhiều công việc và cũng không có mặt ở Hà Nội, nên anh nhờ người bạn trong hãng đặt mua giúp. Điều khá lạ là khi anh về phòng tổ chức hãng thông báo chỉ bán cho 100 cổ phiếu. Bùi Tuấn Dũng cho biết, thật ra anh cũng chẳng quan tâm lắm, bán cho bao nhiêu thì mua, chả quan trọng gì.
Trước việc hãng vận tải đường thủy, một công ty không có kinh nghiệm về làm phim đã mua được phần lớn cổ phiếu của VFS, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thẳng thắn: “Là người làm nghề, nếu ông chủ nào có tiền đặt hàng thì mình làm. Thế thôi.”
Vốn là đạo diễn trẻ nhưng lại nổi danh với các phim về chiến tranh như phim nhựa Đường Thư ( 2005), Những người viết huyền thoại ( 2013) và phim truyền hình Đường lên Điện Biên ( 2015), Bùi Tuấn Dũng cho biết, thời gian tới anh muốn thử sức ở thể loại phim thị trường, trong đó có phim hành động, hài... Liệu Thầu Chín ở Xiêm ( 2015) có phải là bộ phim cuối cùng của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng trong thương hiệu của VFS?
Đức: Chủ mới của hãng phim là hãng nước ngọt
Năm 1999 chúng tôi được cử sang Đức thực tập một khóa về làm phim. Trong số các giảng viên, có một biên kịch rất nổi tiếng của hãng DEFA. Đây là hãng phim lớn nhất ở CHDC Đức, giống như VFS ở Việt Nam vậy. Bà này trước kia chuyên viết kịch bản phim nhựa, đã đạt rất nhiều giải thưởng danh giá. Sau, nước Đức thống nhất, vận hành theo tiêu chuẩn tư bản, hãng DEFA phải cổ phần hoá, và chủ mới của nó là chủ một hãng nước ngọt. Ông này tuyên bố: trước đây, các bạn cứ đinh ninh những thứ các bạn làm là nghệ thuật, nhưng bây giờ, những gì tôi công nhận là nghệ thuật thì mới là nghệ thuật. Nhiều đồng nghiệp của bà đã bỏ đi. Ông chủ mới mời bà và một vài người khác ở lại. Lúc này, DEFA chuyển hướng kinh doanh sang sản xuất phim truyền hình, quảng cáo, dịch vụ tiền kỳ hậu kỳ... Bà biên kịch nổi tiếng với nhiều giải thưởng ở những liên hoan phim quốc tế được cử sang Mỹ học cách viết kịch bản phim truyền hình dài tập. Một đồng nghiệp trong đoàn Việt Nam hỏi: bà có cảm thấy đau đớn không? Bà ấy bảo không, tôi vẫn đang làm nghề mà tôi yêu thích mà! Tôi nghĩ đó là thái độ văn minh, của những người chuyên nghiệp.
Đó là câu chuyện xảy ra ở Đức, một đất nước có nền điện ảnh rất phát triển. Hy vọng câu chuyện cổ phần hóa của VFS cũng có tương lai giống hãng DEFA anh em.
Trần Lực
Theo Tiền Phong