Festival làng nghề Huế 2013 lần đầu tiên có đoàn nước ngoài tham dự

(Dân trí) – Chiều 25/4, UBND TP Huế đã họp báo về Festival làng nghề Huế 2013 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” tổ chức từ 27/4-1/5. Lần đầu tiên trong 5 kỳ tổ chức, Festival này có sự góp mặt của các đoàn nước ngoài là Pháp và Nhật với nhiều hoạt động đặc sắc.

Đây cũng là kỳ có sự tham gia đông đảo của các làng nghề, nghệ nhân “bàn tay vàng” trong cả nước. Điểm nhấn chính của Festival nằm trên đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu với không gian tôn vinh các nghề độc đáo trên cả nước, khai mạc vào 8h ngày 27/4. Bên những sản phẩm lạ, đẹp, đặc sắc sẽ là hoạt động thao diễn sản xuất của nghệ nhân, hướng dẫn khách tham quan, tập làm thợ cùng với các nghề của Huế là: Gốm, Thêu, Dệt Zèng, Dệt lụa thổ cẩm, Mây tre, Sơn mài, Pháp lam, Nón lá, Mỹ nghệ gỗ và kim hoàn, Mỹ nghệ Đồng, Bạc, Hoa giấy, Tranh mộc bản, Ẩm thực…

Hàng chục làng nghề nổi tiếng khác trên cả nước cũng sẽ trưng bày, giới thiệu kỹ thuật sản xuất độc đáo. Gồm: Gốm sứ Bát Tràng, Đất nung Quảng Nam, Sơn mài Tương Bình Hiệp, Gốm sứ Bình Dương, Thổ cẩm Lanh Lũng Tiến Hà Giang, Mây tre Chuyên Mỹ, Lụa Vạn Phúc, Thêu cung đình Quất Động Hà Tây, Chạm khảm bạc Định Công Hà Nội, làng Lụa Hội An, Mộc Kim Bồng, Thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp Ninh Thuận…

Festival làng nghề Huế 2013 lần đầu tiên có đoàn nước ngoài tham dự
Không gian chính đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu bên sông Hương đã hoàn tất với hơn 20 nhà rường Huế được dựng lên

Đặc biệt tại Công viên Tứ Tượng trên đường này vào 18h30 ngày 26/4 sẽ khánh thành 2 cột đèn cao 5 mét trang trí bằng pháp lam thuộc dạng khổng lồ của Pháp Lam Thái Hưng (Huế) giá trị trên 2 tỷ đồng từ hình thức xã hội hóa. Các lồng đèn phía trên được làm bằng pháp lam – một kỹ thuật mỹ nghệ cao cấp của cung đình triều Nguyễn đã thất truyền lâu, nay được phục truyền lại.

Không gian tiếp theo là Hội chợ Triển lãm làng nghề Việt Nam lần II tổ chức tại Huế nằm ở Công viên Thương Bạc, đối diện đường Nguyễn Đình Chiểu qua sông Hương mở cửa vào 19h45 tối 26/4. Có 170 gian hàng từ 26 tỉnh, thành phố với các phần như: sắp đặt trưng bày – bán sản phẩm làng nghề - bán quà lưu niệm thủ công mỹ nghệ tinh xảo…

Trụ sở UBND TP Huế đường Lê Lợi (hiện là Bảo tàng Văn hóa Huế nằm song song đường Nguyễn Đình Chiểu) sẽ biến thành không gian triển lãm quốc tế dệt may “Hóa thân” (Métaphorses) từ Pháp, khai mạc vào 9h sáng 27/4. Hội tụ kỹ năng dệt may của 5 châu lục với gần 100 mẫu dệt may độc đáo, từ cổ xưa đến hiện đại trên chất liệu thiên nhiên sẽ cho thấy tính sáng tạo nhằm khẳng định tính đặc trưng và vai trò sứ giả của dệt may. Đồng thời, chứng tỏ kỹ năng dệt may được lưu truyền và phát triển nhờ vào bàn tay của những nhà tạo mẫu khắp thế giới.

Festival làng nghề Huế 2013 lần đầu tiên có đoàn nước ngoài tham dự
Những kỹ thuật dệt may từ cổ xưa đến hiện đại trên khắp 5 châu sẽ góp mặt trong Lễ hội dệt quốc tế Métaphorses của Pháp

Sau Trung tâm Festival Huế đường Lê Lợi sẽ là không gian triển lãm các sản phẩm bằng tre tạo hình rất sáng tạo của nghệ sĩ Ueno Masao (Nhật Bản) “đọ sức” cùng nghệ nhân làng nghề đan lát mây tre Bao La của Huế. Nhật Bản cũng sẽ đem đến trưng bày của TP Saijo, đặc trưng về trang phục truyền thống của người dân, và ẩm thực trà đen Ishizuchi.

Đáng chú ý, một bảo tàng cổ vật tư nhân lần đầu tiên khai mạc tại Huế sáng 26/4 ở kỳ Festival này của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (đường Mai Thúc Loan), giới thiệu bộ sưu tập tinh hoa thủ công mỹ nghệ thời Nguyễn (1802-1945) được chế tác để phục vụ “tứ thú” thời xưa là: Ăn trầu, Uống trà, Hút thuốc, Uống rượu. Với các loại khay, quả, hộp, bình vôi, dao, ống xoáy, ống nhổ, ấm chén, kỷ, khay, tô, hủ, chóe, lò siêu… chế tạo từ gỗ khảm xà cừ, sành sứ ký kiểu, vàng bạc, ngọc ngà, gốm, đồng, tre, ngà voi. Nhằm tạo điều kiện cho quần chúng, đặc biệt là người thợ thủ công mỹ nghệ hiện nay tận mắt nhìn thấy tiêu bản quý hiếm, đạt đến tuyệt kỹ công phu của tiền nhân.

Không gian Bia Quốc Học (đường Lê Lợi) sẽ là nơi diễn ra lễ khai mạc đầy sắc màu vào 20h40’ tối 27/4 được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2, và lễ bế mạc vào tối 1/5. Sân khấu Bia Quốc Học vào 19h45 ngày 28/4 cũng là nơi diễn ra biểu diễn trang phục “Magie” của nhà tạo mẫu nổi tiếng trong, ngoài nước như Minh Hạnh, Công Khanh (Việt Nam), Francoise Hoffman (Pháp), Patis Tesoro (Philippines), Kinor Yang (Hồng Kông) và một số nhà tạo mẫu Trung Quốc thực hiện trên các chất liệu lạ sẽ đem đến cái nhìn mới về thời trang.

Festival làng nghề Huế 2013 lần đầu tiên có đoàn nước ngoài tham dự
Kimono và ẩm thực trà đen Ishizuchi.của TP Saijo (Nhật Bản) sẽ làm "thực đơn" Festival "Tinh hoa nghề Việt" thêm phong phú

Đoạn đường từ Công viên Phan Bội Châu (đầu cầu Trường Tiền, đường Lê Lợi) tới Bia Quốc Học vào lúc từ 17h-19h chiều 1/5 sẽ diễn ra lễ tế tổ bách nghệ và lễ rước tôn vinh nghề được thiết kế trang trọng, tính cộng đồng cao với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ về dự Festival nghề Huế 2013.

Nhiều hoạt động bổ trợ khác sẽ liên tục diễn ra trên khắp TP Huế từ 27/4 đến 1/5. Tiêu biểu như Biểu diễn Diều Huế vào mỗi 13h chiều ở Công viên Hai Bà Trưng. Không gian thư pháp từ 15h chiều mỗi ngày ở Nhà Trưng bày tác phẩm nghệ thuật, số 4 Hoàng Hoa Thám. Liên hoan “Chim chào mào” vào 7h ngày 28/4 tại trường Hai Bà Trưng, đường Lê Lợi. Chương trình âm nhạc “Cùng Festival hòa nhịp DJ” vào 19h30 tối 28/4 tại Công viên 3/2 đường Lê Lợi. Hòa tấu nhạc cụ Học viện Âm nhạc từ 16h các ngày ở Sân khấu nhà Kèn Công viên 3/2. Ngày hội sắc màu tuổi thơ 16h ngày 27,28/4 tại Nhà Thiếu Nhi Huế. Hội thảo “Nghề và Làng nghề truyền thống với phát triển Du lịch” 8h ngày 28/4 ở Trung tâm Dịch vụ Du lịch Festival đường Lê Lợi. Đua thuyền trên sông Hương trước trường Hai Bà Trưng vào 6h sáng 1/5…

Theo Ban tổ chức, Festival “Tinh hoa nghề Việt” sẽ là cuộc biểu dương sinh động của trí tuệ và tài năng của những bàn tay vàng các làng nghề thủ công truyền thống Huế và trên cả nước tại vùng đất di sản Huế, nhằm phát triển Nghề và Làng nghề gắn với phát triển du lịch.

 
Đại Dương