Bế mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần I:
Festival góp phần đưa nghệ thuật đờn ca tài tử tỏa sáng
(Dân trí)- Việc tổ chức Festival cũng như các hoạt động diễn ra đã góp phần làm cho nghệ thuật đờn ca tài tử được hội tụ tỏa sáng và lưu truyền mãi cho thế hệ mai sau.
Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần I- Bạc Liêu 2014 đã bế mạc vào đêm 29/4 sau 6 ngày diễn ra với 21 hoạt động chính.
Festival đã quy tụ hơn 410 nghệ nhân là những tài tử đờn, tài tử ca của 21 tỉnh, thành Nam Bộ. Các nghệ nhân không chỉ phục vụ tại lễ khai mạc mà còn tham gia liên hoan đờn ca tài tử, không gian ĐCTT Nam Bộ, triển lãm nhạc cụ dân tộc và cùng về các vùng nông thôn để giao lưu phục vụ cho nhân dân địa phương.
“Các hoạt động của Festival đã mang đến một không gian rực rỡ sắc màu đầy sôi động, khắc họa đậm nét nhân văn của nghệ thuật ĐCTT, tạo thêm khí thế tưng bừng của vùng đất phương Nam vốn dĩ rất yên bình nay trở nên sống động hơn. Festival đã để lại trong lòng người mộ điệu những dấu ấn khó phai, những giá trị văn hóa truyền thống mang hơi thở sức sống của người dân Nam Bộ, góp phần làm cho nghệ thuật ĐCTT được hội tụ tỏa sáng và lưu truyền mãi cho thế hệ mai sau”, bà Lê Thị Ái Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban tổ chức Festival bày tỏ.
Trong 6 ngày từ 24- 29/4, Festival đã thu hút trên 300.000 lượt người tham gia các hoạt động tại Festival; trong đó có trên 50.000 lượt khách lưu trú, góp phần tăng doanh thu du lịch đạt khoảng 120 tỷ đồng.
Festival ĐCTT quốc gia lần I- Bạc Liêu 2014 đã thành công tốt đẹp, đã được dư luận đánh giá là một Festival đặc sắc, ấn tượng, an toàn và đầy tính nhân văn. “Chúng tôi nhiệt liệt biểu dương các cơ quan ban ngành, đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên đã có nhiều nỗ lực cố gắng, sự đóng góp này đã làm nên một Festival thành công như mong đợi”, bà Lê Thị Ái Nam nhấn mạnh.
Thành công của Festival không chỉ thêm sức mạnh khẳng định sự trường tồn mà còn làm hân hoan, nâng cao giá trí nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Một lần nữa minh chứng cho quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, với việc bảo tồn phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT, Bộ VH-TT&DL đã ra chương trình hành động quốc gia với một số điểm chính như: quảng bá rộng rãi nghệ thuật ĐCTT trong cộng đồng, đặc biệt trong 21 tỉnh, thành; tạo điều kiện để các nghệ nhân sáng tác; tạo điều kiện cho biểu diễn, sân chơi để các nghệ nhân tham gia; chủ trương cho các nhạc viện, học viên tiếp tục điều tra khảo sát tìm tư liệu nghệ thuật ĐCTT bổ sung cho công tác nghiên cứu và các chính sách đối với các nghệ nhân.
Theo Thứ trưởng Ái, việc thực hiện chính sách cho các nghệ nhân là rất quan trọng. Bộ đang dự thảo Nghị định trình Chính phủ về việc phong tặng nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân cũng như yêu cầu đưa ra một chính sách làm sao tạo điều kiện cho các nghệ nhân phát huy tài năng.
Thứ trưởng Ái cho biết, trong khi chờ Chính phủ thông qua Nghị đinh này, hiện Bộ chủ trương đề nghị các tỉnh tùy điều kiện cụ thể có thể lập quỹ ở địa phương để tạo điều kiện chăm sóc các nghệ nhân gặp khó khăn; xây dựng những công trình thiết thực như ở một số địa phương quy hoạch xây nghĩa trang cho nghệ nhân qua đời hoặc nhân dịp lễ, tết tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên cho các nghệ nhân.
Nhìn lại một số hoạt động Festival ĐCTT quốc gia lần I- Bạc Liêu 2014:
Festival ĐCTT quốc gia lần thứ II sẽ tổ chức tại tỉnh Bình Dương vào năm 2017.