"Em và Trịnh": Phần nhìn hút mắt, kịch bản chưa thỏa mãn

Vũ Mê

(Dân trí) - Hai phiên bản phim "Em và Trịnh" gây chú ý nhờ hình ảnh đẹp, song kịch bản lại là vấn đề đáng bàn.

* Bài viết có tiết lộ nội dung phim

Khi 2 phim Trịnh "đối đầu"

Phim "Em và Trịnh" đã làm điều chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Việt khi ra mắt cùng lúc 2 bản chiếu rạp: Trịnh Công Sơn (95 phút) và Em và Trịnh (136 phút). 

Trịnh Công Sơn tập trung vào thời trẻ của tác giả Tuổi đá buồn, khi ông đắm chìm trong tình yêu với các "nàng thơ". Tinh thần lãng mạn của người nhạc sĩ tài hoa bị thử thách trong bối cảnh đất nước chiến tranh, loạn lạc.

Em và Trịnh đẩy tuyến nhân vật Trịnh Công Sơn về già (Trần Lực) làm trung tâm, khi ông "lưu lạc" giữa hiện tại và những miền ký ức thời trẻ. Kịch tính của phim được đẩy lên khi nam nhạc sĩ muốn tính chuyện lâu dài với cô gái Nhật Michiko Yoshii (Nakatani Akari), đúng lúc Dao Ánh (Hoàng Hà) trở về.  

Em và Trịnh: Phần nhìn hút mắt, kịch bản chưa thỏa mãn - 1

"Em và Trịnh" là phim Việt đầu tiên có 2 phim bản chiếu rạp cùng thời điểm (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp).

Nửa đầu bản phim Trịnh Công Sơn có kết cấu giống "phim thanh xuân", khi nam chính phải lòng nữ chính, được hội bạn thân hậu thuẫn. Tuy nhiên, vì ôm đồm nhiều tuyến nội dung nên câu chuyện về Ngô Kha (Samuel An) và Bửu Ý (Hà Quốc Hoàng) - hai người bạn thân của Trịnh Công Sơn - được xây dựng lưng chừng rồi rơi vào quên lãng.

Bản phim 95 phút cũng bị cho là có cái kết dang dở, dễ gây khó hiểu cho những khán giả chưa tìm hiểu về sự nghiệp của ông. Phân cảnh Dao Ánh lưỡng lự đứng trước con tàu từ Huế vào Sài Gòn để lại nhiều cảm xúc, nhưng chưa xứng trở thành cao trào khép lại phim.

Em và Trịnh: Phần nhìn hút mắt, kịch bản chưa thỏa mãn - 2

Cái kết của bản phim ngắn được cho là chưa trọn vẹn (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp).

Công bằng mà nói, ở Em và Trịnh (136 phút), việc dàn trải cuộc đời Trịnh Công Sơn từ lúc đỉnh cao đến tuổi xế chiều, giúp nội dung phim trọn vẹn hơn và giúp khán giả cảm nhận được những cống hiến của nhạc sĩ với nền âm nhạc Việt Nam.

Ngoài ra, bản phim cũng trở nên lãng mạn hơn với những rung động không biết gọi tên của Trịnh Công Sơn, đặc biệt là tình yêu đẹp giữa ông và cô sinh viên người Nhật Michiko Yoshii - mối tình cách biệt tuổi tác từng là tâm điểm của làng văn nghệ lúc bấy giờ. 

Em và Trịnh: Phần nhìn hút mắt, kịch bản chưa thỏa mãn - 3

Avin Lu vào vai Trịnh Công Sơn thời trẻ (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp).

Tuy nhiên, Avin Lu và Trần Lực dù đã có nhiều cố gắng để làm tròn vai vị nhạc sĩ họ Trịnh lúc trẻ và khi về già nhưng nhiều khán giả vẫn nhận xét hai diễn viên chưa khắc họa được sự khắc khổ, sương gió của người nghệ sĩ tài hoa.

Không bất ngờ khi trên mạng xã hội, đa phần các ý kiến tập trung vào việc so sánh diễn viên trên phim với nhân vật ngoài đời bởi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không chỉ là một nhân vật có thật mà còn là tượng đài trong lòng người hâm mộ.

Âm nhạc dẫn lối nhưng... chưa tinh tế

Trịnh Công Sơn cũng như Em và Trịnh đều có lối kể tuyến tính, dùng âm nhạc để điều hướng kịch bản. Cách làm này giống với hai phim tiểu sử - âm nhạc gần đây của Hollywood là Bohemian Rhapsody (về Freddie Mercury) và Rocketman (về Elton John). 

Tín đồ nhạc Trịnh đã có dịp thả hồn theo những ca khúc kinh điển như Diễm Xưa, Tuổi đá buồn, Xin trả nợ người... Mỗi khi điểm qua một ca khúc "đinh", người xem lại có dịp theo chân Trịnh Công Sơn qua những mốc thời gian quan trọng của lịch sử và chính bản thân ông. 

Em và Trịnh: Phần nhìn hút mắt, kịch bản chưa thỏa mãn - 4

Phim tái dựng nhiều bối cảnh quan trọng như cà phê Tùng, Quán Văn... để khắc họa các cột mốc sự nghiệp của Trịnh Công Sơn (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp).

Tuy nhiên, có khán giả nhận định phim dùng nhạc Trịnh để đẩy cảm xúc là hợp lý, song lại thiếu tinh tế và chưa sáng tạo. Cả hai phiên bản đều sử dụng "nhạc sao, cảnh vậy". 

Ví dụ, khi ca từ "Trời còn làm mưa" cất lên thì trên màn ảnh, mưa đổ xuống. Hay với lời hát "Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi… (bài Ngẫu nhiên), nhân vật trong phim cũng... đi tìm một chiếc ghế để ngồi xuống.

Còn nhớ trong Bohemian Rhapsody, bài hát Under Pressure không thật sự liên quan đến tâm trạng bị phản bội của Freddie Mercury, song từ đó, khán giả có thể cảm nhận được nỗi buồn của trưởng nhóm Queen khi nước mắt bị giấu đi bởi những giọt mưa. 

Những "nàng thơ" có đủ sức hút?

Chuyện tình yêu của Trịnh Công Sơn có thể tóm tắt bằng câu nói của ông: "Được yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời. Mà đời thì rộng quá, không yêu được chốn này thì yêu nơi khác".

Nhạc sĩ đa tài, đa tình, nói tiếng yêu, ca lời ngưỡng mộ với nhiều thiếu nữ đẹp trong cuộc đời ông. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã có sự lựa chọn khá kỹ lưỡng cho những vai "nàng thơ" của Trịnh.

Em và Trịnh: Phần nhìn hút mắt, kịch bản chưa thỏa mãn - 5

Bùi Lan Hương để lại nhiều cảm xúc trong lần đầu đóng phim điện ảnh (Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp).

Lan Thy (vai Bích Diễm) nổi bật với nét đẹp sắc sảo. Nhật Linh gây chú ý nhờ tạo hình danh ca Thanh Thúy, song thời lượng ít, góc quay chủ yếu từ phía sau khiến nữ diễn viên không có nhiều dịp thể hiện. 

Hoàng Hà (vai Dao Ánh) có nhiều đất diễn trong cả hai phiên bản, vì là mối tình "dài hơi" và để lại nhiều tiếc nuối nhất. Cô gây ấn tượng với đôi mắt đen to tròn, nụ cười lém lỉnh, diễn xuất thì dừng ở mức tinh tế, chưa thực sự nổi bật. 

Gây bất ngờ nhất là "nàng thơ" Bùi Lan Hương trong vai Lệ Mai (tên thật danh ca Khánh Ly). Giọng ca Ngày chưa giông bão khắc họa một Khánh Ly hết mình vì âm nhạc, bên ngoài lạnh lùng, nhưng bên trong vẫn ấm nóng ngọn lửa tình yêu. 

Trong buổi công chiếu phim tại Hà Nội và TPHCM, khách mời được xem ngẫu nhiên một trong hai phiên bản. Người trong ngành nhận định việc ra mắt cùng lúc có thể là "chiến thuật" giúp tăng doanh thu, vì 2 phiên bản suy cho cùng cũng là "gà cùng một mẹ". Song, khán giả ra rạp chắc chắn có sự chọn lọc và khó tránh được việc so sánh. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm