Duy Thảo và tôi
(Dân trí) - Nửa thế kỷ thơ là bao nhiêu thơ, bao nhiêu nụ cười và nước mắt. Thơ Duy Thảo là trường hợp mà tôi muốn nhìn lại. Như một ông đồ đầy thách thức Duy Thảo mang ô đứng trước cổng cái chợ thơ hiện đại, bày biện hào nhoáng phấn son, lẫn lộn thật giả, rất nhiều quan niệm rất nhiều khuynh hướng phong cách, có mới mẻ nhưng tiếc là chưa thật hay.
Mấy hôm trước cô Phan Thanh Phong, con gái nhà thơ Duy Thảo đến thăm tôi, chuyện trò, nó thổ lộ năm nay bố đã 80 tuổi và nó đang nghĩ về một món quà tặng cha. Đây là cái mốc thời gian rất nhiều ý nghĩa với gia đình. Cháu nghĩ mãi không tìm ra món quà xứng đáng - một món quà khiến cha cháu bất ngờ.
Nghe thế tôi lặng người nghĩ ngợi. Vậy là Duy Thảo đã tuổi tám mươi, nhanh thật, mới ngày nào còn thanh xuân nay đã hóa lũ già với nhau rồi, anh ấy mà tám mươi thì ta cũng bảy nhăm, bảy nhăm mà bảo còn là trẻ sao được.
Tôi quay sang nói với nó, dạo này ta vẫn mong có dịp nào được ngồi với cha cháu chuyện trò lâu lâu một chút, ngày trước cả hai thằng đều hay chuyện, chuyện suốt đêm là thường. Vừa rồi có gặp một bài thơ ngắn của ông ấy đặt góc tờ báo nào đó, ta đọc thấy ý tứ xa xôi lắm.
Đêm đau nằm nhớ con đường
Khe giao Đồng Lộc Truông Bồn... mình qua
Một thời để nhớ thì xa
Cái thời dễ nhớ biết là nhớ ai...
Cái đau nằm đâu đó rất sâu, một tiếng thầm trách cứ lẫn vào trong gió.
Nhân cháu đang có ý tìm một món quà tặng cha tuổi 80, ta chợt nghĩ sao không làm một tập thơ mỏng với những bài tiêu biểu trong nửa thế kỷ thơ ông. Nhân thể nếu làm thế ta cũng mong được gửi vài trang tâm tình vào đó. Chả hẳn đã là chuyện bàn về thơ, thơ phú là công việc của cha cháu, ta làm văn xuôi không chắc đã bàn nổi. Cánh văn xuôi chúng ta nhòm sang thơ anh nào cũng thấy phải dè dặt. Ta mường tượng cái vùng ấy mênh mang như bãi nước bí ẩn không thể giải mã, lúc rủ nhau nhào xuống thì đông mà lúc ngoi lên sao muốn vắng. Vậy mà nó vẫn cứ rủ rê con người ta mon men đến, nếu nói là chơi thơ thì theo ta nó là một cuộc chơi thượng đẳng.
Đã đến lúc cô bé muốn ra về mà tôi vẫn còn bâng khuâng nhìn đi đâu. Rồi tôi nói với nó, ta dặn nhé, vào hôm sinh nhật của ông ấy, nửa đêm nên đốt một "bánh pháo" cho vang lừng lên. Nghe tôi nói cô bé tỏ ý kinh ngạc.
Rồi các cháu sẽ hiểu, hiểu và ngẫm. Tôi đứng lên tiễn cháu ra ngoài sân, đêm đông lạnh, khí trời u uẩn như khói tỏa mịt mùng.
Nó chưa biết chứ những bước đi trong đêm của người già chậm mà nặng lắm. Với tôi cũng vậy và với anh Duy Thảo cũng vậy.
***
Nửa thế kỷ thơ là bao nhiêu thơ, bao nhiêu nụ cười và nước mắt. Thơ Duy Thảo là trường hợp mà tôi muốn nhìn lại. Như một ông đồ đầy thách thức Duy Thảo mang ô đứng trước cổng cái chợ thơ hiện đại, bày biện hào nhoáng phấn son, lẫn lộn thật giả, rất nhiều quan niệm rất nhiều khuynh hướng phong cách, có mới mẻ nhưng tiếc là chưa thật hay.
Nhà thơ Hữu Thỉnh từng đã bàn về thơ Duy Thảo. "Thơ ông chân thành tránh được sự nhất thời. Đó là thứ thơ coi đời sống nội tâm là nguồn mạch. Văng khỏi quỹ đạo này thơ sẽ sa vào trận đồ bát quái của sự kể lể. Mà kể lể lại là căn bệnh nguy hiểm nhất đối với thơ.
Càng về sau thơ Duy Thảo càng ít kể lể, để nhường chỗ cho những trải nghiệm, những nỗi niềm. Có cả nỗi buồn và sự cô đơn. Không sao. Cứ để thi nhân đào sâu vào thế giới nội tâm của mình. Tôi yêu và tôn trọng những tâm sự này của anh không phải với tâm trạng một người lính già mà là sự đồng điệu. Tìm thấy sự đồng điệu tri kỷ của bạn đọc liệu thơ còn mong gì hơn".
Chúng ta thấy những suy nghĩ và nhận xét trên đây của ông Hữu Thỉnh là lời bàn sáng sủa, bình tĩnh và nhiều cân nhắc. Duy Thảo cũng thấy vậy, lẳng lặng từng bước ông đang vượt lên chính mình, dần dần đi tới sự sâu lắng mộc mạc giản dị.
Nhiều năm trước, một lần vào miền Trung tôi có tạt qua làng Đông Thái, chốn quê văn hiến của Duy Thảo. Một cụ già chỉ tay ra phía ngoài đê kể rằng, lúc nhỏ cậu Thảo thường ngồi ngoài đó, ngồi một mình. Thuở ấy sông La nước trong và đầy, thuyền ngược Tam Soa thuyền ra chợ Hạ, trên bến dưới thuyền vui đáo để. Mà làm ăn cũng đâu có khó khăn quá, làng tôi nói vậy chứ đâu đến nỗi nào.
Thiên hạ nói quả không sai, cô đơn là dấu hiệu của tài năng, là cái nôi nuôi dưỡng tài năng. Đầu chiến tranh phá hoại lên đường nhập ngũ, Duy Thảo thành lính phòng không canh giữ bầu trời vùng Xuân Mai cửa ngõ phía tây Hà Nội. Lúc đó máy bay địch mới chỉ quần thảo mạn Vĩnh Linh, Quảng Bình. Năm sau tiếp tục bắn phá Hà Tĩnh. Lửa đạn cứ lan dần khắp dải đất hẹp được đối phương gọi là vùng "cán xoong". Cuối tháng 3 năm 1965 bắt đầu xảy ra một cuộc đụng độ lớn, suốt ba ngày quân dân Hà Tĩnh lăn vào bom đạn, sự hy sinh không ít nhưng phía địch cũng đã phải nhận những tổn thất không nhỏ, mười hai máy bay rơi, nhiều cái rơi tại chỗ. Ngồi trực chiến ngoài này trong sự xúc động của nhà thơ, Duy Thảo làm luôn một bài dài gồm mười hai khổ tứ tuyệt, đó là bài "Mừng chiến thắng trời quê", gửi Hà Tĩnh anh hùng trận đầu bắt rơi 12 máy bay Mỹ. Bài thơ được gửi theo đường bưu điện hỏa tốc. Ngay sau đó đã xuất hiện trên trang nhất báo tỉnh. Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam cho lên sóng tức thì. Nghệ sĩ Xuân Năm giọng oanh vàng thể hiện.
Quê hương ơi chiều nay nghe náo nức
Đài truyền đi tin chiến thắng vang lừng
Hà Tĩnh quê ta trận đầu diệt Mỹ
Niềm tự hào nước mắt bỗng rưng rưng.
Hà Nội tổ chức một ngày xuống đường, thành phố tràn ngập khí thế vào trận. Đêm đến, Nhà hát Lớn có chương trình nghệ thuật hoành tráng, nhiều đoàn văn công tham gia biểu diễn. Một chương trình đầy ắp những bài ca chiến đấu nhưng lại được kết thúc bằng một bài thơ.
Cô Xuân Năm áo dài duyên dáng bước ra sân khấu trong ánh sáng chói lòa, tay mang theo một tờ giấy khổ rộng. Đã ngỡ cô ra đọc lời chia tay với khán giả mà không phải, tờ giấy cô đang cầm là một bài thơ của người lính lúc này đang trực chiến trên vùng núi Xuân Mai, anh là Phan Duy Thảo.
Thơ đã được ngâm, cô gái đang vừa lùi vừa giơ tay chào mà sao khán giả vẫn ngồi im lặng, nhiều bà lấy khăn chấm mắt. Rồi như bừng tỉnh cả đám đông đứng dậy vỗ tay từng hồi dài như bất tận.
Ít lâu sau có cuộc họp Bộ Chính trị, Đoàn Văn công Hà Tĩnh được mời biểu diễn ở Phủ Chủ tịch, nghệ sỹ Xuân Năm lại được mời lên ngâm thơ, vẫn là bài thơ đó. Ngồi nghe, Bác Hồ liên tục tán thưởng, mắt Người rưng rưng xúc động. Bác gọi nghệ sỹ Xuân Năm đến gần và khen bài thơ hay giọng ngâm đẹp.
Muốn hỏi vậy thì giá trị của thơ phải được nhìn nhận thế nào đây? Là tiền bạc hay là những thứ đồ đạc đổi chác. Hình như không hẳn đã là thế, nó cần phải được nhìn nhận một cách trân trọng hơn, cao hơn và xa hơn. Nghe kể lúc bài thơ in xong anh em tòa báo Hà Tĩnh vừa vui lại vừa lúng túng. Lúng túng vì quỹ cơ quan lúc đó đã sạch trơn không còn nổi một xu để trả nhuận bút. Bởi vậy mà Duy Thảo chỉ nhận được qua đường bưu điện một tờ báo, sáu cái tem thư có in hình Bác Hồ 1945 kèm theo mấy dòng cảm ơn của Tòa soạn. Vậy thôi mà đã đủ để rưng rưng.
Giờ Duy Thảo đã thành ông già đông con cháu. Cô con gái ông đang cố gắng tìm một món quà tặng cha mình, theo ý nó phải là món quà làm ông bất ngờ. Tôi nghĩ đây là việc khó. Để một người từng trải như ông ấy sửng sốt là không thể.
Nói cho cùng mỗi nhà thơ tự nó đã là một sự bất ngờ. Mỗi nhà thơ là một cái túi chứa đầy những bất ngờ. Mỗi bài thơ của họ gửi đến chúng ta, những người đọc, đều thấy có trong đó ít nhiều sự bất ngờ.
Sự bất ngờ tuyệt vời chỉ ẩn chứa trong những bài thơ mang tinh hoa trời đất. Nhà thơ mang sứ mệnh đánh thức người đọc, họ đặt vào tinh thần chúng ta những tinh hoa mà họ hái lượm mang về từ cõi bao la.
Xa vời làm sao là câu chuyện về sự bất ngờ.
***
Có lần cách đây hơn chục năm từ Huế ra Bắc qua đèo Ngang tôi chợt nghĩ đã đến đây thì nên tạt vào Hà Tĩnh nghỉ lại một đêm. Buổi chiều xe lăn tới trung tâm thị xã, thoáng nhìn đã thấy chỗ này nhỏ và buồn. Dù vậy cũng như nhiều nơi khác nó đang gồng mình lăn vào công việc xây dựng và phát triển toàn diện để một mai chuyển cấp lên thành phố.
Sắp đặt xong chỗ ăn chỗ nghỉ tôi vẩn vơ ra phố, không phải để ngắm cảnh mà là để đi tìm một người bạn cũ. Người ấy tên là Phan Duy Thảo, ở đây mấy ai là không biết anh. Mà tôi còn biết tìm ai ngoài anh. Người xưa nói quân tử chi giao đạm bạc thuỷ, bạn cũ như nước lã. Đơn giản bởi con người ta có thể thiếu rượu, thiếu nhiều thứ khác nhưng không thể thiếu nước lã. Nước lã nhạt toẹt nhưng thử thiếu mà xem. Do vậy mà bạn cũ phải được xem như nước lã, quý ngang nước lã.
Nghĩ vậy lòng đủ bớt hiu quạnh, thấy vui vì ta bạn cũ rất nhiều, ta còn sống được, hay nói cách khác ta vẫn đang còn sống chính là ở nhẽ đó, cho dù bây giờ mỗi đứa một phương.
Mười mấy năm làm lính phòng không đừng nói ít vất vả, tính ra không ai là không vất vả. Lính phòng không rải khắp đất nước, người dán mắt vào màn ra đa, người ngồi mâm pháo, người đứng ngoài bãi tên lửa, người bay vút lên chín tầng mây, tất cả chỉ có một ý chí, đó là quyết tâm bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Nôm na gọi chung là lính phòng không. Mỗi quê mỗi cảnh ăn ở bên nhau, sống chết tựa lưng nhau, bảo thế vẫn chưa phải là bạn hữu tin cậy chăng.
Do yêu cầu của công tác tuyên truyền mấy chúng tôi lần lượt được điều về Cục Chính trị quân chủng Phòng không - Không quân. Tôi viết văn, anh Duy Thảo cùng vài anh khác lao vào làm báo. Chỉ huy trực tiếp của chúng tôi thường đứng ngắm cái thân hình mạnh mẽ của Duy Thảo lúc sau buông một câu động viên, lưng dài vai rộng, thằng này tuổi Mậu Dần cầm tinh cọp chắc sẽ có vợ đẹp con khôn. Không đúng tao xin đi bằng đầu. Tưởng chỉ là nói trạng cho vui thế mà đúng. Ba mươi tuổi anh Thảo lập gia đình ngay tại mảnh đất mà anh từng đóng quân tại thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Vợ anh là chị Phước đã đẹp lại nết na mà rất trẻ, chị kém anh cả chục tuổi. Vợ chồng cưới năm trước thì năm sau sinh con, một cô gái đầu lòng. Kể cũng thần tình, các cụ nói con gái đầu lòng bõ công thầy mẹ. Rồi vài năm sau lại đẻ, cũng vẫn là con gái. Có cụ già đi đường một hôm ghé tai, mang lũ trẻ về bên nội thì mới có con trai.
Chị Phước bàn với chồng, chúng nó sống với bên ngoại thế cũng tạm đủ rồi, giờ phải về bên nội, vào trong ấy có khổ mấy em cũng chịu được. Vậy là chị thành người làng Đông Thái. Chả khó khăn gì lắm, chỉ ít lâu sau chị nói tiếng Hà Tĩnh thuần thục, đến người Hà Tĩnh cũng phải kinh ngạc. Động bước ra khỏi ngõ là có người hỏi chuyện, bà con cô bác rất thích nói chuyện với cô dâu xứ Bắc. Mà chị cũng là người biết nói chuyện, học hành dở dang chưa đi đến đâu nhưng kể chuyện có duyên.
Quê ung ở mô, Mê Linh là chỗ mô hầy... Chị thường phải nán lại giải thích, bên này sông Hồng là Hà Nội thì bên kia sông Hồng là đất Mê Linh. Thuở xưa Mê Linh còn có cả sông Hát Giang. Giặc Ân đuổi gấp, Hai Bà Trưng theo nhau gieo mình xuống ngọn sông này tự vẫn. Giờ sông Hát hóa cánh đồng nhưng Đền thờ Hai Bà vẫn đang còn, bốn mùa hương khói.
Ngót hai trăm năm trước Mê Linh thuộc đất Phúc Yên, rồi Phúc Yên nhập với Vĩnh Yên thành Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc lại nhập với Phú Thọ thành Vĩnh Phú... hết chia ra lại nhập vào, nhập vào chán lại chia ra chỉ có Mê Linh là vẫn còn đó, Mê Linh vẫn cứ là Mê Linh, đất xưa người cũ là vậy. Nhiều lúc đang chuyện trò vui vẻ nhắc đến quê ngoài kia chị rớm nước mắt.
Nếu tôi nhớ không nhầm, sau cuộc chiến đánh B52 anh Thảo được phép chuyển về quê nhà công tác, thì cũng vẫn là làm báo làm thơ. Anh ghé vai cùng người vợ tần tảo chia sẻ nỗi khó khăn trong cuộc sống gia đình, làm một người chồng để vợ có thể tỳ vịn, người cha ôn nhu gương mẫu. Anh chị sinh thêm hai cháu, một thằng con trai, một cô con gái út.
Ông trời không cho ai tất cả mà cũng không phụ ai tất cả. Như một con thuyền lênh đênh mãi rồi cũng về tới bến, cái gia đình nhỏ nhoi ấy giờ đang thong thả dắt nhau bước lên một chặng đường bình an.
Anh vẫn làm báo làm thơ, thơ anh ngày một đầm sâu đằm thắm. Và với chị cùng các cháu, tôi còn biết nói gì hơn là bày tỏ ở đây một lời chúc mừng gan ruột.
Xưa ông Khổng Tử thường dắt học trò lang thang trên đường vừa đi vừa học. Một trò hỏi thưa thầy ở đời thế nào mới là anh hùng? Nghĩ hồi lâu ông nói, hiều mình là anh thắng mình là hùng. Cứ thế mà luận thì thế gian đang không thiếu anh hùng, trong số đông đảo ấy có gia đình anh chị.
Nắng chiều sắp tắt, tôi lững thững quanh khu chợ vắng vẻ, hàng hóa nhiều nhưng khách mua thưa dần. Những gian hàng xếp đặt ngay ngắn và khá gợi mắt, mái lợp tôn, những hàng cột bằng gỗ bằng tre cắm thẳng tăm tắp, tất cả tưởng như đang hài hòa nhưng ngồi lâu lại thấy vẫn chưa ổn, chưa ăn ý với nhau cho lắm, bởi đâu thì tôi cũng chịu chưa nhìn ra.
Ngoài cổng chợ nơi tôi đang đứng có một cái lều, ngồi trong đó là một ông già vẻ mặt khắc khổ khiến ta dễ đoán đây là một cán bộ lâu năm trong ngành kiểm sát hoặc tòa án nhân dân, nay nghỉ hưu ra mở quán. Tôi sà vào ngồi cạnh ông một cách tin cậy, xin ông cho một chén trà, mượn ông ống điếu thuốc lào có khắc con rồng uốn lượn.
Vừa rót nước ông vừa ngoảnh sang tôi, chắc anh từ xa đến? Thưa ông tôi đang muốn tìm một người bạn cũ, có người nói hình như ở quanh quẩn chỗ này. Anh ấy là một nhà thơ kiêm nhà báo có tên là Phan Duy Thảo. Ông cụ đặt chén nước ấm vào tay tôi, tưởng ai chứ ông Thảo thì nhà đang ở trước mặt kia rồi. Anh cứ ngồi đây hút thuốc chịu khó chờ một lát anh ấy về thường phải tạt vào đây chuyện trò vài ba chuyện.
Tôi ngồi nhìn từ xa, nhà bạn, ngôi nhà ba tầng ngoài cửa có treo tấm biển "Đại diện báo Dân Trí miền Trung". Chả có gì khác lạ, nó lẫn vào những ngôi nhà bên cạnh, nhấp nhô cao thấp, cũng vừa mới xây xong, là tổ ấm của những người đã dám bỏ cả đời ra để đổi lấy một chỗ trú ngụ yên ổn lúc về già. Nhưng mà nào ai dám đoan chắc, liệu có yên ổn được không?
Tiếng xe lăn bánh trên hè lạch xạch. Ông già hắt đầu chỉ ngón tay ra phía ngoài, anh ấy về rồi đấy.
Hà Nội, 3/12/2017
Nhà văn ĐỖ CHU