Đừng "xé nát" những giấc mơ cổ tích

(Dân trí) - Chim phượng hoàng trong “Ăn khế trả vàng” khi ăn xong vừa bay đi vừa hát: “Làm người ai làm thế…”. Dì ghẻ mắng Tấm có vần, có điệu: “Tấm! Tao cấm mày xào nấm với dấm rồi cơ mà. Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm”...

Trong những năm gần đây, nhiều nhà xuất bản đã “truyện tranh hóa” tác phẩm văn học và truyện cổ tích để đưa sách đến gần hơn với trẻ em. Tuy nhiên, không ít sản phẩm mắc lỗi và chịu phản ứng gay gắt từ những bậc phụ huynh, nhà giáo dục.
 
Khi dư luận chưa nguôi ngoai về việc bộ truyện tranh danh tác văn học hiện thực phê phán 30 – 45 bị chỉ trích về tạo hình nhân vật Chị Dậu trong tiểu thuyết cùng tên của Ngô Tất Tố quá giống nữ sinh Nhật hay Chí Phèo không còn là nhân vật của Nam Cao khi nói ra những câu quá thô tục, thì mới đây bộ truyện tranh cổ tích mới "tung" lên mạng đã gặp tranh cãi gay gắt bởi một "diện mạo" hoàn toàn bị bóp méo.
 
Một số trang truyện cổ tích sử dụng ngôn ngữ, tạo hình nhân vật không phù hợp với đối tượng độc giả là trẻ em. Bên cạnh đó, một số câu chuyện bị xuyên tạc, bóp méo về nội dung sai lệch so với nguyên tác.
 
Con gái Phú ông dụ anh Khoai về nhà trong truyện Cây tre trăm đốt
Con gái Phú ông "dụ" anh Khoai về nhà trong truyện "Cây tre trăm đốt" 
 
Những độc giả đã từng yêu mến những truyện cổ tích xưa hẳn sẽ rất sốc khi xem qua một vài trang truyện tranh cổ tích “Tấm Cám”, “Ăn khế trả vàng” (Tên nguyên tác là Cây khế) hay “Cây tre trăm đốt” mới xuất bản khi nhân vật ăn nói quá “khác xưa”.
 
Chim phượng hoàng trong “Ăn khế trả vàng” khi ăn xong vừa bay đi vừa hát: “Là lá la, nếu hỏi rằng em yêu ai…” hay “Làm người ai làm thế”.  Dì ghẻ mắng Tấm có vần, có điệu: “Tấm! Tao cấm mày xào nấm với dấm rồi cơ mà. Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm”, “Tấm! Mày hâm à? Mày câm à? Sao mày làm thủng cái mâm” (Tấm Cám). Hay vợ Mai An Tiêm (Sự tích quả dưa hấu) đáp lời chồng: “Vâng, anh nói đó nha!”… Lồng ghép những câu nói trong từ điển “xì tin” như “sực”, “ok”, “măm”… không làm câu chuyện gần gũi, hài hước hơn mà trở nên phản cảm, ảnh hưởng tiêu cực đến lời ăn tiếng nói của trẻ em ở độ tuổi hay bắt chước.
 
Chim phượng hoàng nói: Làm người ai làm thế trong truyện Ăn khế trả vàng
Chim phượng hoàng nói: "Làm người ai làm thế" trong truyện "Ăn khế trả vàng"
 
Về mặt hình minh họa, họa sĩ vẽ truyện đã quá tay khi mô phỏng nhân vật. Hình ảnh anh Khoai với mái tóc xanh, Thạch Sanh “nhuộm” mái tóc nâu, vợ Mai An Tiêm tóc đỏ dùng nhan sắc để “dụ” đàn cá đến bắt về làm thịt,… trở nên xa lạ với người nông dân Việt Nam chân chất, thật thà trong cổ tích. Truyện tranh hấp dẫn trẻ em bởi minh họa song với những tạo hình không khác gì manga như vậy truyện cổ tích liệu có giữ được giá trị thẩm mĩ vốn có?
 
Chàng Thạch Sanh như bước ra từ...  Bảy viên ngọc rồng
Chàng Thạch Sanh như bước ra từ...  "Bảy viên ngọc rồng"
 
Anh Khoai có mái tóc màu xanh trong truyện Cây tre trăm đốt
Anh Khoai có mái tóc màu xanh trong truyện "Cây tre trăm đốt"
 
Đáng buồn hơn, bộ truyện tranh cổ tích còn bị "biên tập" rất nhiều về mặt nội dung so với nguyên tác. Nhân vật đại diện cho cái thiện có những hành động “đặc trưng” cho cái ác. Có thể kể tới cô Tấm chua ngoa, độc ác có ý định đổ đỉa vào người cô Cám. Khi phát hiện ra Cám lấy trộm giỏ tép, Tấm không ngại ngần mắng: “Dám chôm giỏ tép của tao à?”.
 
Trong “Cây tre trăm đốt” con gái phú ông gặp anh Khoai ở chợ rồi dụ dỗ “Về ở nhà ta nghen, nhà ta có nhiều đồ ăn ngon lắm!” và anh Khoai thay vì đi ở như trước đã “tham ăn” đi theo cô.
 
Hay, hoàng tử Lang Liêu (Sự tích bánh chưng bánh dày) trong mơ được đi thi “Vào bếp với người nổi tiếng”… Những chi tiết này hoàn toàn không phù hợp với trẻ em và đi ngược lại giá trị giáo dục mà truyện cổ tích xưa mang lại.
 
Vợ Mai An Tiêm dùng nhan sắc để bẫy cá trong truyện Sự tích quả dưa hấu
Vợ Mai An Tiêm dùng nhan sắc để bẫy cá trong truyện "Sự tích quả dưa hấu"
 
 
Sáng tạo để “đưa một cách cảm thụ mới đối với những câu chuyện cổ tích vốn đã trở nên quen thuộc. Truyện cổ tích sẽ hiện đại và hóm hỉnh hơn, ngôn ngữ nhân vật sẽ hiện thực hơn. Khắc họa đậm nét tính lạc quan và sự tất thắng của cái thiện, lẽ công bằng”… là cách lí giải của ông Vương Quốc Trịnh (đại diện cho những người thực hiện bộ sách) trong phần “Lời nói đầu” ở mỗi cuốn truyện. Tuy nhiên phần mào đầu này không ăn nhập với ngôn ngữ “xì tin”, tạo hình manga và cốt truyện “biến dạng” đến không thể nhận ra trong phần nội dung “khoác áo” truyện cổ tích này.
 
Truyện cổ tích luôn là thế giới của những giấc mơ trẻ thơ. "Xé nát" truyện cổ tích bằng cách bóp méo, xuyên tạc, nghĩa là, họ đang "xé nát" sự trong sáng, dung dị trong những giấc mơ tuổi thơ.
 
 
Làm mới không có nghĩa là dung tục hóa
 
Trao đổi với phóng viên Dân Trí về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Huế (Trưởng phòng văn học dân tộc – Viện văn học Việt Nam) nhận định: Truyện cổ tích là thể loại văn học truyền miệng, vì vậy ngôn ngữ thường giản dị, dễ nhớ, dễ lưu truyền. Mỗi câu nói truyền lại phải hay, đẹp, có mục đích giáo dục không thể đưa ngôn ngữ dung tục, thô kệch như ở bộ truyện này thay thế. Làm mới nội dung truyện cổ tích không phải là hành động sai trái, trên thế giới Puskin đã chuyển thể truyện cổ tích thành thơ, ở nước ta Nguyễn Huy Tưởng đã viết lại “Tìm mẹ”, “An Dương Vương xây thành ốc” đều được đánh giá cao.
 
Tuy nhiên làm mới cổ tích phải trên cơ sở nắm được đặc trưng truyện không đi sâu vào tâm trạng mà đi vào khẳng định tính cách đưa đến những ước vọng mà con người không đạt được trong thực tế, nên không thể thay đổi nhân vật thiện có những câu nói, hành động đi ngược với giá trị đạo đức. Cách làm mới cổ tích như ở bộ truyện này với ngôn ngữ, cốt truyện lạ hóa cùng tạo hình nhân vật kệch cỡm là hành động dung tục hóa văn hóa truyền thống của dân tộc.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Trước xu thế "hiện đại hóa" truyện cổ tích, ý kiến của bạn về vấn đề này?
Hãy giữ nguyên vẹn bản gốc dân gian của truyện cổ tích
Có thể thay đổi, sáng tạo để truyện cổ tích hiện đại hơn, gần gũi với độc giả thời nay hơn
Ý kiến khác
  
 
Đinh Nha Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm