Đưa lễ hội nghinh Ông Cần Giờ vào danh mục di sản quốc gia

(Dân trí) - UBND TPHCM đã có tờ trình gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị đưa lễ hội nghinh Ông ở huyện Cần Giờ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội nghinh Ông tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ diễn ra vào dịp rằm tháng 8 âm lịch hằng năm (kéo dài từ ngày 14/8 – 17/8 âm lịch) là một trong những lễ hội thờ cúng cá Ông (cá voi) lớn nhất Nam bộ.

Đoàn thuyền rồng rước ông Thủy tướng trong lễ hội nghinh Ông ở Cần Giờ (ảnh: Sở Ngoại vụ TPHCM)
Đoàn thuyền rồng rước ông Thủy tướng trong lễ hội nghinh Ông ở Cần Giờ (ảnh: Sở Ngoại vụ TPHCM)

Theo Văn phòng UBND huyện Cần Giờ, lễ hội nghinh Ông Cần Giờ được tổ chức hàng năm đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người dân sinh sống ở khu vực ven bờ biển nói riêng và của nhân dân huyện Cần Giờ nói chung.

Hoạt động lễ hội được tổ chức như một lễ hội lớn cấp huyện, duy trì nhiều năm qua nhằm xây dựng tinh thần hiếu khách, tương thân tương trợ trong các tầng lớp nhân dân; xây dựng tác phong văn minh đô thị, văn minh thương nghiệp, phục vụ du khách, góp phần phát triển ngành du lịch của huyện ngày càng tốt hơn.

Lễ hội này gắn liền với tục thờ cá Ông phổ biến từ đèo Ngang trở vào đến Hà Tiên, đảo Phú Quốc, là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Bằng nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt Ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá Ông, lễ cúng Ông, lễ nghinh Ông, lễ nghinh ông Thuỷ tướng… Dù tên gọi khác nhau nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá Ông là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với ngư dân.

Tại Cần Giờ, lễ hội nghinh Ông bắt đầu từ ngày 14, 15 tháng 8 âm lịch với nhiều hoạt động văn hoá sôi nổi bên ngoài lăng Ông Thủy tướng. Sáng ngày 16/8 âm lịch, các vị trong hội lăng trong trang phục chỉnh tề làm lễ rước kiệu của Nam Hải Tướng quân (cá Ông) xuống thuyền rồng ra biển. Dọc theo đường rước, ngư dân sống trên biển và bà con hai bên phố bày lễ vật nghênh đón, khói nhang nghi ngút.

Cùng với thuyền rồng rước Thuỷ tướng, có hàng trăm ghe lớn nhỏ, trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ tháp tùng ra biển nghênh Ông. Trước mũi ghe là hương án và mâm lễ vật. Trên các ghe lớn nhỏ này có chở hàng ngàn khách và bà con tham dự đoàn rước. Đoàn rước đi khoảng hai giờ thì quay về bến nơi xuất phát, rước Ông về lăng Ông Thuỷ tướng. Tại bến một đoàn múa lân, sư tử, rồng đã đợi sẵn để đón Ông về lăng.

Khi rước Ông vào lăng, các nghi thức đón và tế diễn ra trang trọng, đúng với nghi thức cổ truyền. Các lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội diễn ra tại lăng Ông Thuỷ tướng. Ngoài lăng có các hoạt động văn hoá văn nghệ. Vào khoảng 20 - 23h sẽ có lễ cúng tế, hát bội diễn ra trong lăng.

Đến sáng 17/8 âm lịch, tại lăng Ông Thuỷ tướng sẽ diễn ra lễ tôn vương Ông Thuỷ tướng theo sắc phong với các nghi thức cổ truyền, hát thờ... Sau phần lễ tôn Ông theo sắc phong cũng là lúc chấm dứt lễ hội.

Theo UBND TP, hiện hồ sơ khoa học về lễ hội này cũng đã được UBND TP trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Dự kiến Bộ sẽ xem xét trước thời điểm diễn ra lễ hội nghinh Ông trong năm nay.

 
Tùng Nguyên