An Giang:
Đua bò Bảy Núi trở trành di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
(Dân trí) - Trong 15 di sản văn hóa phi vật thể vừa được Bộ VHTTT&DL công bố có Hội đua bò Bảy Núi An Giang. Lễ hội đua bò Bảy Núi là một lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer-Nam bộ.
Lễ hội đua bò Bảy Núi được tổ chức vào dịp lễ hội Đôn ta (lễ cúng ông bà), 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch (nếu tháng thiếu thì từ 29/8 đến mùng 2/9 âm lịch). Đây là một lễ hội mang đậm nét bản sắc văn hóa dân gian, trong đó có lễ hội đua bò kéo bừa truyền thống là nét sinh hoạt văn hóa, môn thể thao độc đáo ở vùng Bảy Núi, An Giang.
Được biết trước đây lễ hội đua bò diên ra tại phum, sóc, cuộc so tài giữa hai đôi bò diễn ra trong 7 vòng chạy quanh sân đua, gồm 6 vòng hô (chạy chậm để biểu diễn kỹ thuật điều khiển bò) và 1 vòng thả (chạy với tốc độ cao nhất). Nhưng từ sau năm 1992 lễ hội bị cắt xén số vòng đấu (02 vòng hô, 01 vòng thả và đến năm 2011 Đài PTTH An Giang nâng lên thành giải tranh cúp truyền hình chỉ còn một vòng), giống bò cũng không còn thuần chủng bò Bảy Núi, bán vé, đồng phục… Từ đó giải đua bò đang bị mất dần bản sắc vốn có của nó.
Hàng năm lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang thu hút hàng ngàn lượt người đến xem
Sau những phản ứng của các nhà nghiên cứu về văn hóa truyền thống, năm 2015 tỉnh An Giang thực hiện chủ trương đưa lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang về cộng đồng người Khmer và được đồng loạt tổ chức ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Toàn bộ các khâu tổ chức, điều hành, trao thưởng… đều do cộng đồng người Khmer quyết định, thông qua đại diện của mình.
Trong 15 di sản được Bộ VHTT&DL công bố lần này, tỉnh Bắc Ninh có đến 6 di sản được công nhận gồm: Lễ hội làng Diềm; Lễ hội làng Đồng Kỵ; Nghề gốm Phù Lãng; Nghề chạm khắc gỗ Phù Khê; Nghề gò đồng Đại Bái; Hát Trống quân làng Bùi Xá. Hà Nội có 2 lễ hội được công nhận di sản phi vật thể quốc gia là Lễ hội Đền Hát Môn; Lễ hội Đền Và. An Giang có Hội đua bò Bảy Núi; Bắc Cạn có Lễ cầu năm mới, cầu mùa của người Dao; Kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông, Hà Giang; Hát Trống quân, Hải Dương; Hòa Bình có: Nghệ thuật Chiêng Mường ở Hòa Bình và Mo Mường ở Hòa Bình; Hát Sấng Cọ (hát Ví Lưu Tam) của người Sán Chay, Thái Nguyên.
Nguyễn Hành