Du thuyền 500 triệu USD của tỷ phú Jeff Bezos không thể hạ thủy, vì sao?
(Dân trí) - Ngay sau khi bước ra khỏi hôn nhân hồi năm 2019, tỷ phú Jeff Bezos liền đặt hàng đóng một siêu du thuyền trị giá 500 triệu USD. Nhưng du thuyền đã đóng xong mà vẫn không thể... hạ thủy, vì sao?
Hiện giờ, du thuyền đã đóng xong, chỉ còn chờ được hạ thủy, nhưng chính lúc này, thông tin xoay quanh siêu du thuyền lại thu hút nhiều sự quan tâm hơn cả mức độ đắt giá hay kích thước khổng lồ của nó. Siêu du thuyền Y721 có kích thước lớn thứ hai thế giới, nên để đưa nó hạ thủy đi ra biển, người ta sẽ cần dỡ một cây cầu cổ ở thành phố Rotterdam, Hà Lan.
Kế hoạch dỡ cầu đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân địa phương và thu hút sự quan tâm bình luận của truyền thông - công chúng quốc tế. Sau cùng, kế hoạch dỡ cầu đã bị loại bỏ trước làn sóng phản đối của dư luận.
Vậy là, siêu du thuyền 500 triệu USD của tỷ phú người Mỹ Jeff Bezos (58 tuổi) vẫn phải tiếp tục nằm trên cạn. Du thuyền Y721 có chiều dài 127 mét, có 3 cột buồm, 3 tầng sàn. Y721 được miêu tả là "một trong những du thuyền hoàn hảo nhất tồn tại trên thế giới".
Du thuyền được thực hiện bởi hãng đóng tàu Oceanco ở Rotterdam, Hà Lan. Phía công ty đóng tàu cho biết họ quyết định loại bỏ kế hoạch dỡ cây cầu cổ, bởi đã phải nhận quá nhiều lời đe dọa, bao gồm cả những lời cảnh báo rằng nếu việc dỡ cầu thực sự được tiến hành, thì vào ngày du thuyền Y721 hạ thủy, sẽ có nhiều người mang trứng tới... ném siêu du thuyền.
Trước những căng thẳng trong dư luận, kế hoạch dỡ cầu mới đây đã chính thức bị loại bỏ. Trước đó, tỷ phú của Amazon - ông Jeff Bezos đã đề nghị chi trả tất cả số tiền cần dùng cho việc tháo dỡ một đoạn của cây cầu nâng De Hef, để du thuyền của ông có thể hạ thủy.
Vì kích thước "khủng", nên du thuyền lớn thứ 2 thế giới sẽ không thể đi qua bên dưới nhịp cầu nâng của cây cầu cổ De Hef, vì vậy, theo kế hoạch ban đầu mà phía công ty đóng đầu Oceanco đưa ra với nhà chức trách địa phương, họ sẽ phải can thiệp, tạm dỡ một đoạn cầu cổ, cho du thuyền có thể đi qua.
Hồi tháng 2 năm nay, khi các tờ tin tức tại Hà Lan đưa tin về kế hoạch dỡ cầu, ngay lập tức, một làn sóng phản ứng dữ dội trong dư luận đã xảy ra. Cây cầu De Hef này đã đi vào hoạt động từ năm 1927 và được sửa chữa lần gần đây nhất vào năm 2017.
Hiện tại, khi hãng Oceanco đã rút lại kế hoạch dỡ cầu, không rõ siêu du thuyền Y721 rồi sẽ được hạ thủy bằng cách nào.