Đột nhập lớp học diễn xuất của các em bé làng trẻ SOS

(Dân trí) - Giọng nói trẻ con non nớt, ngộ nghĩnh đồng thanh vọng ra từ gác hai một tòa nhà nhỏ trong khuôn viên văn phòng làng trẻ SOS khiến tôi rảo bước nhanh hơn...

- Con tên gì?
- Con tên là Cá?
- Cá sống cùng ai?
- Cá sống cùng bố ạ.

Qua bậc cầu thang, rẽ trái, chính là lớp học diễn xuất đặc biệt của những diễn viên nhí trong bộ phim “Cha cõng con” (Father and Son) - tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Lương Đình Dũng sẽ được bấm máy trong dịp tới.

Sáng nay, lớp học có thêm một “đạo cụ” đặc biệt: chú cá nặng vài kg được thả bơi trong chậu, nhiệm vụ của các diễn viên “nhí” là thò tay vào bắt và giơ chú cá lên khoe.Cả bốn cậu bé khiến tôi “mắt tròn mắt dẹt” khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thậm chí còn chẳng làm rơi chú cá trơn trượt lấy một lần.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều những bài học mà các cậu bé “Cá” tương lai phải vượt qua trong lớp học diễn xuất đặc biệt này. Từ sáng đến chiều, các em tập thoại, tập diễn xuất, luyện thanh… theo giờ giấc sát nhất với lịch trình của đoàn phim sau này. Năm học vừa kết thúc lại bước vào đợt tập luyện nghiêm khắc chẳng kém gì đi học, nên mỗi lần được đánh thức vào đầu giờ chiều, gương mặt của các em còn lộ rõ vẻ ngái ngủ. “Mỗi ngày, giờ làm việc sẽ nhích lên một chút để các bé kịp thích nghi. Nếu không tập thói quen ăn ngủ cho các bé điều độ, sau này sẽ rất khó theo kịp tiến độ của đoàn làm phim”, thầy hướng dẫn của lớp giải thích.

Bài thể dục khởi động trước giờ học

Bài thể dục khởi động trước giờ học

Thầy hướng dẫn cho từng em về bài tập mới

Thầy hướng dẫn cho từng em về bài tập mới

“Dự giờ” một ngày, cung bậc cảm xúc của tôi thay đổi liên tục theo từng bài tập. Thoắt vui, lại thoắt buồn, vừa chạy nhảy lanh lợi đã chuyển sang mệt mỏi ốm yếu. Tất cả những bài tập đều dựa theo tính cách, cuộc sống của nhân vật Cá trong phim, bởi thế trong suốt quá trình tập luyện các em đều phải tạm quên đi tên thật của mình để hóa thân thành Cá. Mỗi khi nghỉ ngơi, các em giải lao bằng cách tập vẽ tranh, xem phim. Cá là một cậu bé giàu cảm xúc và mơ mộng, tất cả những hoạt động này cũng sẽ góp phần tăng khả năng cảm thụ, trí tưởng tượng để các em đến gần với nhân vật hơn.

Cá không có nhiều thoại trong kịch bản, nhưng bù lại những yêu cầu diễn xuất bộc lộ cảm xúc, nét mặt, cử chỉ của nhân vật lại rất phong phú. Bởi vậy, hàng ngày các em đều phải đứng trước gương tập biểu đạt cảm xúc trên gương mặt theo từng hiệu lệnh “vui”, “buồn”. “mệt mỏi”, “sợ hãi’’…Khi các em tập luyện, hai người hướng dẫn cũng phải quan sát liên tục để phát hiện ra những điểm chưa được và chỉnh sửa ngay, tỉ mẩn từ cách đi, dáng đứng, cách giữ thẳng đầu, thẳng vai, thả lỏng cơ thể.Hay trong lúc tập thoại phát hiện ra một em nói ngọng, thầy hướng dẫn lại phải ngay lập tức thiết kế một bài tập chữa nói ngọng dành riêng cho em.

Sau vài tiếng đồng hồ miệt mài tập thoại, diễn xuất, tôi theo bốn diễn viên “nhí” rồng rắn xuống sân chơi. Chỉ vào chiếc xích đu, thầy hướng dẫn yêu cầu các em vừa ngồi xích đu vừa tập thoại. “Nếu chỉ thoại khi đứng yên thì rất dễ, nhưng các em sẽ phải tập nhớ thoại kết hợp diễn xuất, hành động, hoặc ở những địa hình không thuận lợi”, và phải đảm bảo an toàn cho các cháu, anh giải thích.

Dĩ nhiên yêu cầu trên cũng chẳng làm khó được cậu bé nào. Sau mấy tiếng trong phòng, giờ được “thả” ra sân chơi nên ai cũng hào hứng thấy rõ. Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến bãi cỏ bên cạnh, nơi các em sẽ tập diễn phân cảnh cậu bé Cá chạy theo máy bay dọc triền sông và vấp ngã. Đã được hướng dẫn cách ngã không đau nên sau những hiệu lệnh như đang bắt đầu một cảnh quay thực thụ, các em chạy và ngã “ngọt xớt”. Tấn – cậu anh cả của nhóm dù vừa phải chườm đá vì sưng đầu gối nhưng vẫn nhiệt tình “ngã” giống như các bạn và cười tươi lắc đầu khi được hỏi em có đau không.

Tập diễn xuất trước gương

Tập diễn xuất trước gương

“Cá” tập ngã trên bãi cỏ

“Cá” tập ngã trên bãi cỏ

Mệt, nhưng vẫn chăm chú nghe thầy hướng dẫn

Mệt, nhưng vẫn chăm chú nghe thầy hướng dẫn

Làm khán giả của các diễn viên “nhí” một ngày, tôi cũng mệt nhoài nhưng các em thì luôn sẵn sàng hào hứng nhiệt tình khi được hỏi: “Con là diễn viên cơ à?”, “Con là diễn viên”, “Diễn viên thì phải làm sao?”, “Diễn viên thì phải chuyên nghiệp”. Sống cùng nhau, làm việc cùng nhau từ khi khóa học bắt đầu, bốn cậu bé “Cá” đã nhanh chóng thân thiết với nhau như anh em, tự chăm sóc nhau mà chẳng đợi thầy phải nhắc: lau vết thức ăn trên miệng cho cậu em bé nhất, bóp vai cho bạn, đỡ bạn dậy khi ngã... Đây phải chăng cũng là một nét tính cách của cậu bé “Cá” đầy tình cảm trong phim.

Hai bạn “Cá” tranh thủ giải lao giữa giờ tập.

Hai bạn “Cá” tranh thủ giải lao giữa giờ tập.

Lên tinh thần bằng cách bóp vai cho nhau

Lên tinh thần bằng cách bóp vai cho nhau

Phút nghịch ngợm của bốn cậu bé “Cá”

Phút nghịch ngợm của bốn cậu bé “Cá”

Tạm biệt các em ra về, hình ảnh cậu bé Cá trong trong những thước phim đẹp và hồn hậu sắp tới dường như đã gần hơn tưởng tượng. 


Hoàng Anh