Dòng sông tuổi thơ tôi
(Dân trí) - Dòng sông tuổi thơ tôi uốn lượn hình vòng cung mềm mại ngay trước cổng trường, ôm một bờ cỏ lô nhô xanh mướt, một con đường trắng xám với ba cây cổ thụ gốc rất to và một vườn hoa hình rẽ quạt, một ngã ba yên tĩnh không tàu thuyền.
Dòng sông tuổi thơ tôi là suốt mười hai năm phổ thông đi về mỗi ngày mấy bận chỉ một bên bờ.
Ngày đầu tiên đi thi đại học được qua bờ bên kia nhìn lại, ôi chao bờ bên mình sao đẹp ngỡ ngàng.
Dòng sông tuổi thơ tôi chỉ là con kênh đào ở cuối thành phố, nhưng tàu ghe tấp nập hai bên bờ, tàu lớn chở lúa gạo, bột mì, tàu nhỏ chở trái cây, rau củ, cây kiểng, cá tôm từ nhà vườn Miền Tây lên bán.
Tiếng í ới mua bán trả giá giọng Nam Bộ rặt, nghe thân tình làm sao!
Chiều nào tan học, tôi và đám bạn cũng ùa xuống mé sông mua trái cây chín héo vì được mấy dì vừa bán vừa cho, tha hồ thử đủ thứ món đặc sản miệt vườn.
Tiếng xưng dì hiền lành thân mật mà lâu rồi tôi ít còn được nghe.
Dòng sông tuổi thơ tôi là dãy nhà kho kiểu Pháp hình chóp nón, quét vôi vàng đậm soi mình xuống nước, nơi có vô số cầu tàu bằng ván, ốm nhách, dài thòng, vươn ra từ tàu lớn, cắm phập vô bờ cỏ xanh như vòi bạch tuộc.
Tôi hay đứng nhìn những bàn chân chai sạn, to bè bước thoăn thoắt nhịp nhàng như nhún nhảy trên cầu tàu của lực lượng bốc vác hùng hậu, tiếng hụ hự khi đưa bao gạo nặng lên vai xen lẫn tiếng thẻ gỗ ghi công trả lương lách cách. Họ vác nặng hơn số cân chính mình, mồ hôi chảy lòng ròng trên lưng trên trán, họ túm một đầu chiếc khăn rằn vắt qua vai quẹt ngang mặt rồi cần mẫn vác tiếp.
Hầu hết họ sau này bị bệnh nặng vì lao lực và hít bụi của lúa gạo. Nhưng lúc đó, bốc vác là công việc phổ thông có thu nhập cao nhất nên nhiều người từ xa tới làm, bao nhiêu người tới cũng được thâu nhận hết dù lượng lúa gạo không tăng, họ tự chia việc cho nhau để ai cũng có thể kiếm cơm nuôi gia đình.
Phía bên kia sông là các bà các cô gánh hai cần xé loại to nhất, đầy vun nhưng bước đi khoan thai nhẹ nhàng hơn vì đó là trấu, nghe nói nhà máy rượu dùng trấu để đốt lò. Không biết đốt lò rượu ra sao chứ ở nhà, theo phong trào, trấu rẻ hơn mùn cưa và củi, mẹ tôi cũng mua một cái lò đốt trấu, khi nấu cơm, tôi phải liền tay đưa trấu vô bếp đúng kỹ thuật, mỏi vô cùng.
Tôi không biết dãy nhà kho bờ bên kia ngoài trấu ra còn chứa gì, chỉ thấy nó cùng kiến trúc, màu sắc với dãy kho bên này, người ta nói cả hai bên được người Pháp cất từ những năm đầu thế kỷ trước. Tôi thầm nghĩ người Pháp lãng mạn quá, nhà kho thôi mà cũng cất thật đẹp, dãy mái nhà hình chóp nón nhấp nhô giữa trời xanh mây trắng, mùa hè thêm màu phượng đỏ rực một góc trời, làm nền cho những chiếc cầu bằng sắt sơn đen vắt ngang sông được thiết kế mộc, mạnh mà lại thanh, trông vừa sang vừa bụi.
Dòng sông tuổi thơ tôi uốn lượn hình vòng cung mềm mại ngay trước cổng trường, ôm một bờ cỏ lô nhô xanh mướt, một con đường trắng xám với ba cây cổ thụ gốc rất to và một vườn hoa hình rẽ quạt, một ngã ba yên tĩnh không tàu thuyền.
Vị kiến trúc sư tài hoa nào đã phân chia tỉ lệ, độ lượn của con sông với độ cao, độ lượn, độ dốc của cây cầu một cách hoàn mỹ, lại hào phóng tặng thêm cho chúng tôi một vườn hoa đủ sắc đổ thoai thoải từ ngang dốc cầu xuống tận đường viền cong của khúc cua, nơi mà ai đó đã khéo đặt vào một cây cổ thụ gốc gần bằng ba vòng ôm. Chúng tôi thường cãi nhau ngu ngơ là cây cổ thụ có trước hay con đường có trước. Cũng là cầu sắt, cũng sơn đen, cũng lát những miếng gổ dày, nhưng cây cầu này khác với những cây cầu trước dãy nhà kho đằng kia, nó lớn hơn nhưng duyên dáng hơn, trầm mặc hơn và nổi bật hơn.
Phát hiện lớn nhất của tôi là dãy phố cổ bên kia sông cùng kiến trúc với với ngôi trường mình bên này sông, nhất là những cánh cửa sổ lá sách cùng sơn một màu xanh nhạt rất dịu. Một trong những cánh cửa sổ ở tầng hai là căn phòng của cô bạn cùng lớp, cô hay treo một cái nón rộng vành màu vàng để đánh dấu cho chúng tôi nhìn sang.
Không biết vườn hoa dưới dốc cầu, cây phượng lớn trước cổng trường, những ô cửa sổ xanh hai bên bờ hay chính những chiếc áo trắng của chúng tôi tô điểm cho màu đen của cây cầu thêm bí ẩn lôi cuốn.
Có một chỗ bí mật, đó là cầu thang nhỏ bằng gạch đỏ au từ gầm cầu qua vườn hoa để lên cầu. Giờ ra chơi, chúng tôi thường lén chui rào, kéo ra đó ngồi, để chờ nghe độ rung của đất khi có xe rầm rầm chạy qua, để cãi nhau chí chóe rằng... mông ai tưng nhiều hơn.
Khi vườn hoa bị mất, thay vào là bãi cỏ xanh mọc loạn xạ, chúng tôi tiếc hùi hụi, nhưng cũng kịp chế ra trò chơi mới là thả mình lăn tròn từ trên dốc cao xuống thật nhanh. Tôi chưa thấy trò chơi nào nhiều cảm giác khoan khoái như thế. Tại "phim trường" này, chúng tôi đã đóng lại không biết bao nhiêu phim được xem mỗi đêm trên truyền hình. Nhớ nhất là cảnh... chạy té khói trốn thầy giám thị vì trường cấm không cho học sinh ra sườn cầu chơi, sợ nguy hiểm.
Dòng sông tuổi thơ tôi là những chiều mưa được tắm sông ở ngã tư mênh mông trước hẻm nhà mình, là cảm giác êm ái lạ lùng ở lòng bàn chân khi đạp xuống bùn ở đáy sông, là cuộc bơi thi ra giữa sông mà tôi lúc nào cũng thua cuộc, là ngỡ ngàng nhận ra đường ranh giới mỏng như sợi chỉ chia đôi hai làn nước, bên chảy vô trong xanh và bên chảy ra sậm màu.
Nhưng cũng ở ngã tư sông này, năm nào tôi cũng chứng kiến một chuyện đau lòng, năm nào cũng có một người theo thủy thần về âm phủ, tôi không quên được cảnh thuyền ghe nháo nhác tìm kiếm dưới sông, người bu đen kín trên bờ, người nhà nạn nhân thì vật vờ kêu khóc. Người ta nói khúc sông này có huông, mỗi cuối năm hà bá lại bắt đi một người.
Mẹ tôi cấm tiệt không cho ra sông tắm nữa, mỗi chiều tôi bế em ra bờ sông, ngồi trên bờ kè thả hai chân khua xuống nước cho đở thèm. Em tôi thích chí cười khanh khách, nó chưa bao giờ được bơi lội tung tăng như tôi vì khi nó lớn lên, con sông đã bị hủy hoại mất rồi!
Năm tôi vào Đại học, rác và nước thải độc hại từ các nhà máy đã biến dòng sông tuổi thơ tôi thành một cái mương lớn đặc nghẹt hôi rình. Con đường thơ mộng dọc hai bờ sông bị nước ngập tàn phá dữ dội, những ổ voi to đùng, chạy xe như cưỡi ngựa, chúng tôi không còn cãi nhau vì ai cũng... mông tưng không thua gì nhau...
Vậy mà tôi đã giận bất kỳ người bạn nào mới tới đã chê con đường và dòng sông của tôi hôi hám.
Tôi đã tự bịt mũi mình để thương yêu nó, để thấy nó vẫn đẹp và thơ mộng như ngày xưa.
Rồi tôi cũng quen với mùi hôi của nó!
Tôi viết kịch bản cho bài tập phim của mình, tôi lang thang tìm góc để quay, ngoài những góc có sẵn trong ký ức, tôi thảng thốt nhận ra những góc mới đẹp não nùng!
Vậy mà, chưa hết đau lòng vì dãy phố cổ bị sửa lổm chổm, những cánh cửa sổ lá sách bị thay bằng cửa kính cứng đơ, những bức tường vàng bị sơn xanh đỏ lòe loẹt, tôi sửng sốt khi chiếc cầu trước trường biến mất, bỏ lại hai mố cầu trơ trọi cỏ hoang mọc đầy. Ba cây cổ thụ cũng bay theo chú Cuội chỉ trong một đêm không trăng.
Và bất chấp sự tranh luận của báo chí, dãy nhà kho hai bên sông cũng tan tành, những chiếc cầu sắt vắt ngang bụi bặm cũng bị thay bằng cầu bê tông xám xịt cứng ngắt...
Dòng sông tuổi thơ tôi ra đi như thế đó!
Phim tôi chưa kịp quay...
Tất cả chỉ còn trong ký ức mà thôi!
Nguyễn Mỹ Khanh