Dòng người chật như nêm giữa trời nắng nóng, chen chúc lấy “nước thánh”
(Dân trí) - Mặc cho thời tiết nắng nóng chói chang, hàng vạn người dân và du khách vẫn nườm nượp hướng về Phủ Na lễ chùa đầu xuân. Nhiều người chen chúc nhau rửa mặt, xin “nước thánh” với mong muốn cầu may mắn trong năm mới.
Ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, thời tiết tiếp tục nắng nóng, nhưng dòng người hướng về Phủ Na, ở xã Xuân Du, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) ngày một đông. Ngay từ khu vực phía ngoài đã xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Như Thanh và Công an xã Xuân Du phải rất vất vả để điều tiết giao thông.
Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn Động Phủ ra đời vào năm 1909, được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn. Năm 1993 đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá và thắng cảnh.
Tín ngưỡng thờ ở Phủ Na là thờ Mẫu. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây là, khi tín ngưỡng của đạo Mẫu - Liễu Hạnh du nhập về Xuân Du thì tại đây đã có tín ngưỡng thờ Tản Viên, mẹ Âu Cơ và Chúa Cửa Rừng (chúa Thượng Ngàn).
Nơi đây không chỉ linh thiêng trong tín ngưỡng mà còn có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình với hệ thống núi non và hệ thống đền, miếu quy tụ ở một vùng thung lũng tạo nên một quần thể di tích độc đáo mang tính nguyên sơ.
Na Sơn vốn là đỉnh cao nhất trong dãy núi Nưa, điều đặc biệt là từ trên đỉnh núi cao phía sau đền Thượng có một mạch nước ngầm tuôn trào xuống trong vắt, mát rượi. Du khách khi đến dâng hương và thưởng ngoạn cảnh chùa thường lấy nước về nhà và xem đây là nước lộc, “nước thánh”.
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, người dân và du khách từ khắp nơi lại hướng về đây du Xuân và đi lễ chùa đầu năm mới. Nhiều người đến đây không quên xin nước lộc để cầu may mắn trong năm mới.
Lễ hội mùa xuân ở Phủ Na bắt đầu từ ngày mùng 1 đến ngày 16/2 Âm lịch và mùng 1 đến 16/8 Âm lịch.
Sau khi thực hiện xong các nghi lễ, người dân và du khách thường ra suối nước phía sau đền Thượng rửa mặt, uống hay lấy nước về nhà.
Thậm chí nhiều người còn nhảy vào cả khu vưc mó nước để rửa và lấy nước.
Duy Tuyên