Đờn ca tài tử phô diễn lực lượng

Đờn ca tài tử có đủ điều kiện để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vì những giá trị của nó.

Đã trình lên Unesco

 

Đờn ca tài tử (ĐCTT) là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc thù của Nam Bộ, được hình thành và phát triển cách đây hơn trăm năm và đến nay vẫn có một sức sống mãnh liệt trong cộng đồng người dân Nam Bộ.

 

Thoát thai từ triều đình Huế, rồi theo các lưu dân vào phương Nam khai hoang mở đất... “Nhạc lễ” với vốn liếng lưu truyền là 20 bản tổ (3 Nam, 6 Bắc, 7 Lễ (Hạ), 4 Oán) đã gắn liền với mọi sinh hoạt mang tính cộng đồng (cúng tế, hội hè…) của người dân phương Nam. Năm 1900, Ban cổ nhạc ĐCTT đầu tiên được thành lập ở Bạc Liêu bởi ông Nhạc Khị (Lê Tài Khị, 1870-1948), và nghệ thuật ĐCTT cũng ra đời từ đó...

 

Ông Lê Văn Lộc - Phó giám đốc Trung tâm văn hóa TPHCM, cho biết: “Theo tin từ Viện Âm nhạc VN và Cục Di sản thì hồ sơ trình lên UNESCO để có cơ sở xét duyệt và vinh danh “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” cho loại hình nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, đã được phía VN thực hiện một cách đầy đủ các yêu cầu, tiêu chí và phía UNESCO cũng cho rằng hồ sơ này hoàn toàn hợp lệ. Hiện nay, tiến trình này đang đi vào giai đoạn 2: bổ sung các tư liệu, hình ảnh, băng đĩa, các hiện vật liên quan để UNESCO cử chuyên gia sang thẩm định.

 

Sau đó, cơ quan này sẽ thành lập một hội đồng gồm các chuyên gia có uy tín quốc tế về âm nhạc truyền thống của các dân tộc để lấy ý kiến các thành viên và tiến hành bỏ phiếu công nhận... Theo ý kiến của những chuyên gia từng tham gia vào quá trình lập hồ sơ như GS-TS Trần Văn Khê, nhạc sư Vĩnh Bảo thì “xác suất” ĐCTT Nam Bộ được công nhận là rất lớn vì nhiều lẽ: 1. Lịch sử và không gian văn hóa (ĐCTT đã được hình thành cách đây hơn 100 năm và phát triển trên một địa bàn rộng lớn là khắp vùng Nam Bộ); 2. Một loại hình nghệ thuật độc đáo: vừa bác học vừa dân gian; 3. Thu hút đông đảo lượng người tham gia (đờn và ca) qua nhiều thế hệ...”.
 
Đờn ca tài tử phô diễn lực lượng - 1


 

Sức sống trong lòng đô thị

 

Riêng tại TPHCM - một TP có nhịp sống sôi động, với những loại hình nghệ thuật mang hơi thở hiện đại nhưng ĐCTT vẫn hiện diện trong đời sống tinh thần của người dân bằng một sức sống mãnh liệt. Theo báo cáo của Trung tâm văn hóa TPHCM thì hiện nay trên địa bàn TP có đến 118 CLB ĐCTT hoạt động với hơn 1.000 tài tử ca, tài tử đờn. Chứng tỏ ĐCTT vẫn có đất sống và không ngừng phát triển trên địa bàn được coi là “nơi đầu tiên tiếp nhận những loại hình nghệ thuật hiện đại nhất của thế giới tại VN”.

 

Để hưởng ứng các hoạt động nhằm củng cố “chứng cứ sống” cho việc lập hồ sơ Quốc gia đề nghị UNESCO vinh danh từ cuối tháng 9 đến tháng 11.2011 - có đến 3 đợt “phô diễn lực lượng” quy mô của ĐCTT, đó là: Nhạc hội ĐCTT TPHCM năm 2011 vòng chung kết diễn ra tại Khu du lịch Văn Thánh. Liên hoan ĐCTT Nam Bộ 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau lần VIII  - năm 2011 (diễn ra từ ngày 26 – 30/9/2011 tại Sóc Trăng) và Liên hoan ĐCTT khu vực Nam Bộ (do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, tháng 11/2011).

 

Theo Hà Đình Nguyên

Thanh Niên