“Đời sống vật chất đầy đủ khiến người ta sống vô cảm!”

(Dân trí) - Những vụ bạo hành trẻ em gần đây đã khiến dư luận hết sức hoang mang và phẫn nộ. Người ta nhắc nhiều đến chuyện văn hoá ứng xử và đạo đức con người xuống cấp. Vậy những biểu hiện tiêu cực đó là do đâu và có thể khắc phục như thế nào?

TS Nguyễn Thị Hồng - Phó trưởng khoa Tuyên Truyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã dành cho Dân trí một buổi trò chuyện về vấn đề này.

Với tư cách là người giảng dạy và nghiên cứu về Văn hóa - Phát triển, bà nghĩ gì về những vụ bạo hành trẻ em gây chấn động những ngày qua?

Thực ra, những gì tôi chia sẻ sau đây không phải là cách nhìn nhận của cá nhân tôi mà là cách nhìn nhận của cả cộng đồng. Nhìn nhận chung là cộng đồng đã phản ứng một cách rất quyết liệt và dữ dội. Nói một cách khác đi là không ai có thể làm ngơ, không thể bức xúc, không thể không xót xa… trước những vụ bạo hành đó. Vì Việt Nam là một đất xưa nay rất coi trọng chữ “tình”, “một nghìn cái lý không bằng một tí cái tình”. Người Việt cũng rất quý trọng con người, xem “Người ta là hoa của đất”, “Yêu trẻ thì trẻ đến nhà, kính già thì già cho tuổi”. Yêu thương con trẻ và kính trọng người già là truyền thống có từ lâu đời, truyền trao qua bao thế hệ. Khi ra đường gặp một đứa trẻ, kể cả đó không phải là máu mủ ruột rà nhưng người ta cũng bế ẵm - nâng niu vì ai cũng hiểu trẻ em là tương lai của đất nước.

Bởi thế, cách hành xử của những người lớn trong những vụ việc gây chấn động gần đây, trong đó có cả những bảo mẫu, người giúp việc, người bảo vệ tổ dân phố và cả người thân trong gia đình khiến tôi hết sức bàng hoàng, sửng sốt. Riêng như vụ việc ở Thanh Hóa thì không chỉ riêng tôi mà cả cộng đồng đều hết sức phẫn nộ. Tôi cũng lên án những hành động nhẫn tâm đó.

Theo bà, điều gì khiến cho văn hóa ứng xử và đạo đức con người ngày càng trở nên “báo động”?

Tôi nhìn nhận những sự việc này dưới hai chiều hướng khác nhau. Thứ nhất, tôi hoàn toàn không nghĩ rằng xã hội đang cổ súy cho hành động đó và hành động bạo hành trẻ em đang không phải là hành động phổ biến. Nói cách khác, tôi nhìn nhận đây chỉ là những trường hợp cá biệt.

TS Nguyễn Thị Hồng - Phó Trưởng khoa Tuyên tuyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Tùng Long.
TS Nguyễn Thị Hồng - Phó Trưởng khoa Tuyên tuyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Tùng Long.

Tôi nghĩ là ngày xưa chắc cũng có nhưng do ngày xưa các phương tiện truyền thông đại chúng chưa phát triển như bây giờ nên sức lan truyền trong xã hội chưa mạnh như bây giờ. Đặc biệt, chưa có mạng xã hội nên tốc độ truyền tin chưa làm cho con người cảm thấy sợ.

Tôi nhìn nhận dưới gốc độ thứ hai đó là khi những sự việc đó được cộng đồng mạng chia sẻ, được dư luận quan tâm… chứng tỏ cả xã hội này lên án những hành vi đó. Và đó cũng chỉ là những hành vi mang tính cá biệt thôi.

Ngoài ra, tôi cũng đánh giá rất cao sự phản ứng của dư luận xã hội. Điều này cho chúng ta thấy xã hội này vẫn đang có một nền tảng, có một niềm tin. Cả cộng đồng lên án hành vi xấu đó chứng tỏ cộng đồng chúng ta chưa đến mức suy thoái đạo đức, xuống cấp về văn hóa ứng xử…

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Người Việt có câu: “Con sâu làm rầu nồi canh”. Có một bảo mẫu, người giúp việc, bà nội… như trong những câu chuyện vừa qua thì người ta cũng trở nên nghi ngờ đối với những câu chuyện tương tự. Và đó cũng là nguyên nhân khiến sự việc trở thành một vấn đề xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó có rất nhiều. Nguyên nhân đầu tiên có thể do những người đó thiếu ý thức trách nhiệm và văn hóa ứng xử rất thấp.

Thứ hai, cũng có thể do trình độ và sự hiểu biết hạn chế. Trường hợp nghi án bà nội sát hại cháu Thanh Hoá, rõ ràng sau khi ra tay xong đã tạo dựng hiện trường giả, chứng tỏ bà ấy không phải không thông minh. Nhưng có thể do quá mê muội - cuồng tín mà trong một lúc nào đó bà đã để cho bản năng che khuất lí trí. Rồi trường hợp giúp việc hành hạ cháu bé chưa đầy hai tháng tuổi ở Hà Nam, tôi cũng cho là sự thiếu thận trọng trong việc tìm hiểu sức khỏe tâm thần của người này. Bởi vì người tâm thần khỏe mạnh không thể nào ném, đánh, tát vào mặt một đứa trẻ non nớt như thế được. Đó là hành vi xem thường sự sống của một con người.

Ngoài ra, sự phát triển của đô thị hóa với cấp số nhân làm cho việc quản lý xã hội không được hiệu quả. Chúng ta thấy rõ việc bạo hành trẻ em ở các trường mầm non trước nay thường xảy ra rất nhiều ở các thành phố lớn, các vùng đô thị. Việc nắm bắt được ở một phường, quận, thành phố… có bao nhiêu nhà trẻ công/tư nhân và ai là người được quyền giám sát cũng như đưa ra các chế tài xử lí đang là một vấn đề rất lớn. Sự xung đột lớn nhất ở đây có lẽ là do cầu quá nhiều mà cung lại chưa đáp ứng được nên mới nảy sinh chuyện nhiều công nhân dù biết gửi con vào các nhà trẻ tư sẽ có những nguy cơ này nọ nhưng vẫn phải “nhắm mắt đưa chân”.

Một lý do khác nữa đó là bây giờ đời sống vật chất đầy đủ khiến người ta sống vô cảm. Tất nhiên đó không phải là tất cả nhưng rõ ràng có một bộ phận như thế. Có một bộ phận đánh vào mặt người khác mà như đánh vào con sâu, con kiến, cái cây… vậy.

Tóm lại, liên quan đến vấn đề này có rất nhiều yếu tố. Từ gốc độ nhận thức cá nhân, gốc độ quản lý, gốc độ vận hành của cơ chế và gốc độ của tác động kinh tế thị trường… Những nhân tố khách quan và chủ quan dẫn đến chúng ta cần phải xem xét và giải quyết.

Thực tế là hiện nay hiện tượng mê tín dị đoan vẫn tồn tại khá nhiều và gây ảnh hưởng không ít đến văn hóa ứng xử của một bộ phận người. Phải chăng công tác tuyên truyền đang thiếu và yếu không thưa bà?

Nếu soi rọi dưới góc độ xã hội như tôi đã đề cập thì đúng là công tác tuyên truyền chưa thật sự hiệu quả. Tuyên truyền ở đây là mang lời nói để thắp lửa trong tim người khác để người ta thay đổi thái độ và hành vi. Để người ta hành động đúng với chuẩn mực xã hội, chuẩn mực của văn hoá. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, khi chúng ta tuyên truyền không phải 100 người thì cả 100 người đều nhận thức được. Câu chuyện như nghi án bà nội sát hại cháu vừa qua là một thực tiễn mang tính khách quan mà chúng ta phải chấp nhận.

Tuy nhiên, cũng vì thế mà chúng ta cần chú trọng hơn đến việc tuyên truyền cho những người ở vùng sâu vùng xa, nhất là đối tượng lớn tuổi và phụ nữ. Và phải có phương pháp tuyên truyền thích hợp, tương thích để đạt hiệu quả.

Riêng về vấn đề tín ngưỡng tâm linh với mê tín dị đoan là một vấn đề lớn, một vấn đề mang tính khoa học. Việt Nam chúng ta đã từng có pháp lệnh về văn hóa tín ngưỡng. Chúng ta cũng có Luật Văn hóa tín ngưỡng đã được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 8/11/2016 và sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/11/2018. Nhưng việc để văn bản luật và những văn bản dưới luật đến được với người dân, giúp cho họ nhận thức được đúng vấn đề đâu là tín ngưỡng, đâu là tôn giáo, đâu là mê tín dị đoan là điều rất khó. Là vì tín ngưỡng xuất phát từ trong lòng cuộc sống của nhân dân. Nó tự sinh, tự tồn, tự tiêu, tự sản… không có một quy định, không có một giáo lý, không có một tổ chức nào hướng dẫn cho con người thực hành các nghi lễ trong tín ngưỡng đó như thế nào.

Tín ngưỡng ở đây chính là niềm tin đã được linh thiêng hoá. Nhưng niềm tin đã được linh thiêng hóa đó mà đặt không đúng chỗ sẽ ngay lập tức nhảy sang mê tín dị đoan, cuồng tín. Ranh giới giữa tín ngưỡng với cuồng tín, mê tín dị đoan là rất mong manh.

Tín ngưỡng hướng con người tới những điều tốt đẹp, tới chân - thiện - mỹ… nhưng nếu mê muội sẽ dẫn đến những hành động lệch với chuẩn mực xã hội.

Bà có nghĩ rằng chúng ta đang thiếu những tác phẩm văn học nghệ thuật tác động sâu sắc hơn đến nhận thức của người dân về vấn văn hóa ứng xử, đạo đức, đạo lý làm người…?

Tôi đồng ý là chúng ta đang thiếu những tác phẩm văn học nghệ thuật như thế. Những loại hình nghệ thuật như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn và các chương trình mang tính giải trí… hình như đang hơi bị lệch. Đây cũng là vấn đề tôi trăn trở bấy lâu.

Bây giờ truyền hình đưa quá nhiều các chương trình truyền hình thực tế, các liveshow, các cuộc thi người đẹp… tới mức có người phải “gào” lên rằng “loạn chuẩn người đẹp”, “loạn chuẩn cuộc thi”… Bây giờ người dân còn không thể phân biệt nổi ai là hoa hậu lĩnh vực này, ai là người đẹp lĩnh vực kia.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải tăng cường nhiều hơn các chuyên đề mang tính chuyên sâu để tuyên truyền pháp luật cho người dân. Tất nhiên đừng tuyên truyền theo kiểu báo cáo viên đọc mà nghệ thuật hoá nó đi để người ta dễ thấm hơn.

Riêng về văn học thì tôi nghĩ rằng, văn học đã làm tốt vai trò xã hội của mình. Nhưng ở thời điểm này, văn học đang bị đẩy lùi xuống một vị trí không còn là cái quan trọng nhất nữa bởi văn hóa nghe nhìn xâm lấn vào đời sống quá rộng. Nên nếu bây giờ viết một tác phẩm văn học để tuyên truyền chính sách pháp luật sẽ không khiến người ta thích bằng xem một chương trình truyền hình, một chương trình nghệ thuật hoặc một tiểu phẩm phát thanh. Cho nên, hình thức tuyên truyền bây giờ là phải lồng ghép. Lồng ghép bằng các hình thức văn hóa nghệ thuật. Tôi nghĩ đó là hình thức tuyên truyền tốt nhất.

Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin!

Hà Tùng Long