Đời sống nhạc Việt sôi động bề mặt nhưng thực ra đã mất chuẩn?

(Dân trí) - Đó là những chia sẻ rất thẳng thắn và đầy tâm huyết của nhạc sĩ Đỗ Bảo trong bản tham luận tại hội thảo “Hội Nhạc sĩ Việt Nam - 60 năm đồng hành cùng dân tộc” diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Âm nhạc đang nghèo nàn, sơ sài?

Nhiều ý kiến bày tỏ tại hội thảo Hội Nhạc sĩ Việt Nam - 60 năm đồng hành cùng dân tộc” đều xoay quanh câu chuyện về công chúng đích thực của nền âm nhạc Việt Nam hiện nay và sự lấn lướt của nhạc thị trường đang đánh bật âm nhạc đích thực khỏi vị trí vốn có.

Một số nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc thẳng thắn thừa nhận âm nhạc thực sự có giá trị phải là âm nhạc để nghe, không cần xem. Nhưng đáng tiếc hiện nay, thứ âm nhạc này ngày càng ít đi, mất dần, để nhường chỗ cho một thứ âm nhạc khác mà nếu chỉ nghe thì vô cùng sơ sài, nghèo nàn nếu không nói chỉ là mớ âm thanh nhộn nhạo, hỗn độn, rất khó rung động trái tim. Đó thực sự là thứ âm nhạc giải trí, phục vụ sinh hoạt cho người ta vừa xem vừa làm cùng lúc nhiều việc khác mà chẳng phương hại gì đến quá trình tiếp thu tác phẩm.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San cho rằng: “Công chúng không bao giờ có lỗi trong việc thưởng thức văn nghệ. Họ đã hấp thụ tác phẩm một cách tự nhiên. Ngay cả một bộ phận công chúng có “gu” thẩm mỹ còn thấp kém thì lỗi cũng không hoàn toàn ở họ mà ở người sản sinh ra tác phẩm, người truyền bá và bình luận, giới thiệu tác phẩm. Trong công chúng, lại có không ít người nghe âm nhạc không bằng lỗ tai mình mà bằng lỗ tai của người khác”.

Bản thân nhạc sĩ Doãn Nho cũng cho rằng: “Trong công chúng, nhiều người cũng không thỏa mãn với loại ca khúc chỉ thuần túy giải trí. Họ vẫn có nhu cầu được thỏa mãn về thẩm mỹ, về sự nâng cao tư tưởng, tâm hồn… song cũng có bộ phận không còn trẻ lại càng cần giải trí. Chỉ có điều là họ tìm đến cái gì mà thôi. Dù thế nào chăng nữa, vẫn phải là nghệ thuật với những chuẩn mực thẩm mỹ nhất định, chứ không thể dễ dãi, tùy tiện, chưa phải là nghệ thuật đích thực”.

Thừa mứa những sáng tác nhạt nhẽo, thiếu bản sắc

Cách đây không lâu, trong hội thảo “Bản sắc dân tộc trong sáng tạo âm nhạc” của Hội Âm nhạc TPHCM cũng đã từng bàn luận rất nhiều về vấn đề âm nhạc đang “biến chất” bởi sự bắt chước, học đòi, theo trào lưu... Theo đó, thị trường âm nhạc đang thừa mứa những sáng tác có ca từ nhạt nhẽo, nội dung vô bổ, tây ta lẫn lộn... mà thiếu đi những sáng tác đậm bản sắc nhạc Việt.

Nhiều chuyên gia nhận định, phần lớn các ca khúc trên thị trường âm nhạc hiện nay đều theo âm điệu phương Tây, Hàn, Nhật, Hoa... Trong khi đó, những bài hát mang âm điệu Việt ngày càng ít có cơ hội được xuất hiện trên truyền hình, truyền thông.

Chung quan điểm, ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh cũng bày tỏ rằng, với tư cách là người biểu diễn âm nhạc, chị cảm thấy buồn vì ngày nay có nhiều người không tạo ra một sản phẩm âm nhạc đúng nghĩa mà chỉ tạo ra tác phẩm để kiếm tiền hoặc để tìm kiếm sự nổi tiếng. Nữ ca sĩ gọi đó là “kiểu món ăn đường phố” đang chiếm sóng thị trường âm nhạc.

Tại hội thảo của Hội Âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Bảo nhận định rằng, một bộ phận người trẻ ngày nay trở nên hướng ngoại và tôn sùng vô điều kiện lối sống ngoại nhập, đến các trào lưu âm nhạc đặc biệt từ Mỹ -Hàn (một thời gian là Trung Quốc, Thái Lan… ). Và việc các cơ quan quản lý văn hóa, các nghệ sĩ bàng quan để mặc cho hiện tượng này bao trùm đến mức làm lu mờ hầu hết tất cả những địa hạt quan trọng khác của nền âm nhạc… thì có thể nói rằng đời sống ca nhạc hiện nay thật nghèo nàn và hoàn toàn bị thiên lệch đến mức đáng buồn chán.

“Chúng ta hài lòng vì một đời sống âm nhạc có vẻ sôi động ở bề mặt nhưng thật khó hài lòng nếu nó thực ra đã mất chuẩn, không mang những khuôn khổ của đủ đầy nhận thức văn minh”.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo phân tích, có nhiều người quan niệm chỉ cần nghe nhạc nào thấy vui thích là được bất chấp loại nhạc đó đến từ đâu và đến bằng cách nào. Có nghĩa là đời sống ca nhạc vốn không có gì bất cập từ góc độ người nghe. Tuy nhiên, sự hỗn tạp của đời sống âm nhạc lại luôn diễn ra mỗi ngày trong cộng đồng thực am hiểu về đời sống âm nhạc ấy. Đặc biệt, từ góc nhìn của mỗi ca nhạc sĩ, mỗi người nghe nhạc có tri thức… đều phải thừa nhận có những sản phẩm âm nhạc ngày nay mang tính công nghiệp, thực dụng cho giải trí nhiều hơn.

“Chúng đến bởi cung cầu dồi dào nơi một môi trường tiêu thụ mạnh hơn với lẫn lộn các loại tác phẩm có chất lượng khác nhau và hướng đến những mục tiêu hay nhóm khán giả khác nhau. Điều này đặt ra một vài vấn đề mà các cơ quan tổ chức, quản lý văn hóa, hội nghề nghiệp, cộng đồng âm nhạc cần quan tâm, làm sao để đảm bảo việc phát triển hài hòa”, nhạc sĩ Đỗ Bảo cho hay.

PGS TS Nguyễn Thị Tố Mai - Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương lại cho rằng, vấn đề thưởng thức âm nhạc hiện nay của học sinh phổ thông có khá nhiều điều cần bàn. Nhiều bạn chỉ quan tâm đến âm nhạc “ngoại” hơn “nội”.

Theo PGS Tố Mai, có thể xem đó là xu thế toàn cầu hóa, xu thế thời thượng, khó tránh khỏi. Và điều đó không hẳn là dở mà cũng có những mặt tích cực nhất định. Tuy nhiên, quan tâm nhạc ngoại đến nỗi thần tượng các “sao” một cách cuồng dại, khóc lóc thảm thiết hơn cả cha mẹ chết khi không được giáp mặt “thần tượng”, bỏ cả ăn học để đi đón “thần tượng”, xin bố mẹ rất nhiều tiền để đi xem “thần tượng”… trở thành trào lưu thì quả là điều mà người lớn và các nhà giáo dục âm nhạc phải xem xét, suy ngẫm và có biện pháp uốn nắn.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm