Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ngày càng "teo tóp"

Hương Hồ

(Dân trí) - Đó là lời phát biểu của PGS.TS. Đào Duy Quát, Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban tư tưởng - Văn hóa TW tại chương trình Tọa đàm khoa học "Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay".

Sáng 26/5, tại Hà Nội, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (LLPBVHNTTW) tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề "Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay: Thực trạng, định hướng, giải pháp phát triển".

Nhà báo Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS., nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; PGS.TS., nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng LLPBVHNTTW, chủ trì tọa đàm.

Với tinh thần nhìn thẳng, nhìn rõ sự thật, tọa đàm đã được lắng nghe nhiều ý kiến thẳng thắn, khách quan của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; các nhà lãnh đạo, quản lý về thực trạng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước ta hiện nay.

Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ngày càng teo tóp - 1

PGS.TS., nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc (Ảnh: T.P).

Phát biểu tham luận tại tọa đàm, PGS.TS. Đào Duy Quát, Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban tư tưởng - Văn hóa TW đánh giá, đội ngũ làm công tác phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay có rất nhiều bất cập.

"Cụ thể, lực lượng phân bố không đồng đều giữa các loại hình nghệ thuật. Ngoài lĩnh vực văn học còn tập trung được một lực lượng tương đối đồng đều thì các lĩnh vực khác như: sân khấu, điện ảnh, múa… chỉ còn 1-2 người viết.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt đội ngũ kế cận rất đáng báo động. Trong khi các cây bút lớn tuổi gần như không còn viết phê bình (lui về nghiên cứu) thì các cây bút trẻ không đủ lực lượng, bản lĩnh để lấp đầy khoảng trống do thế hệ trước để lại", PGS.TS. Đào Duy Quát nói.

Theo ông, ngoài văn học còn nổi lên một số tác phẩm phê bình trẻ thì hầu như các loại hình nghệ thuật khác đều vắng bóng, hay có cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông nói thực trạng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay là "ngày càng teo tóp".

Đồng quan điểm, PGS.TS. Phan Trọng Thưởng, Nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng LLPBVHNTTW cho rằng, đội ngũ phê bình thực thụ của chúng ta trong hai - ba mươi năm gần đây đang thưa vắng dần, mai một dần.

Ông cho hay, nhìn vào đội ngũ lý luận, phê bình hiện nay dễ nhận ra sự hòa trộn của 3 loại "nhà" này: nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà lý luận. Điều đó dẫn đến những "ngộ nhận", những nhận nhầm và phong nhầm "nhà" nọ thành "nhà" kia.

Đó cũng là nguyên nhân khiến đội ngũ lý luận, phê bình của ta trở nên hỗn độn, hầm bà làng, ít mà tưởng nhiều, thiếu mà tưởng là hùng hậu,... Đã có lúc cả nền văn học "đốt đuốc đi tìm nhà phê bình"! Nhưng cũng có lúc tưởng như nhà nhà, người người đều là nhà phê bình!

"Theo thiển nghĩ của tôi, ở lĩnh vực văn học vốn được xem là đội ngũ đông đảo hơn cả cũng chỉ có thể lác đác kể tên vài người như: Đỗ Lai Thúy, Khuất Bình Nguyên, Lê Hồng Quang… Trong khi nhà nghiên cứu, nhà lý luận ở ta hiện nay có thể kể vô số. Bởi vì những người đó có thể đào tạo theo kiểu trường quy được. Còn nhà phê bình thì khó hơn nhiều.

Với quan điểm, cách nghĩ, cách nhìn trên, tôi thấy thực trạng đội phê bình của ta hiện nay quá èo uột, không tương xứng với đội ngũ sáng tác, không đáp ứng được yêu cầu của công chúng thưởng thức nghệ thuật. Căn bệnh này đã trở thành "trầm kha" trong đời sống văn học, nghệ thuật nước ta", PGS.TS. Phan Trọng Thưởng chia sẻ.

Theo ông Thưởng, không chỉ ít, thiếu về số lượng (đội ngũ), chất lượng, phẩm cấp chuyên môn của hoạt động phê bình còn thiếu hơn. Phê bình theo kiểu ngoa ngôn, đao búa,... có vẻ giảm dần nhưng vẫn còn tồn tại những định kiến dai dẳng.

"Nhiều năm trước đây, ngoài lĩnh vực văn học, mỗi bộ môn nghệ thuật đều đã từng có một đội ngũ phê bình của mình. Sân khấu có Nguyễn Ánh, Lưu Quang Vũ, Hồ Thi, Tất Thắng, Đức Côn, Nguyễn Thị Minh Thái, Phan Trọng Thưởng… Mỹ thuật có Nguyễn Quân, Thái Bá Vân, Phan Cẩm Thượng… Điện ảnh có Trần Luân Kim, Ngô Phương Lan, Nguyễn Thị Nam… Nhiếp ảnh có Vũ Huyến, Vũ Đức Tân…

Ngoài ra, còn có nhiều nhà báo chuyên nghiệp tham gia làm phê bình tay ngang. Thế mà bây giờ, đúng là đốt đuốc tìm không ra. Nhân tài vẫn mai danh ẩn tích?", PGS.TS. Phan Trọng Thưởng nói.

Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ngày càng teo tóp - 2

PGS.TS Đào Duy Quát đánh giá về thực trạng đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật hiện nay (Ảnh: T.P).

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh, lý luận, phê bình là một thành tố quan trọng trong đời sống văn học, nghệ thuật; có chức năng thẩm định, đánh giá tác phẩm tác giả, phát hiện các giá trị, các quy luật, dự báo, phát hiện cái mới; tham gia điều chỉnh, định hướng cho sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật. Lý luận, phê bình và sáng tạo văn học, nghệ thuật bao giờ cũng đồng hành, tác động tương hỗ lẫn nhau để làm nên tiến trình văn học nghệ thuật, của một dân tộc.

Đánh giá về thực trạng đội ngũ lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện nay, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam cũng thẳng thắn cho biết, lực lượng những người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật "vừa thiếu, vừa yếu, vừa bị hụt hẫng" thế hệ kế cận.

"Lý luận, phê bình chưa đồng hành cùng sáng tác, chưa làm rõ chức năng hướng dẫn định hướng cho công chúng trong việc thưởng thức nghệ thuật.

Công tác phê bình thiếu những nhà lý luận, phê bình nghệ thuật chuyên nghiệp, thiếu những bài viết kịp thời và sắc sảo trước những hiện tượng bức xúc mà xã hội và giới chuyên môn quan tâm. Công tác phê bình văn học, nghệ thuật đang đứng trước những lúng túng, khó khăn nhiều mặt. Đội ngũ các nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp thiếu và chưa đủ mạnh. Chưa sẵn sàng nhập cuộc, chưa đưa được những thước đo chuẩn mực, khách quan, khoa học, vô tư để đánh giá khen chê…", nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh nói.

Theo ông đánh giá, hoạt động lý luận, phê bình nhìn chung còn thụ động, thiếu tính chiến đấu, tính định hướng. Công tác lãnh đạo, quản lý trong văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế, bất cập.

Nói về đội ngũ lý luận, phê bình trong lĩnh vực âm nhạc, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam cho hay, Hội nhạc sĩ Việt Nam hàng năm cũng kết nạp thêm vài nhà lý luận và con số hiện nay là 112 hội viên chuyên ngành lý luận trong tổng số gần 1.500 hội viên.

"Trong các bản báo cáo tổng kết nhiệm kỳ nào, ngành lý luận cũng vẫn kiên trì trụ ở điểm yếu nhất trong cái thế kiềng ba chân: sáng tác - biểu diễn - lý luận", ông thẳng thắn thừa nhận .

PGS.TS., nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam cũng cho biết, qua hơn 60 năm phát triển, nay Hội nhạc sĩ Việt Nam đã có hơn 1.300 hội viên ở 4 chuyên ngành: Sáng tác, Lý luận, Biểu diễn và Đào tạo. Tuy nhiên, số đông hội viên vẫn là các nhạc sĩ và biểu diễn. Lực lượng lý luận và đào tạo ít hơn. Riêng hội viên lý luận khoảng hơn 100 người.

Ông bày tỏ: "Trở lại với lịch sử hình thành ngành Lý luận - Phê bình âm nhạc nước ta mới thấy một điều là lý luận, phê bình âm nhạc là một nghề hiếm, và khó, vì vậy rất ít người chọn và sống chết với nghề này".

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, ở nước ta, cán bộ lý luận âm nhạc được đào tạo chính quy tại các nhạc viện như: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TPHCM, Học viện Âm nhạc Huế… và các trường Đại học nghệ thuật khác. Một số được cử đi học tại các nhạc viện các nước như Liên Xô (cũ), Bungari, Pháp… Những kiến thức trong nhà trường là kiến thức cơ bản, được trang bị cho học viên như: Lịch sử Âm nhạc, phân tích tác phẩm, hòa thanh, phức điệu, hình thức âm nhạc…

Với những kiến thức đó, những nhà lý luận tương lai thường sử dụng để đi sâu vào các vấn đề thuộc lĩnh vực nghiên cứu như: Phân tích sự nghiệp sáng tác của các nhạc sĩ, phân tích các trường phái, các khuynh hướng sáng tác âm nhạc trong và ngoài nước, phân tích đặc điểm âm nhạc của một vùng, một dân tộc, phong cách biểu diễn của từng nghệ sĩ…

Đó là những kiến thức âm nhạc chuyên nghiệp, cần thiết trang bị cho một nhà lý luận, nhưng từng ấy kiến thức chưa đủ để họ bước vào đời sống âm nhạc với tư cách là một người làm công tác phê bình.

"Chính điều này lý giải cho việc thiếu vắng những cây bút lý luận chuyên nghiệp trên mặt trận phê bình âm nhạc, mà thể hiện rõ ràng là hiếm khi các nhà phê bình chuyên nghiệp góp mặt trên các trang bình luận của báo viết, báo nói hoặc báo hình, báo mạng.

Việc ngại "dấn thân" vào đời sống âm nhạc của các nhà lý luận tạo thành một khoảng trống, tồn tại nhiều năm nay. Chính vì vậy mà mảnh đất phê bình âm nhạc đã được các nhà phê bình không chuyên là các nhà báo, những người có quan tâm đến đời sống âm nhạc "gánh vác" hộ", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ thêm.

Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ngày càng teo tóp - 3

Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: T.P).

Đối với điện ảnh, trong hai thập kỷ nay, ngành điện ảnh Việt Nam được đánh giá là có những bước phát triển rõ rệt. Xã hội hóa hoạt động điện ảnh hiệu quả, số lượng phim được sản xuất từ nguồn vốn tư nhân chiếm tỷ lệ áp đảo. Thị trường tăng trưởng nhanh (thậm chí tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20% là tăng lượng phim ra rạp nhiều gấp vài lần so với đầu những năm 2000, đại đa số là phim tư nhân đầu tư, sản xuất, trong đó một số phim lập kỷ lục doanh thu, ngang ngửa so với các "bom tấn" của Hollywood.

Nói về thực trạng của lý luận, phê bình điện ảnh, TS. Ngô Phương Lan, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng LLPBVHNTTW thừa nhận, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật lâu nay vẫn bị xem là yếu, trong đó có lý luận, phê bình điện ảnh. Đặc biệt là trong gần hai chục năm trở lại đây, dường như thị trường điện ảnh càng lên thì lý luận, phê bình càng đi xuống! Hai chục năm trước, mỗi bộ phim ra đời là những bài phê bình đăng trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí điện ảnh (sau là Nghệ thuật Điện ảnh và giờ là Thế giới Điện ảnh), Màn ảnh Sân khấu, Điện ảnh TPHCM, Điện ảnh Kịch trường và các tờ báo như Văn nghệ, Văn hóa… Điều đáng nói là giới làm nghề và không ít người yêu điện ảnh thường chờ đợi, quan tâm đến bài viết, nhiều bộ phim có ý kiến trao đổi đi đổi lại rôm rả.

Theo đó, người viết phê bình cảm thấy được chia sẻ nên hào hứng làm nghề, còn người làm phim thì có thể vui hoặc buồn, hoặc vừa hoặc chưa vừa lòng nhưng cũng thấy được sự quan tâm của giới nghề nghiệp và sẽ tiếp tục hòa theo dòng chảy nghề nghiệp.

"Kể từ khi bước vào "cơ chế thị trường", điện ảnh không thể "ung dung" như thời bao cấp. Cơn sóng "phim thị trường" kéo theo xu hướng thương mại hóa điện ảnh, và phê bình điện ảnh cũng không thể giữ được nhịp độ trước đây.

Nhìn một cách thẳng thắn thì những năm gần đây, hoạt động lý luận, phê bình điện ảnh càng thêm trầm lắng, thậm chí có thể nói là vắng bóng. Mỗi năm có đến bốn chục bộ phim truyện điện ảnh ra đời, mỗi lần phim ra rạp - nhất là phim "thương mại" - là một lần tưng bừng từ rạp chiếu phim đến mặt báo. Sự tưng bừng ấy, không liên quan đến chất lượng phim mà chủ yếu phụ thuộc vào kinh phí nhiều hay ít của nhà sản xuất - phát hành phim, vào sự "ra tay" mạnh hay yếu của đội ngũ "PR".

Phải thẳng thắn nhìn nhận là đội ngũ của lý luận, phê bình điện ảnh rất thiếu", TS. Ngô Phương Lan nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm