Độc quyền ca sĩ : Xưa rồi!

Khi mô hình độc quyền ca sĩ nửa mùa của thị trường ca nhạc Việt đã lỗi thời, ca sĩ chọn cách hợp tác với các ê kíp để phát triển sự nghiệp theo phương thức “đôi bên cùng có lợi”

Vụ việc thành viên Tronie của nhóm 365 tách nhóm để lại những rắc rối về pháp lý giữa anh với Công ty VAA. Một lần nữa dư luận lại xới lên câu chuyện độc quyền ca sĩ. Thực ra, ở Việt Nam cho đến giờ này, việc độc quyền ca sĩ của các công ty kinh doanh giải trí chỉ là bản hợp đồng với những điều khoản đưa ra đủ để ràng buộc nhau trong một thời gian chứ chưa có công ty nào thật sự áp dụng đúng mô hình chuyên nghiệp như ở các nước tiên tiến.

Mang tiếng "ca sĩ độc quyền"

Bản hợp đồng với mức lương cứng 3 triệu đồng Tronie đưa lên trang mạng cá nhân như một giải thích đầy đủ cho sự ra đi của anh sau 3 năm gắn bó với Công ty VAA cũng như nhóm 365. Công ty VAA khẳng định: “Mỗi tháng, mỗi thành viên trong nhóm 365 được nhận mức lương cao hơn 3 hoặc 4 lần mức lương được ghi trong hợp đồng, tùy thuộc vào lượng sô diễn cũng như các hợp đồng quảng cáo mà nhóm có được”. Và dù như lời chia sẻ của thành viên 365 Issac, mức lương không phải là vấn đề quá quan trọng với các thành viên bởi khi đặt bút ký với Công ty VAA, mọi thành viên đều nắm rõ những điều khoản ghi trong hợp đồng.

Như vậy, giữa Công ty VAA và các thành viên có "sự thỏa thuận chứ hoàn toàn không có sự bắt buộc”. Lùm xùm giữa VAA với Tronie là điều không đáng có. Dẫu vậy, ở một khía cạnh khác, giải pháp ra đi của Tronie cũng không hẳn sai bởi khoan tính đến mức lương 3 triệu đồng thì bản hợp đồng kéo dài 10 năm ít nhiều là nỗi ám ảnh, dù theo nhiều nhận định, Tronie là thành viên hát yếu nhất nhóm. Khi thời hiệu bản hợp đồng kết thúc, Tronie cũng sẽ hết cơ hội phát triển bản thân dù anh có sở trường vũ đạo và trước đây là người biên đạo cho nhóm. Không khó hiểu khi Tronie nhất quyết tách nhóm vì với khả năng biên đạo của mình, Tronie có thể tham gia dựng bài múa cho các chương trình với mức thu nhập khá hơn mức lương được nhận.

Không hiệu quả

Thực tế chứng minh một thành viên tách nhóm hay một ca sĩ độc quyền quyết ra đi trước khi hợp đồng chấm dứt là chuyện bình thường. Và thời nay, sau bao biến cố với bao câu chuyện đắt giá, cơ chế độc quyền ca sĩ ở showbiz Việt đã hết thời. Khi ca sĩ Trịnh Thăng Bình quyết định đầu quân về Công ty Wepro, nhiều người thắc mắc: “Không biết anh ta về đấy để làm gì?”. Thời gian trôi qua cho thấy quyết định của Trịnh Thăng Bình là một sai lầm, bởi suốt 2 năm, anh không có sản phẩm nào đáng kể để quảng bá giọng hát của mình một cách có hiệu quả. Sau 2 năm, Trịnh Thăng Bình lại trở về con đường trước kia của chính anh là tự thân vận động.

Độc quyền ca sĩ : Xưa rồi!

Ca sĩ Văn Mai Hương đã hợp tác hiệu quả với các nhà sản xuất âm nhạc tên tuổi: Nhạc sĩ Huy Tuấn (trái), nhạc sĩ Đức Trí (phải)

Cùng ở trong trường hợp này là giọng ca Đinh Ứng Phi Trường. Sau vài phen lao đao nhảy hết từ công ty này đến công ty khác với vị trí ca sĩ độc quyền, Phi Trường bỏ hẳn ước mơ của mình để cam phận đi hát kiếm tiền ở tận Singapore. Thực tế, nhiều ca sĩ độc quyền cho một công ty rồi tách ra làm riêng là không hiếm, như Phương Vy, Lê Hiếu, Quốc Thiên, Phạm Anh Khoa từng gắn với Công ty Music face; Lê Minh, Thanh Duy với Công ty 3 con mèo của ca sĩ Phương Uyên… Sự ra đi của những ca sĩ này được giải thích là vì không có hiệu quả như mong muốn.

Thực tế, ít có chuyện lừa đảo trong những trường hợp độc quyền này. Có chăng, các công ty độc quyền ca sĩ không còn biết phải làm gì dù cũng nhận ra được vài điểm nổi bật có triển vọng của ca sĩ mà họ mang tiếng "độc quyền". Thế nhưng, trong thị trường nhạc Việt hiện nay, việc đẩy một giọng ca bậc trung lên thành ngôi sao là việc không đơn giản như trước đây.
Thậm chí, một công ty gặt hái nhiều thành công đối với một ca sĩ độc quyền lại không thể thành công khi ký độc quyền với ca sĩ thứ hai, dù đó là một giọng ca triển vọng. Chưa có ca sĩ nào làm ca sĩ độc quyền của một công ty nào đó mà trở thành ngôi sao, ngoại trừ Đan Trường. Một phần, các ca sĩ nhảy vào các công ty không phải là những giọng ca xuất sắc, mặt khác, khán giả không dễ dãi trong thưởng thức ca nhạc như trước đây, trong khi đầu tư cho một ca sĩ chưa có tên tuổi là cực kỳ tốn kém. Phía ca sĩ cũng nhận thấy sự nghiệp của mình không phát triển được sau thời gian trở thành ca sĩ độc quyền nên nghĩ đến việc đi tìm cách thức mới triển vọng hơn.

Hợp tác: Hiệu quả, an toàn

Khi mô hình độc quyền ca sĩ nửa mùa của thị trường ca nhạc Việt đã lỗi thời, ca sĩ chọn cách hợp tác với các ê-kíp để phát triển sự nghiệp theo phương thức “đôi bên cùng có lợi”. Thực tế, mỗi ca sĩ đều thành lập một công ty riêng để sản xuất những sản phẩm âm nhạc cho mình. Các công ty này chỉ tồn tại về danh nghĩa và không thường xuyên hoạt động chỉ đến khi chủ nhân chuẩn bị đầu tư sản phẩm mới. Trong khi đó, các ê-kíp từ người làm nhạc trong vai trò nhà sản xuất, quay MV (music video) đến chụp ảnh hay truyền thông, tất cả đều được thuê thời vụ. Cái lợi của việc hợp tác này là mọi ý tưởng sẽ được làm theo ý muốn của chính ca sĩ.

Tất nhiên, ý tưởng phải có sự thỏa hiệp trên tinh thần đạt được hiệu quả tốt nhất, theo chuyên môn của từng ê-kíp. Giữa các ê-kíp cũng có sự bắt tay nhau nhằm tạo nên vòng tròn khép kín theo quan điểm “hiểu nhau sẽ dễ làm việc hơn”. Sự nối kết giữa nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ Dương Khắc Linh và Công ty iFocus cho thấy một số MV của nhiều ca sĩ thường xuyên hợp tác với Dương Khắc Linh như Hồ Ngọc Hà, Vy Oanh… luôn nổi bật. Tiêu biểu và có hiệu quả rõ nhất về mô hình hợp tác này là ca sĩ trẻ Văn Mai Hương và ê-kíp của cô, nhạc sĩ Hà Quang Minh - Huy Tuấn, nhà sản xuất, quản lý, hình ảnh đến truyền thông, mỗi bộ phận là một công ty riêng với những công việc chuyên trách riêng.

Tất nhiên, với trường hợp hợp tác cùng các ê-kíp, ca sĩ thường là những ngôi sao hạng A hoặc ít nhất là một giọng ca có khả năng về tài chính. Phương pháp hợp tác với từng ê-kíp là cách để ca sĩ làm mới mình qua nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Thu Minh là điển hình gặt hái thành công khi hợp tác với các ê-kíp chuyên nghiệp. Nếu việc hợp tác với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh qua sản phẩm Chuông gió đặt nền tảng cho dấu ấn vượt trội của chị trong phong cách dance sôi động thì sau đó, qua hợp tác với ê-kíp Nguyễn Hải Phong, Thu Minh khẳng định vị trí ngôi sao trên thị trường nhạc Việt. Ca sĩ Vy Oanh được công chúng chú ý nhiều hơn từ khi hợp tác với nhà sản xuất Dương Khắc Linh và đạo diễn Bone Hồ của iFocus để sản xuất MV Đồng xanh. Đây được xem là MV đắt nhất showbiz Việt với kinh phí lên cả tỉ đồng.

Góp gạo thổi cơm chung

Không phải ca sĩ nào cũng có khả năng kinh tế để tự đầu tư sản xuất các sản phẩm âm nhạc. Nhiều ca sĩ khá chật vật trong việc đầu tư vốn thực hiện các sản phẩm âm nhạc cho riêng họ nhưng về làm ca sĩ độc quyền cho một công ty là việc không thể thực hiện. Các công ty hiện cũng không còn tha thiết kinh doanh ca sĩ vì khó có thể thu hồi vốn đầu tư. Vì vậy, cách hợp tác thường thấy hiện nay là cùng đầu tư kinh phí và chia đôi lợi nhuận. Tuấn Khanh (quản lý ca sĩ Noo Phước Thịnh) chia sẻ: “Đây là phương thức làm việc của tất cả ca sĩ hiện nay vì đơn giản không phạm đến quyền lợi cũng như ảnh hưởng đến tình nghĩa đôi bên. Thời buổi này ít người có đủ tài lực và cũng không đủ can đảm để đầu tư toàn bộ cho một ca sĩ. Hơn hết, ca sĩ cũng muốn tự lập theo cách nghĩ, cách làm của mình thay vì giao phó sự nghiệp cho người khác”.

 
 
Theo Thùy Trang
Báo Người lao động