Đọc “Quốc học Huế xưa & nay”

(Dân trí) - “Quốc học Huế xưa & nay” do Trần Phương Trà (chủ biên) cùng Nguyễn Khắc Mai - Nguyễn Xuân Hoa - Phạm Khắc Lãm - Tần Hoài Dạ Vũ - Trần Hữu Lục biên soạn, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin (tháng 7/2013), dày cả thảy 1612 trang.

Đây là một tập tư liệu đồ sộ, rất đầy đủ và rất quý giá, kể từ trước cho đến nay. Nội dung bộ sách này đã được Chủ biên Trần Phương Trà nói rõ ràng và đầy đủ trong “Lời nói đầu” (trang 23-25). Ở đây, chúng tôi chỉ xin nói về những tự tình của chúng tôi khi đọc tập sách. Đây không phải là tập sách để được đọc một lần. Càng không phải là để chỉ đọc một số Thầy, Bạn và người thân quen của mình. Bộ sách này phải được đọc nhiều lần và đọc tất cả, mới thấy hết CÁI TÌNH LỚN VÀ QUÝ GIÁ của nó. 

“Quốc học Huế xưa & nay” đặc biệt làm tôi vô cùng xúc động khi nhớ tới những kỷ niệm, chương trình học, các vị Thầy kính trọng và đầy thương yêu, các người Bạn đầy ân tình trong suốt thời gian tôi học ở Trường Quốc học - ngôi trường của tuổi thơ, tuổi vào đời của chúng tôi. Tôi cũng được biết và thấy lại các vị tiền bối học ở đó khi tôi chưa ra đời. Từ vị Chưởng giáo đầu tiên của Trường cho đến các vị hiệu trưởng thời tôi còn học ở đó (Thầy Huỳnh Hòa, Thầy Nguyễn Văn Hai, Thầy Nguyễn Đình Hàm), các vị hiệu trưởng học cùng lớp (như Thầy Nguyễn Văn Lâu), các vị đương kim hiệu trưởng (như Thầy Nguyễn Phước Bửu Tuấn) [xem phụ bản tập I] đều có đầy đủ trong tập này.

Đọc “Quốc học Huế xưa & nay”
Thầy Ngô Đình Khả (1857-1923), phụ chánh đại thần triều Thành Thái (1898-1907). Năm 1896 làm chưởng giáo (hiệu trưởng) Pháp tự quốc gia học đường tức trường Quốc học Huế đến năm 1902.
 
Thầy Nguyễn Phước Bửu Tuấn, Hiệu trưởng trường Quốc học Huế từ tháng 10/2009.
Thầy Nguyễn Phước Bửu Tuấn, Hiệu trưởng trường Quốc học Huế từ tháng 10/2009.

Đọc tập này, tôi được biết những điều rất thú vị như: “bằng Thành chung được xem ngang hàng với cử nhân cựu học” (trang 550), một điều tôi cho là rất bất công cho tổ quốc ta, ở cái thời thế bị thực dân Pháp cai trị; như tôi thấy được danh sách lớp học khóa 1931-1935 (trang 682), trong đó có tên Nhà thơ Nguyễn Đình Thư có trong Thi nhân Việt Nam (1941) của Hoài Thanh và Hoài Chân.

Tôi được biết những vị tiền bối như Lê Đình Dương, thà uống Cyanure de mercure để tự sát chớ không chịu sống nhục; Bác sĩ Lê Đình Thám, bất cứ sách gì qua tay, Pháp, Việt, hay Hán, bác sĩ Thám chỉ đọc qua một lần là nhớ (trang 476). Bác sĩ Thám làm tôi nhớ lại nhà bác học Lê Quý Đôn ngày xưa và phu nhân sớm khuất của Đào hoa đảo chủ Hoàng Dược Sư trong truyện của Kim Dung! Và biết bao nhiêu vị anh hùng hào kiệt, tù đày ở Côn Đảo vượt biển đào thoát, mất tích giữa lòng đại dương. Tôi cũng đặc biệt chú ý và kính trọng các học sinh Quốc học hôm nay đã xuất sắc mang vinh quang về cho đất nước bằng những giải thưởng tầm cỡ quốc tế.

Một điều đáng lưu ý nữa là Ban biên tập đã không quên sưu tầm những người Quốc học cũ ở nước ngoài: như Thầy Lê Hữu Mục, Thầy Nguyễn Văn Hai, vị cựu hiệu trưởng Quốc học 1954-1956, Viện Phó Viện Đại học Huế trước 1975; Thầy Lê Văn, cựu Khoa Trưởng Đại học Huế từ 1958 đến 1964; Giáo sư Bùi Xuân Bào v.v...

Trong tập, có rất nhiều tấm ảnh rất quý: như ảnh hai nhà thơ Xuân Diệu Huy Cận chụp chung; ảnh anh Trương Quang Minh chụp niên học 1953-1954 với đầu tóc hớt carê (một trong bốn cái đầu hớt carê lớp Đệ Tứ B5 năm đó); ảnh Thầy Trịnh Hồ Uy (trang 1464) giáo sư Anh Văn lớp Đệ Tam Văn chương năm học 1954-1955, rồi sau đó không còn ai được biết Thầy phiêu du về phương trời nào…

Tường Phong Nguyễn Đình Niên.
Tường Phong Nguyễn Đình Niên.
 
Trương Quang Minh.
Trương Quang Minh.
 
Trương Quang Minh.
Trương Quang Minh, người thứ nhì từ phải sang về thăm lại trường cũ năm 1983. Chú thích của Trần Phương Trà: Nhà thơ Tường Phong Nguyễn Đình Niên gọi nhà thơ Nguyễn Đình Thư bằng chú ruột, đã xuất bản các tập thơ: Trăng Phương Đông (1958), Thơ của Người cô độc (NXB Thuận Hóa, Huế-2007), Bạn cùng lớp với Trương Quang Minh khóa 1950-1957 trường Trung học Khải Định Huế, Trương Quang Minh đỗ thủ khoa kỳ thi trung học Đệ Nhất cấp 28/5/1954, du học Pháp, đỗ kỹ sư và giữ chức kỹ sư trưởng ngành thủy điện ở Pháp.

Trong tập, còn có những bức tranh rất quý như bức BÌNH VĂN của họa sĩ Lê Văn Miến, bức THIẾU NỮ của họa sĩ Mai Trung Thứ, bức SÔNG HƯƠNG NÚI NGỰ, tranh lụa của Thầy Tôn Thất Đào, bức NGỰA ĐÁ tranh sơn dầu của họa sĩ Bửu Chi v.v…

Cái quý nhất và cái tôi cho là gắn bó nhất với Cố đô Huế là chủ biên Trần Phương Trà và Ban biên tập ra sức sưu tầm những cặp vợ chồng Quốc học - Đồng Khánh, “Trường Anh” - “Trường Em”. Ban biên tập đã nỗ lực sưu tầm ảnh của hai vợ chồng. Người ta sẽ thấy Trường Quốc học Đồng Khánh trẻ mãi không già…

Có cả hình ảnh hơn một trăm cặp vợ chồng như vậy: Từ những cặp đôi tiền bối như Thân Trọng Phước + Hoàng Thị Vệ; Đào Duy Anh + Trần Thị Như Mân; Lưu Trọng Lưu + Tôn Nữ Lệ Minh v.v… cho đến những cặp đôi gần đây, như Bửu Chỉ + Trần Thị Tường Vy, Vĩnh Quyền + Nguyễn Thị Thu Vân… đều được ghi lại dấu ấn trong bộ sách này.

* * *

Quá khứ đã đi qua
Hiện tại không ngừng lại
Tương lai trước mặt màu hồng…

CÁI TÌNH chân thành thủy chung thương yêu sẽ còn sáng đẹp mãi trong bộ sách quý “Quốc học Huế xưa & nay” này.

Huế

 

Huế
Ngày 16 tháng 8 năm 2013
(mùa Vu lan năm Quý Tỵ)

Tường Phong Nguyễn Đình Niên