Việt Nam thân thương:

Đọc lại một trong những bài thơ hay nhất về tuổi học trò

(Dân trí) – “Con ve tiên tri vô tâm báo trước; Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu.” Cái thời khắc ban đầu của tình yêu cậu học trò cấp 3 đã khiến mọi cảnh vật được lạ hóa - mới mẻ, khác thường, hấp dẫn và cuồng nhiệt như một tiên tri.

Đọc lại một trong những bài thơ hay nhất về tuổi học trò


Hoàng Nhuận Cầm là một nhà thơ nổi tiếng, vì ông có nhiều bài thơ được độc giả thuộc lòng hoặc chép vào Sổ tay yêu thơ như Sông Thương tóc dài; Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến; Viên xúc xắc mùa thu; Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu,… Ai yêu thơ mà không thuộc những dòng sau đây của tác giả Thư mùa thu (giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ, 1972-1973):

- Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến

Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi…

…Ta đã chán lời vu vơ giả dối

Hót lên! Dù đau xót một lần thôi.

- Viên xúc xắc xoay tròn trong gió xé

Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh.

- Mai đành xa sông Thương thật thương

Mắt nhớ một người, nước in một bóng

Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng

Anh một mình - náo động - một mình anh.

Đặc biệt, bài thơ


Đặc biệt, bài thơ Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm đã được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên yêu thích, bầu chọn là một những bài thơ hay nhất viết về tuổi học trò. Bài thơ như sau:

Em thấy không, tất cả đã xa rồi

Trong hơi thở của thời gian rất khẽ

Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế

Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say.

Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay

Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước

Con ve tiên tri vô tâm báo trước

Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu.

Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu

Bài hát đầu, xin hát về trường cũ

Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ

Sân trường đêm - Rụng xuống trái bàng đêm.

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em

Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ

Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế

Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?

"Có một nàng Bạch Tuyết, các bạn ơi

Với lại bảy chú lùn rất quấy"

"Mười chú chứ, nhìn xem trong lớp ấy"

(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao).

Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào

Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy

Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy

Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm.

Thôi hết thời bím tóc trắng ngủ quên

Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ

Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ

Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi!

Em đã yêu anh, anh đã xa vời

Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi

Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại

Không thấy trên sân trường - chiếc lá buổi đầu tiên.

Đặc biệt, bài thơ


Bài thơ mang phẩm chất khơi gợi siêu phàm. Chưa cần đi vào bình phẩm ngôn từ, hình ảnh, cách thức tu từ… của bài thơ, chỉ mới đọc lên, qua cảm nhận trực giác của người đọc, dòng kí ức nóng hổi về một thời học trò dào dạt dâng trào trong nỗi nhớ quánh đặc đến mức khiến ta nghẹt thở. Kí ức tuổi học trò ấy, rất riêng mỗi một người lại có dịp ùa dậy, lan tỏa trong chiều sâu bài thơ và bừng sáng khắp vòm trời kỉ niệm của tuổi hoa niên.

Dòng chảy của bài thơ là lời tự tình của một người lính trẻ vừa rời ghế nhà trường, trên đường ra trận với người yêu là cô bạn gái cùng lớp. Như vậy, xuất phát từ tứ thơ chiếc lá đầu tiên - chiếc lá bàng của buổi hẹn hò đầu tiên giữa hai người, bài thơ ngỡ như chủ yếu viết về tình yêu lứa đôi và nỗi nhớ của họ (và đó là điều có thực) lại bỗng nhiên bùng nổ ở một phương diện khác: kỉ niệm đầy ắp về tuổi học trò và mái trường thân yêu.

Điều này lí giải vì sao bài thơ này lúc đầu được tác giả đặt tên là Trường ơi, chào nhé. Có lẽ, nỗi nhớ tình yêu còn đậm đặc tình bạn ấy của một anh lính trẻ đã không thể vượt khỏi tầm kiểm soát của nỗi nhớ sâu sắc về mái trường và kỉ niệm tuổi học trò.

Thật vậy, ngay bắt đầu bài thơ, bằng một câu hỏi tu từ, Hoàng Nhuận Cầm đã khiến ta bất ngờ: ngoảnh lại nói với người yêu nhưng không nói về kỉ niệm tình yêu của hai người mà chỉ gợi lên nỗi tiếc nuối bâng khuâng đến ngạc nhiên về một tuổi thơ ra đi không trở lại. Tuổi học trò với tất cả những kỉ niệm thiêng liêng đột nhiên xa ngái đến thảng thốt, khiến tác giả coi sự ra đi ấy như một hành vi cao ngạo đầy bất ngờ và đáng yêu.

Đặc biệt, bài thơ


Sau sát-na bàng hoàng, tất cả kỉ niệm tuổi học trò bỗng nhiên ập về rợi rợi, nóng hổi trong những dòng thơ kế tiếp nhưng không theo tuần tự xếp đặt ngay ngắn, chỉn chu nào mà theo tần số hiển hiện của dòng kí ức cùng những hình ảnh liên tưởng gần gũi, thân thiết đến thắt lòng. Màu sắc và âm thanh của tuổi học trò là hai phương diện mà Hoàng Nhuận Cầm quan tâm đặc tả trong bài thơ này.

Gần như tất cả màu sắc hoa lá, cỏ cây của ngôi trường gắn bó với tuổi học đã được tác giả mô tả, khơi gợi nhưng không trên cơ sở của thao tác liệt kê thuần túy mà căn cứ vào khả năng liên tưởng, kết nối của dòng kí ức. Nếu hoa súng tím là bởi đáy mắt tuổi học trò đã bắt đầu lấp lánh niềm mê say tình yêu thì hoa phượng hồng là do bàn tay yêu dấu run rẫy đánh rơi nó trong giây phút ban đầu ngập ngừng, bối rối.

Nếu hình ảnh mái tóc bạc trên trán thầy hiện ra trong niềm mong mỏi của những đứa học trò về một sự trẻ trung vĩnh cửu cho người thầy kính yêu thì hình ảnh bím tóc trắng ngủ quên hiện ra trong nỗi tiếc nhớ về những tháng ngày đi học với biết bao câu chuyện buồn vui đáng nhớ của bạn bè trang lứa.

Âm thanh đầu tiên về tuổi học trò được tác giả đặc tả trong bài thơ là âm thanh tiếng ve. Đối với thơ Hoàng Nhuận Cầm, dường như tiếng ve đã trở thành một ám ảnh nghệ thuật và cũng làm nên một thương hiệu nghệ thuật có một không hai.

Đặc biệt, bài thơ


Trong nền thơ hiện đại Việt Nam, có lẽ không nhà thơ nào viết nhiều và viết hay về tiếng ve tuổi học trò như Hoàng Nhuận Cầm. Ve thăm thẳm, tiếng ve ngày thơ ấu; Thành sợi dây nối chúng mình cái ngày bé cỏn con (Thư mùa thu); Mùa khô ơi, mùa khô thân yêu; Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ; Nhưng trong những ba lô kia, ai bảo là không có; Một hai ba giọng hát chú ve kim? (Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu)…

Ở bài thơ này, khi trực tiếp viết về mái trường và tuổi học trò, âm thanh tiếng ve đương nhiên được ưu tiên hàng đầu và quả nhiên nó ngân lên hết sức độc đáo. Tiếng ve sầu mùa hạ với giai điệu và tiết tấu gợi buồn bỗng nhiên trở nên tươi tắn kì lạ - trong trẻo, khỏe khoắn đến mức sắc ngọt: Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước. Vì sao xuất hiện cảm nhận có thể coi là trái khoáy này?

Tất cả được lí giải: Con ve tiên tri vô tâm báo trước; Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu. Cái thời khắc ban đầu của tình yêu cậu học trò cấp 3 đã khiến mọi cảnh vật được lạ hóa - mới mẻ, khác thường, hấp dẫn và cuồng nhiệt như một tiên tri.

Một âm thanh đáng quan tâm nữa ngân vang trong bài thơ đó là tiếng cười tuổi học trò: Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao. Ở vùng tuổi ấy, tiếng cười dường như không bao giờ đơn lẻ, mà phải là những trận cười hồn nhiên của biết bao bè bạn mỗi ngày. Ở vùng trờicủa tuổi học trò, dường như không có phiên trực tuyến của sự cô đơn. Tất cả ùa đi trong niềm vui tinh khôi và hợp âm tiếng cười trong sáng.

Đặc biệt, bài thơ


Có hai dòng thơ liền nhau mà màu sắc, âm thanh ở đó là hoàn toàn mơ hồ, mang tính biểu tượng nhưng cực kì ám ảnh, da diết xúc động, bởi cuộn lên dào dạt dòng hồi ức về hình ảnh thiêng liêng một thuở học trò:

Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ

Sân trường đêm - Rụng xuống trái bàng đêm

Thủ pháp lặp là một trong những thủ pháp được Hoàng Nhuận Cầm sử dụng thường xuyên và đắc địa trong thơ mình. Ở đây cũng vậy, cả bài thơ là những từ, cụm từ, cấu trúc ngữ pháp…được lặp đi lặp lại - một mặt tạo ấn tượng sâu đậm về những kỉ niệm thiêng liêng của tuổi học trò, một mặt tạo cảm giác về một sự xúc động trào dâng, khi nghĩ về tuổi học trò, khiến ngôn từ chen nhau bật ra dào dạt, nhấn nhá, trùng lặp. Khổ thơ sau đây là một điển hình về dụng công nghệ thuật đó:

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em

Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ

Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế

Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?

Và cái lối diễn đạt lặp: Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu hay Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào… ngỡ như là lối nói đặc trưng của tuổi học trò: tưng tửng, bâng quơ nhưng hàm lượng thông tin là vô cùng đậm đặc, đa chiều.

Đặc biệt, bài thơ


Khổ thơ cuối đậm đặc và tiêu biểu cho cảm xúc đặc biệt nói trên của người lính trẻ: ngay cả khi nhận ra: Em đã yêu anh anh đã xa vời; Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi trong một tâm trạng: Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại thì anh cũng không nhận ra ngay trên sân trường lung linh kỉ niệm tình yêu qua hình ảnh biểu trưng chiếc lá đầu tiên mà dường như tất cả nỗi nhớ và tình yêu ấy đã hòa đằm, thấm đẫm vào mênh mông nỗi nhớ và tình yêu với mái trường, với tuổi học trò.

Không một tình yêu nào ở tuổi học trò không xuất phát từ tình bạn. Vì vậy, kỉ niệm và nỗi nhớ tình yêu ở đó đầy ắp hình ảnh, âm thanh, màu sắc…của mái trường và tuổi học trò. Mối tình đầu ở học đường đẹp một cách gần gũi, hồn nhiên mà trong sáng, thánh thiện. Nó mãi như chiếc lá bàng được định vị trong buổi đầu hò hẹn của hai người nhưng vẫn mướt xanh và lẫn khuất đâu đó trên cành cao, chẳng dễ gì mới ngước nhìn qua mà nhận ra ngay.

Bài thơ là một giai điệu đẹp về tuổi học trò, được diễn tấu bằng guitare theo phong cách flamenco, mở đầu bằng một hợp âm trưởng lảnh lót, chơi vơi và kết thúc bằng một gam thứ lắng đọng, day dứt.

Cuối cùng, xin mạnh dạn đề xuất: các nhà cải cách giáo dục sắp tới nên tuyển chọn và trân trọng đưa bài thơ Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm vào chương trình Ngữ văn cấp trung học phổ thông bởi tất cả sự hay ho và phù hợp của nó. Không cho học sinh được học những tác phẩm văn học đích thực cùa đất nước cùng những áng văn chương hay hiếm hoi về tuổi học trò, khiến các em mày mò tìm đọc và tự tôn vinh, vả chăng những người làm giáo dục đã bị qua mặt một cách đáng tiếc?

Thai Sắc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm