Festival Huế 2014:

Độc đáo lễ tế 9 khẩu súng thần công

(Dân trí) - Tối 16/4 tại Đại Nội Huế, lần đầu tiên lễ tế 9 khẩu súng thần công – Bảo vật quốc gia Việt Nam đã được diễn ra đầy trang trọng dưới sự tổ chức của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế.

9 khẩu súng thần công hay còn gọi là Cửu vị thần công trước đây được đặt ở trước mặt Ngọ Môn trong hai dãy nhà đặt tên là Pháo Xưởng, hiện nay được đặt ở cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn), cửa Quảng Đức (cửa Sập), là 2 cửa của Kinh thành Huế.

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, vua Gia Long ra lệnh tập trung tất cả khí dụng bằng đồng tịch thu được đúc thành 9 khẩu thần công để làm “kỷ niệm muôn đời' về chiến thắng của mình. Công việc tiến hành trong 1 năm, được bắt đầu vào ngày 31/1/1803, hoàn tất vào cuối tháng 1 năm 1804 do lính thợ ở Bộ Công và binh sĩ ở Bộ Binh làm.

Mỗi khẩu dài 5,10m, nặng hơn 17 tấn được đặt trên một giá súng bằng gỗ chạm trổ rất công phu. Hai bên giá là 4 bánh xe bằng gỗ viền sắt dùng để di chuyển. Trong Cửu vị thần công, khẩu nặng nhất nặng là 18,4 tấn, khẩu nhẹ nhất là 17,2 tấn. Tổng trọng lượng đồng của cả 9 khẩu là 140,3 tấn. Mỗi khẩu được kê trên một giá súng

Cửu vị thần công được chia thành 2 nhóm: Nhóm bên tả (trái) xếp phía sau cửa Thể Nhơn gồm 4 khẩu, được đặt tên theo 4 mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Nhóm bên hữu (phải) xếp phía sau cửa Quảng Đức gồm 5 khẩu, được đặt tên theo ngũ hành: Kim - Mộc - Thuỷ - Hỏa - Thổ. Vào năm 1816, vua Gia Long sắc phong cho cả 9 khẩu đại bác này là Tướng quân với danh hiệu: "Thần Oai Vô địch Thượng tướng quân". Danh hiệu này và nội dung bài sắc phong đều được khắc trên cả 9 khẩu.

Triều đình cử riêng một đội hình thường xuyên túc trực bên cạnh Cửu Vị Thần công để bảo vệ, đồng thời cấp tiền để tổ chức lễ cúng tế có cả trâu (hoặc bò), lợn và dê. Kể từ sau năm 1886, lễ cúng tế này bị triều đình bãi bỏ do khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, những người lính bảo vệ vẫn tự góp tiền mua hoa, quả, hương, trầm để cúng, vì họ sợ "oai linh" của “tướng quân” Cửu vị Thần công. Cửu vị Thần công được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật bằng đồng có giá trị cao.

Ngoài giá trị lịch sử, Cửu vị thần công còn mang giá trị nghệ thuật cao. Kỹ thuật đúc đồng, nghệ thuật trang trí và chạm khắc trên đồng cũng như trên giá súng đều rất điêu luyện, tinh xảo. Đây là những khẩu thần công lớn nhất Việt Nam, một trong những bộ tác phẩm mỹ thuật bằng đồng có giá trị nhất của dân tộc.

Vào năm 2012, Cửu vị thần công cùng Cửu đỉnh (9 đỉnh đồng, đều thuộc Quần thể di tích cố đô Huế) và Đại hồng chung chùa Thiên Mụ được Hội đồng Di sản quốc gia công nhận là Báu vật quốc gia.

Nhằm để tưởng nhớ, tri ân những báu vật quốc gia này, tại Đại Nội Huế đã diễn ra lễ tế Cửu vị thần công theo đúng nghi thức cung đình xưa. Một hàng quân lính cầm giáo, ăn mặc chỉnh tề bao quanh các khẩu súng. Trong khói hương nghi ngút và tiếng nhạc, chuông, bài tế lễ, nghi lễ dâng hương và bắn tượng trưng bằng pháo ở 9 khẩu súng. Đây là lần đầu tiên sau hàng trăm năm, lễ tế súng được tái hiện lại nhằm duy trì một phong tục xưa mà triều đình triều Nguyễn đã hằng giữ gìn. Cùng thời điểm trên, lễ tế Cửu đỉnh cũng diễn ra ở Thế Miếu, Đại Nội.

Cửu vị thần công trong đêm tế

Cửu vị thần công trong đêm tế
Quan, lính đứng nghiêm trang bên các Tướng quân

Quan, lính đứng nghiêm trang bên các "Tướng quân"
Pháo bắt đầu bắn sáng trước các Cửu vị thần công

Pháo bắt đầu bắn sáng trước các Cửu vị thần công
Hình ảnh ấn tượng về đêm tế 9 Tướng quân thần công
Hình ảnh ấn tượng về đêm tế 9 "Tướng quân" thần công


Tin: Đại Dương
Ảnh: Hoàng Diệu