Độc đáo Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Yên Thế tỉnh Bắc Giang
(Dân trí) - Sáng ngày 14/2 (tức ngày 18 tháng Giêng năm Đinh Dậu), huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam; khai mạc Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Yên Thế và khai trương khu du lịch tâm linh sinh thái Xuân Lung -Thác Ngà.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã trao Bằng Công nhận Cây Di sản Việt Nam cho lãnh đạo UBND huyện Yên Thế. Đây là niềm vinh dự, tự hào to lớn đối với Đảng bộ, nhân dân các dân tộc xã Xuân Lương nói riêng và huyện Yên Thế nói chung.
Theo thần tích, cây Lim xanh ở bản Xuân Lung - xã Xuân Lương là cây Lim đại cổ thụ đã tồn tại từ nhiều đời nay. Cây có dáng trực thẳng cao trên 45m, đứng trên ngọn đồi cao, rễ ăn sâu vào lòng đất, gốc to từ 6-7 người ôm.
Đây là loài cây gỗ lớn, có giá trị quý hiếm, đứng thứ hai trong Bộ Tứ thiết mộc: Đinh, Lim, Sến, Táu… Cây Lim ngự ở trung tâm khu vực Xuân Lung, có đình, chùa Xuân Lung đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nằm trong quần thể các di tích lịch sử cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Cây Lim xanh là một trong số những cây cổ thụ nhất của vùng rừng núi phía Bắc Việt Nam
Trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Yên Thế và khai trương khu du lịch tâm linh sinh thái Xuân Lung - Thác Ngà, đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc, sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia và cổ vũ như: hội diễn văn nghệ quần chúng, thi người mặc trang phục dân tộc đẹp; hội thi chọi dê, giải bóng chuyền hơi nam, nữ trung cao tuổi cụm 7 xã vùng cao; Tour du lịch Xuân Lương, Tiệc trà và triển lãm giới thiệu sản vật của địa phương; Giải bóng chuyền da giữa các xã trong cụm an ninh giáp ranh; trò chơi dân gian đuổi bắt lợn rừng…
Ông Vũ Trí Hải - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BTC Lễ hội cho biết: Yên Thế là huyện miền núi với tổng diện tích đất tự nhiên trên 30,3 km2; có khoảng 10 vạn dân với 14 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 27,6%.
Hai con dê vào trận quyết chiến.
Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc rất đa dạng và phong phú. Nhiều truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất được lưu giữ cho đến ngày nay như: hát then, hát soong hao…, tạo nên bản sắc riêng của văn hóa các dân tộc huyện Yên Thế.
Đối với xã vùng cao Xuân Lương có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống. Nơi đây có rừng đại ngàn với nhiều lâm sản quý hiếm như: Đinh, Lim, Sến, Táu; được thiên nhiên ưu ái, ban tặng nhiều cảnh đẹp, khí hậu ôn hòa; đặc biệt có nhiều thắng cảnh như: Thác Ngà, Hồ Ngạc Hai, hồ Suối Ven… và quần thể đình, đền, chùa, tiêu biểu như đình Xuân Lung, chùa Minh Xuân, đền Giếng Sấu…
Trong văn hóa cộng đồng các dân tộc xã Xuân Lương hiện nay còn lưu giữ được rất nhiều nét văn hóa độc đáo như: phương pháp sao chè của người Cao Lan, xôi ngũ sắc, bánh khảo của người Tày, Nùng…
Khu du lịch tâm linh, sinh thái Xuân Lung-Thác Ngà với nhiều sản phẩm độc đáo và giá trị như: quần thể đình, chùa, giếng cổ Xuân Lung; Cây Di sản Việt Nam - Cây Lim xanh nghìn năm tuổi; vùng chè bản Ven và khu sinh thái Thác Ngà, sẵn sàng đón du khách đến thăm.
Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Yên Thế được tổ chức lần này là dịp để nhân dân Yên Thế giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong và ngoài tỉnh về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và giá trị di sản văn hóa các dân tộc toàn huyện trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.
Thông qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Không những vậy, lễ hội còn là cầu nối giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các diễn viên, vận động viên các xã, thị trấn trong huyện và các đơn vị trong cụm an ninh giáp ranh với xã Xuân Lương.
Lễ hội được diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/02, (tức ngày 18 và 19 tháng Giêng năm Đinh Dậu 2017).
Bá Đoàn