Dỡ tòa nhà Pháp cổ xây nhà mới: Đừng để Hà Nội "ngộp thở" bởi cao ốc
(Dân trí) - KTS Phạm Thanh Tùng, chuyên gia kiến trúc đô thị cho rằng, việc phá dỡ tòa nhà Pháp cổ để xây mới bằng tòa cao ốc khác là một điều đáng tiếc và có phần "vội vàng".
Thông tin dãy nhà với kiến trúc Pháp cổ chạy dọc 4 mặt phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học bị phá bỏ để xây dựng tòa cao ốc mới nhận được sự quan tâm của dư luận.
Đây vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, cổng chính tòa nhà có địa chỉ tại 61 Trần Phú (Ba Đình). Công trình với những mái vì kèo bê tông đặc trưng, dấu ấn kiến trúc nhà xưởng còn nguyên vẹn của thế kỷ trước. Theo dự kiến, tòa nhà sau khi dỡ bỏ sẽ được thay thế bằng tòa cao ốc 11 tầng nổi, 6 tầng hầm.
Chia sẻ với PV Dân trí, KTS Phạm Thanh Tùng, chuyên gia kiến trúc đô thị cho rằng, việc phá dỡ tòa nhà Pháp cổ để xây mới bằng tòa cao ốc khác là một điều đáng tiếc và có phần "vội vàng".
"Khi chúng ta định phá cái cũ làm cái mới thì cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để công trình mới phải hài hòa với cảnh quan, kiến trúc xung quanh. Theo Luật kiến trúc năm 2019, những công trình kiến trúc như này phải được thi tuyển và đưa ra triển lãm lấy ý kiến của cộng đồng.
Ngoài ra, Luật Thủ đô cũng quy định rất rõ về việc hạn chế xây dựng những kiến trúc cao tầng, khối tích lớn ở trung tâm nội đô.
Chúng ta có chủ trương di dời các trường Đại học, cơ sở giáo dục ở trung tâm ra ngoại thành, quỹ đất này sẽ dành để xây dựng công viên, không gian công cộng, tránh áp lực lên hạ tầng nội đô. Vậy thì tại sao bây giờ chúng ta lại xây dựng một cao ốc ngay giữa trung tâm Hà Nội?", KTS Phạm Thanh Tùng thẳng thắn đặt câu hỏi.
Chuyên gia kiến trúc đô thị này cũng cho rằng, Hà Nội đã từng có bài học đắt giá về việc xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực vượt tầng, vượt chiều cao so với giấy phép xây dựng, phải mất cả chục năm để khắc phục sai phạm.
Vì thế, việc xây gì trên khu đất vàng 61 Trần Phú trên cần phải thận trọng, cân nhắc và nghiên cứu kỹ càng, đừng để Hà Nội "ngộp thở" bởi cao ốc chen chúc trong nội đô.
"Hà Nội không phải là một đô thị mới, Hà Nội là thành phố nghìn năm văn hiến, thành phố lịch sử, thành phố văn hóa. Hà Nội cần phát triển nhưng chúng ta không đánh đổi sự phát triển bằng mọi giá.
Kiến trúc có tính kế thừa và phát triển. Không thể đặt một tòa nhà cao ốc hiện đại, đồ sộ chưa kể mờ nhạt về kiến trúc, lạc quẻ với cảnh quan chình ình ngay giữa nội đô, trung tâm thành phố. Đừng để có một tòa 8B Lê Trực "phẩy" thứ hai gây bức xúc dư luận", KTS Phạm Thanh Tùng nêu quan điểm.
Ông Tùng cũng thẳng thắn bày tỏ bản thân không ấn tượng, không tán thành với hình ảnh thiết kế tòa cao ốc dự kiến được xây dựng tại địa chỉ 61 Trần Phú sau khi công trình tòa nhà Pháp cổ bị dỡ bỏ.
"Hãy học hỏi các nước trên thế giới, nhiều công trình họ xây dựng mới nhưng được nghiên cứu rất kỹ để phù hợp với cảnh quan, văn hóa, lịch sử của vùng đất đó. Điển hình như công trình Kim tự tháp tại bảo tàng Louvre - biểu tượng của Paris, được đánh giá là "kiệt tác" kiến trúc đương đại.
Tôi cho rằng phương án tốt nhất lúc này là nên thực hiện một cuộc thi tuyển kiến trúc, lấy ý kiến cộng đồng ngay", KTS Trần Thanh Tùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS.KTS. Trần Minh Tùng (Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cũng cho rằng, các tòa nhà Pháp cổ nếu chưa được xếp hạng là di sản hay di tích văn hóa lịch sử thì bản chất sẽ như một bất động sản, nên nếu không còn giá trị sử dụng, đã xuống cấp thì có thể cân nhắc tháo dỡ để xây dựng các công trình phù hợp, tiện ích hơn.
Tuy nhiên, việc xây gì, xây như thế nào cần rất thận trọng, phải có tính toán, xem xét kỹ lưỡng tránh việc phá vỡ cấu trúc đô thị trung tâm và tạo ra những đứt gãy trong ký ức đô thị.
Ngoài ra, các tòa nhà cao ốc trong nội đô cũng là những "cỗ máy" tiêu thụ năng lượng khổng lồ, làm trầm trọng thêm vấn nạn ô nhiễm, quá tải hạ tầng vốn đã đè nặng lên Hà Nội bao nhiêu năm qua.
Ở một góc nhìn khác, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc dư luận phản ứng khi dỡ bỏ tòa nhà Pháp cổ số 61 Trần Phú đang có phần định kiến.
Không phải công trình nào cũ kỹ, được xây dụng lâu cũng có giá trị và cần bảo tồn. Các công trình Pháp cổ ở Hà Nội có nhiều, một số đã xuống cấp, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
"Chúng ta không nên định kiến rằng cứ phải giữ khư khư công trình xây dựng lâu năm mới là bảo tồn. Nhiều công trình được xây dựng mới có tính kế thừa kiến trúc, văn hóa cũ đồng thời mang dấu ấn thời đại rất thành công, được cộng đồng đánh giá cao như: Trụ sở Tòa nhà Quốc hội...
Ngoài ra, cũng không nên đánh giá kiến trúc một công trình dựa vào số tầng họ xây dựng, không phải cứ xây 11 tầng là phá vỡ cảnh quan, là không phù hợp mà phải đánh giá giá trị kiến trúc trên bình diện tổng thể với xung quanh", KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm.
Liên quan đến bức phù điêu đắp nổi ghi lại dấu ấn quân dân Thủ đô bắn rơi tại chỗ máy bay hiện đại Mỹ ngày 19/5/1967, trong khuôn viên tòa nhà Pháp cổ 61 Trần Phú, chia sẻ với PV Dân trí, đại diện Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, UBND quận Ba Đình đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef) đề nghị bảo vệ nguyên trạng bức phù điêu này.