Dở khóc, dở cười chuyện trưng biển "gia đình văn hóa" trước cổng nhà
(Dân trí) - Hơn 1.800 biển công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa" được một xã ở tỉnh Thanh Hóa gắn trước cổng nhà dân. Xung quanh việc này, đã có không ít chuyện dở khóc, dở cười về tấm biển...
Về xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), dễ dàng nhận thấy những tấm biển hình chữ nhật, màu đỏ, ghi dòng chữ "Chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa".
Ông H., người dân thôn 4, xã Hoằng Ngọc cho rằng, việc treo biển như vậy là không cần thiết và phản tác dụng.
Theo ông H., từ năm 2020 đến nay, gia đình ông liên tục được bà con trong thôn bình xét là gia đình văn hóa. Việc bình xét dựa trên các tiêu chí như gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương; gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng.
Tất cả các tiêu chí trên, gia đình ông H. đều đạt nên đã được UBND xã Hoằng Ngọc công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa" và treo biển trước cửa nhà.
Cũng theo ông H., việc cấp giấy chứng nhận như cũ sẽ tốt hơn. Gia đình nào đủ điều kiện tự hào treo trong nhà, còn gia đình nào chưa đủ tiêu chí sẽ nỗ lực hơn.
Ông Lê Văn T. (thôn 2, xã Hoằng Ngọc) cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng việc trưng biển "Gia đình văn hóa" trước cổng nhà dân không có ý nghĩa. Mặc dù được UBND xã công nhận, nhưng ông T. đã tự tháo biển vì cảm thấy gia đình mình chưa đạt các tiêu chí.
Ông T. nhấn mạnh, văn hóa phải xuất phát từ tâm mỗi con người, việc công nhận đại trà này khiến những gia đình đạt tiêu chuẩn cảm thấy không vui, người không được thì ái ngại. Nhiều hộ dân cho rằng danh hiệu "Gia đình văn hóa" chỉ là cái mác, nhiều gia đình không thực sự xứng đáng vẫn có biển treo, gây phản cảm.
Ông Hắc Văn Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Ngọc, cho biết việc trưng biển "Gia đình văn hóa" trước cổng nhà không có trong quy định, đây là sáng kiến của Chủ tịch UBND xã thay cho giấy chứng nhận trước đó.
Hơn 80% hộ gia đình ở Hoằng Ngọc được công nhận "Gia đình văn hóa" đều được đóng biển trước cổng nhà với kinh phí xã hội hóa, mỗi biển trị giá 35.000 đồng.
Tuy nhiên, ông Đồng thừa nhận mô hình này không hiệu quả và gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Năm 2024, UBND xã đã tiến hành tháo dỡ, nhưng việc "treo thì dễ, gỡ lại rất khó".
Trước đó, nhiều địa phương trên cả nước như Hà Tĩnh, Hà Nội đã treo tấm biển công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa" trước cổng nhà. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ra Công văn 785/BVHTTDL-VHCS ngày 15/3/2010 yêu cầu không gắn biển "Gia đình văn hóa" tại nhà.
Công văn nêu rõ: Thực hiện Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT, thời gian qua, các địa phương đã tiến hành bình xét, công nhận, cấp giấy chứng nhận theo quyết định, góp phần nâng cao chất lượng danh hiệu Gia đình văn hóa.
Tuy nhiên, một số địa phương đã thực hiện không đúng quy chế và đã gắn biển "Gia đình văn hóa" lên tường trước cửa mỗi hộ gia đình. Việc làm này gây nhiều ý kiến trái chiều và không tạo được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân.