Đình làng Văn Xá - di tích quốc gia độc đáo cần sớm trùng tu và bảo vệ
(Dân trí) - Đình làng Văn Xá – di tích lịch sử cấp quốc gia, một công trình độc đáo về kiến trúc và có bề dày về lịch sử cao tại tỉnh Thừa Thiên – Huế đang cần được sớm trùng tu vì đã xuống cấp nghiêm trọng.
Điểm nổi bật của làng Văn Xá là toàn xã chỉ có một làng. Làng có một đình, 2 chùa, 1 niệm phật đường, 1 Văn thánh thờ Khổng Tử, có 7 miếu và 1 chợ. Diện tích tự nhiên là 1.390 Km2 với dân số 8.663 người. Phong tục tập quán của làng là đại đa số thờ Đạo Khổng, Đạo Nho và Phật giáo.
Sự hình thành và phát triển làng Văn Xá.
Năm Canh thìn (1640) thời vua Lê Thánh Tông, phái 2 vị tướng họ Lê quê làng Kẽ Mía, Lam Sơn (Thanh Hoá) đó là Ngài Nha Chánh Hầu Trụ Quốc Công Đại tướng quân và Ngài sứ Thái Bộc Quận Công Thượng Trụ Quốc Công Thượng tuớng quân đem quân vào tiếp quãn Châu Ô, Châu Lý của vua Chămpa để đổi lấy Huyền Trân Công Chúa thời Nhà Trần. Hai ngài vào Thuận Hoá (Huế ngày nay), song do tàn quân Chămpa đang quấy phá khắp nơi nên chưa đưa dân vào lập nghiệp được, phải 15 năm sau tức là năm 1475 mới dẹp loạn được, hai Ngài mới đưa dân Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh vào lập nghiệp và làng ra đời với tên gọi là làng Võ Xá.
Đến thời vua Lê Trang Tông (khoảng năm 1540) thì chúa Trịnh và Chúa Nguyễn tranh quyền nên năm 1558, Chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá và Trịnh - Nguyễn phân tranh, từ đó lấy Sông Gianh (Quảng Bình) làm biên giới 2 miền. Họ Lê và một số họ khác vào, qua 83 năm, khi Chúa Nguyễn Hoàng vào dân Thanh Hoá-Nghệ An-Hà Tĩnh lần lượt vào ngày đông, mở mang bờ cõi ở phía Nam. Lúc bấy giờ, họ Trần ở Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), họ Cao Nghệ An cùng vào nhập làng Võ Xá.
Vào khoảng năm 1771, 3 anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ dấy binh khởi nghĩa, sau đó lên ngôi Hoàng Đế rồi tiến quân ra Bắc. Đến năm 1789, Nguyễn Huệ đại thắng giải phóng đất nước khỏi ách xâm lược của Nhà Thanh (Trung Quốc) thành lập triều Quang Trung, nhà Nguyễn bắt đầu từ đó. Sau đó, Nguyễn Ánh tranh quyền chống lại Nguyễn Huệ, cậy nhờ Pháp giúp đỡ, đến năm 1802 Nguyễn Ánh lật đỗ triều đại Tây Sơn lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long.
Làng Văn Xá có bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu người họ Trần. Bà sinh ngày 27/11 năm Mậu Tý 1768. Huý là Ngọc Kính, tên tục là Dương. 14 tuổi được vào cung hầu hạ đức Hiến Khương Hoàng Hậu. 17 tuổi vào chầu Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế. 24 tuổi, năm Tân Hợi 1791 bà sinh Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế (tức là vua Minh Mạng).
Làng họ Trần là họ vợ vua Gia Long, trong triều đình đặt chữ lót là chữ Hưng qua đó triều đình lấy chữ Hưng làm chữ lót từ thời ông đạt, nhạc phụ vua thay chữ Mậu và cũng từ đó làng Văn Xá có ông Trần Mậu Quế ông nội bà Hoàng Hậu đỗ cữ nhân, ông Trần Hưng đạt thân phụ bà Hoàng Hậu giữ chức Tham tri Bộ Lễ, ông Lê Cát đõ cử nhân. Triều đình nhà Nguyễn thấy làng có văn võ song toàn mới đổi tên làng từ Võ Xá thành Văn Xá.
Quá trình xây dựng và trùng tu Đình làng Văn Xá
Thuở trước, làng đã có đình và chùa làm bằng gỗ lợp tranh tại Xứ Xung Hồ Biền còn gọi là Cồn Đình. Trong phong trào Tây Sơn Nguyễn Huệ, đình làng bị thiêu huỷ hết. Sau phong trào Tây Sơn vào năm 1787-1810, người trong làng trở về bàn chuyện dựng lại Đình làng. Hai ông Tiên Thái Sư là Thọ quốc Công Trần Hưng Đạt và ông tự Khanh Trần Hưng Đức cử người lên rừng kiếm gỗ về làm Đình. Hai ông thân phụ và chú ruột Hoàng Hậu tâu với vua xin làm Đình.
Công đệ Kỷ Trần Hưng Thiện với 21 viên quan, chức sắc của làng họp lại nên xây dựng lại Đình chổ cũ hay dời đi chổ mới, phải sau 3 năm dân làng yên ổn mới dời lên chỗ mới là Đình làng ngày nay tại thôn Giáp Nhất. Năm Tự Đức thứ 18, năm 1865 mới khởi công làm Đình, vua Tự Đức nói Văn Xá là làng ngoại của vua cha nên do nhà nước xây dựng. Bộ Công lo tập trung vật liệu đủ, làng lo nhân lực do Vệ Uý Trần Hưng Khanh kiểm soát khởi công từ tháng 4 đến tháng 8/1865.
Đình làng xây dựng có diện tích là 1.700 m2, trong Đình rộng 400m2. Đình có 3 gian 2 chái kép. Có tổng cộng 54 cột loại: 5,2m, 3,6m, 2,5m, 1,5m. Kết cấu cột kèo nhà rường truyền thống Xứ Thanh, hoa văn trang trí theo kiểu phủ đệ ông Hoàng bà Chúa trong Cung Đình. Đình làng có La Thành 4 phía, có cổng Tam quan, có cửa Tả Hữu, có bia và Bình phong ghi đầy đủ công đức làm Đình.
Trong Đình có Hẫu Trẫm, Tiền án, có bức hoành phi ở giữa có 4 chữ: “Sở Tại Sinh Huy” do vua Gia Long và Minh Mạng tặng và có 10 cặp câu đối. Đình được trùng tu vào các năm: 1961 và 1994, nên Đình vẫn giữ được như xưa bề thế lộng lẫy, uy nghiêm. Kết cấu kiến trúc, hoa văn, thờ phụng đều toàn vẹn nghiêm túc, nghệ thuật trang trí tinh xoã, bề thế theo kiểu cung đình nhà Nguyễn thờ tự uy nghi cung kính nên được Bộ Văn hoá thông tin đã xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc cấp Quốc gia vào năm 1997.
Cần sớm được trùng tu và bảo vệ
Năm 1997, Đình làng Văn Xá bị sét đánh, năm 1999 cơn đại hồng thuỷ lịch sử đã làm nhiều hạng mục của Đình xuống cấp. Trước tình hình đó, chính quyền phường Hương Văn đã lập thiết kế bản vẽ trùng tu, bảo tồn, giữ gìn đình làng Văn Xá trình lên các cấp với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng nhưng hiện nay Bộ Văn hoá-Thể thao-Du lịch chưa có quyết định phê chuẩn.
Ông Đặng Công Bình, Bí thư Đảng uỷ phường Hương Văn cho biết: “Lãnh đạo địa phương chúng tôi đã lập đầy đủ các thủ tục lên các cấp, ngành chức năng để phê duyệt cấp kinh phí trùng tu, tôn tạo các hạng mục đình Làng Văn Xá như: Mở rộng vành đai bên ngoài đình trồng cây xanh để bảo vệ Đình; khôi phục lại hò trước Đình; sử lại mái đình đã xuống cấp trầm trọng; các cột hàng 3 bị đứt chân, chỉnh lại cổng tam quan đã bị lún và nghiêng. Chúng tôi kính đề nghị các cấp, ngành chức năng sớm hỗ trợ kinh phí sớm để địa phương bảo tồn, giữ gìn Di tích cấp Quốc gia đã được Nhà nước công nhận năm 1997”.
Đại Dương – Xuân Trường