Huế:
Đình chỉ công trình xây dựng trong Lục Bộ - khu vực I di sản thế giới
(Dân trí) - Ngày 23/3 theo thông tin từ ông Trần Duy Sanh, Chủ tịch UBND phường Thuận Thành, TP Huế, chủ công trình xây dựng ở số nhà 47 đường Nguyễn Biểu thuộc khu Lục Bộ của quần thể Di tích cố đô Huế - di sản văn hóa thế giới đã bị yêu cầu đình chỉ việc thi công công trình.
Công trình xây dựng thuộc danh sách di sản cấp I nên không được làm
Theo thông tin từ bạn đọc cung cấp, ở địa chỉ số 47 đường Nguyễn Biểu, phường Thuận Thành, TP Huế thời gian gần đây đã phá bỏ công trình xây dựng trên đất và đào móng đổ trụ để xây dựng công trình lớn.
Do khu vực trên thuộc Lục Bộ (bao gồm bởi 4 đường Đoàn Thị Điểm, Mai Thúc Loan, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Chí Diểu) nằm trong Kinh thành Huế - là một cấu thành của Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) công nhận là Di sản văn hóa vật thể vào năm 1993, nên đã được quy định bởi Luật di sản văn hóa và những công ước đặt ra đối với Ủy ban di sản thế giới thuộc UNESCO.
Cụ thể Lục Bộ được quy định là danh sách di sản cấp I cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Trừ những công trình di tích thì toàn bộ hàng trăm nhà dân ở đây, nếu muốn thay đổi về kết cấu, hiện trạng cần phải được các cấp thẩm quyền thông qua, được chế tài bởi Luật Xây dựng và sự tư vấn, cho phép của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng như chiều cao giới hạn về công trình xây dựng trong khu vực Kinh thành Huế…
Qua quan sát của PV, công trình trên đã được làm móng khá quy mô và bắt đầu đổ móng để tiến hành xây dựng trong những ngày ra Tết Mậu Tuất 2018. Nhiều người dân xung quanh thắc mắc và “khó hiểu” tại sao công trình trên lại được cấp nào cho phép mà tiến hành làm ngang nhiên đến vậy?
Trong sáng 23/3, chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND phường Thuận Thành. Ông Trần Duy Sanh, Chủ tịch UBND phường cho hay mới phát hiện ra sự việc và đã cho lập biên bản đình chỉ công trình xây dựng.
Chủ sử dụng đất số 47 Nguyễn Biểu tìm không ra?
“Công trình này không thể xin giấy phép xây dựng được vì nằm trong khu vực I của di tích, chỉ được cải tạo nguyên hiện trạng. Hiện chúng tôi mới có được một hợp đồng thuê đất viết tay nhưng không hợp lệ, chúng tôi đã làm việc với người được thuê làm xây dựng công trình, còn người chủ đất thì đang tìm vì lô đất này đã qua mấy lần bán với người chủ cũ là Phạm Tây” - ông Sanh trình bày.
Theo thông tin của bà Nguyễn Thị Thu Nga, cán bộ địa chính - xây dựng phường Thuận Thanh, biên bản phường lập ngừng thi công công trình là với ông Nguyễn Định Thành Tâm, người thuê đất của số nhà 47 Nguyễn Biểu. Bà Nga cho biết ông Tâm nói có thuê đất với một người là Trần Văn Hoàng, tuy nhiên theo sổ bộ lưu tại phường năm 2005 thì chủ miếng đất trên là ông Phạm Tây.
“Chúng tôi mới lên Văn phòng đăng ký đất đai TP Huế để kiểm tra qua hệ thống điện tử thì không thấy tên ông Hoàng này. Chúng tôi liên lạc với ông Hoàng thì ông nói đã có sổ đỏ mang tên ông, tuy nhiên vì ông bận đang đi công tác ở TP Hồ Chí Minh nên đã hẹn lên làm việc với phường vào đầu tuần sau. Ngoài ra chúng tôi yêu cầu hợp đồng thuê đất giữa ông Tâm và chủ lô đất trên phải được công chứng có dấu đỏ rõ ràng đúng quy định pháp luật” – bà Nga cho hay.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế không hề được báo cáo
Ông Phan Thanh Hải cho biết nằm trong khu vực I di sản thế giới thì công trình xây dựng phải có giấy phép và phải có sự đồng ý của Bộ VH,TT&DL. Tuy nhiên trong khu vực Kinh thành Huế thì trung ương đã có ủy quyền cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, qua sự trao đổi và tham mưu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thì tỉnh có thể nhất trí cho người dân làm công trình nhưng vẫn phải đảm bảo theo các điều kiện trong khu vực Kinh thành Huế (như chiều cao xây dựng không quá 11 mét…)
“Trường hợp này họ không xin phép gì cả mà họ đã cố tình làm với quy mô khá lớn. Họ đã không gửi đơn từ, không đề nghị xem xét, không có phương án gì hết nên rõ ràng họ đã cố tình vi phạm” - ông Hải thông tin.
Trao đổi với ông Nguyễn Định Thành Tâm, người thuê lô đất trên thì ông Tâm cho hay cũng không biết đất nằm trong khu vực I di tích. Công trình trên chưa có ý định làm gì mà chỉ mới dựng bờ lô lên làm tường bao quanh để sau này tính. Hiện tại công trình đang được chấp hành tạm dừng theo đúng quy định pháp luật.
Được biết các trường hợp nhà dân tại Lục Bộ muốn sửa sang gì đều có phương án, phía Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là là đơn vị tham mưu, căn cứ trên phương án rồi đề nghị, nhất trí cho sửa/ làm ngang mức như thế nào hoặc không. Phía UBND phường Thuận Thành là đơn vị lập biên bản hay đình chỉ đối với những công trình không phù hợp.
Lục Bộ là gọi tắt của khu Lục bộ đường, công sở của 6 bộ lúc xưa gồm Bộ Lại - Hộ - Lễ - Binh - Hình - Công của triều Nguyễn, nằm ở phía đông bên ngoài Hoàng thành Huế thuộc Kinh thành Huế.
Vào năm 1993, Quần thể di tích cố đô Huế trở thành Di sản thế giới, bao gồm 16 điểm/khu di tích khác nhau, trong đó có Lục Bộ nằm trong danh sách di sản cấp I.
Theo thống kê cuối năm 2016, tại khu vực này có 249 hộ dân, 12 cơ quan, cơ sở thuộc nhà nước quản lý. Riêng di tích gốc từ đời Thành Thái thì chỉ còn lại 2 công trình chính và 3 nhà phụ là khu Thượng thư bộ Lại và bộ Công còn lại nằm ở đường Nguyễn Chí Diểu. Do hiện trạng của Lục Bộ hiện tại còn rất ít di tích gốc từ đời vua Thành Thái và số nhà cửa của người dân quá lớn, khó khăn trong việc cải tạo xây dựng nên lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với các ban ngành liên quan nghiên cứu và điều chỉnh khu vực bảo vệ các di tích trong Kinh thành, trong đó có khu Lục bộ. Cụ thể, khu Lục Bộ sẽ được điều chỉnh từ di sản cấp I xuống di sản cấp II.
Tuy nhiên việc điều chỉnh Lục Bộ từ di sản cấp I xuống cấp II như dự kiến không hề đơn giản. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích phải được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đồng thuận và được Bộ VH,TT&DL phê duyệt. Sau đó, phải bảo vệ thành công trước Ủy ban Di sản thế giới khi Việt Nam đệ trình hồ sơ tái đề cử cho quần thể di tích cố đô Huế. Hiện tại hồ sơ Lục Bộ đang được điều chỉnh về quy hoạch chi tiết để trình lên cấp trên.
Đại Dương