Diễn vũ đạo trên nền nhạc nhạy cảm: Thiếu sự nhạy cảm cần thiết?

Hà Tùng Long

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài sự thận trọng cần có của một người làm nghề nghiêm túc thì nghệ sĩ cũng cần có một sự nhạy cảm đặc biệt mỗi khi lựa chọn tiết mục biểu diễn cho khán giả nhí.

Gây tranh cãi vì diễn vũ đạo trên nền nhạc “Bigcityboi” trong trường học

Mới đây, cư dân mạng truyền tay nhau và bàn luận xôn xao về clip vũ công Quang Đăng biểu diễn trong lễ tổng kết cuối năm tại trường TH - THCS - THPT Thanh Bình (Q. Tân Bình, TPHCM). Theo đó, nam vũ công nổi tiếng với “Vũ điệu rửa tay” cùng học trò biểu diễn vũ đạo trên nền nhạc “Bigcityboi” của rapper Binz.

Diễn vũ đạo trên nền nhạc nhạy cảm: Thiếu sự nhạy cảm cần thiết? - 1

Hình ảnh Quang Đăng và học trò biểu diễn vũ đạo trên nền nhạc “Bigcityboi” trong lễ tổng kết gây tranh cãi.

Đây là một sáng tác mới của Binz đang được nghe nhiều trong thời gian gần đây. Việc chọn một ca khúc có giai điệu trẻ trung, sôi động để biểu diễn cho giới trẻ không có gì đáng bàn cãi hoặc phải ồn ào. Tuy nhiên, ca từ của “Bigcityboi” lại chứa những nội dung được cho là khá nhạy cảm, không hề phù hợp với học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Chẳng hạn: “Trói em bằng cà vạt (trói)/ Penhouse trên Đà Lạt (đồi)/ Nếu mà ngoan em sẽ bị thương (đôi)/ Nếu mà hư em sẽ được phạt”, “Anh on top, em ở trên anh”.

Thời điểm phát hành, “Bigcityboi” cũng gây xôn xao bởi không ít hình ảnh gợi cảm xuất hiện trong MV. Trong khi đó, buổi lễ tổng kết này có cả học sinh tiểu học, trung học cơ sở - những lứa tuổi chưa phù hợp để đón nhận sản phẩm như thế.

Đa số cư dân mạng đều bày tỏ cho rằng, “Bigcityboi” chứa nhiều ca từ nhạy cảm, không nên trình diễn tại trường tiểu học hay trung học cơ sở. Và việc Quang Đăng chọn biểu diễn trên nền nhạc “Bigcityboi” cho thấy sự thiếu nhạy cảm của nghệ sĩ.

Trước đó, vào năm 2017, cư dân mạng cũng được một phen “dậy sóng” khi trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh nhiều vũ công nhảy vũ điệu phản cảm cho rất nhiều trẻ em xem tại Công viên nước Đầm Sen.

Trong clip này, các vũ công ăn mặc hết sức hở hang, lắc lư điên cuồng theo điệu nhạc sôi động và thi nhau uốn éo thể hiện những động tác nhạy cảm, dung tục… trước các khán giả nhí. Đơn vị tổ chức biểu diễn sau đó đã phải đăng đàn xin lỗi vì đã không kiểm soát được việc này.

Nghệ sĩ cần phải có một sự nhạy cảm đặc biệt

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, hành động của Quang Đăng trong trường hợp kể trên là hơi chủ quan, thiếu sự thận trọng, thiếu nhạy cảm khi biểu diễn trước mắt học sinh nhỏ tuổi. Tuy nhiên, lỗi lớn vẫn thuộc về nhà trường khi không kiểm duyệt nội dung bài biểu diễn.

“Theo tôi, nghệ sĩ biểu diễn phải ý thức được đối tượng khán giả chính của buổi diễn hôm đó. Khán giả ở độ tuổi nào mình điều chỉnh tiết mục cho phù hợp. Bên cạnh đó, những sản phẩm âm nhạc, MV phát hành trên các nền tảng nếu có hình ảnh nhạy cảm cũng nên cẩn trọng gắn mắc 16+ hoặc 18+, đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của người nghệ sĩ có ý thức”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.

Bản thân nhạc sĩ Dương Trường Giang cũng cho rằng, lời bài hát "Bigcityboi" có nhiều đoạn hoàn toàn không phù hợp với trẻ em, nhất là lứa tuổi học sinh tiểu học. Ca từ rất nhạy cảm chứ không đơn thuần là "tiếng lóng" nữa.

"Tôi nghĩ rằng, những bài hát như thế này không nên tuỳ tiện sử dụng để biểu diễn cho trẻ em, đặc biệt ở trong môi trường giáo dục", nhạc sĩ Dương Trường Giang nói.

Nhiều chuyên gia xã hội học cũng cho rằng, thời gian gần đây, truyền thông liên tục báo động tình trạng trẻ em bắt chước người lớn hát những bài hát không phù hợp với lứa tuổi. Điều này một phần xuất phát từ những câu chuyện tương tự như của Quang Đăng đã nêu ở trên.

“Việc đưa nghệ thuật tiếp cận với giới trẻ cũng cần có sự cân nhắc, chọn lọc cẩn trọng, đặc biệt khi chúng có sức lan toả mạnh mẽ và rộng rãi. Việc vũ công Quang Đăng biểu diễn vũ đạo trên nền nhạc một bài hát có nhiều ca từ không phù hợp với thị hiểu thẩm mỹ lẫn nhận thức của học sinh tiểu học và trung học cơ sở cho thấy một sự thiếu nhạy cảm của nghệ sĩ.

Đành rằng, âm nhạc nói riêng, văn hoá - nghệ thuật nói chung chủ yếu hướng tới việc giải trí nhưng chúng ta không thể lường hết được những tác động tiêu cực mà những tiết mục như thế này mang lại cho con trẻ.

Vì thế, ngoài sự thận trọng cần có của một người làm nghề nghiêm túc thì cần phải có một sự nhạy cảm đặc biệt mỗi khi lựa chọn tiết mục biểu diễn cho khán giả nhí”, TS Mỹ học Nguyễn Thế Hùng bày tỏ.

Theo TS. Nguyễn Thế Hùng, trong kho tàng âm nhạc hiện nay không thiếu những bài hát phù hợp với giới trẻ. Và bất kỳ một tiết mục văn nghệ nào cũng cần phải được nhân đôi những giá trị chân - thiện - mỹ để làm cho con người tốt lên.

TS. Nguyễn Thế Hùng cũng nhấn mạnh rằng, từ sự việc này, nhà trường nên rút kinh nghiệm để chọn lọc những tiết mục văn nghệ phù hợp với lễ tổng kết có sự tham gia của nhiều đối tượng học sinh. Không thể vì cái vui trước mắt mà làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và thẩm mỹ của từng học sinh.