Diễn viên Thanh Sơn: “Anh Chí Trung từng rất khó chịu về sự ngông cuồng của tôi”
(Dân trí) - Mới đây, khi tham gia “Chuyện đêm muộn” cùng MC Thảo Vân, Thanh Sơn đã có những trải lòng khá thú vị về đời và nghề. Đặc biệt là kỷ niệm nhớ đời với NSƯT Chí Trung khi mới chân ướt chân ráo bước vào Nhà hát Tuổi Trẻ.
Là một trong những “soái ca” sáng giá của sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ nhưng Thanh Sơn lại khá “nặng duyên” với phim truyền hình. Anh chàng sinh năm 1991 để lại không ít dấu ấn qua hàng loạt phim truyền hình: Máy bay ký sự, Hoa nở trái mùa, Chạm tay vào nổi nhớ, Lời thì thầm từ quá khứ, Chỉ có thể là yêu, Lựa chọn cuối cùng, Những người nhiều chuyện, Cả một đời ân oán…
Điều đáng nói là trong phần lớn các vai diễn trên phim truyền hình, đa phần Thanh Sơn đều đóng chồng hoặc người yêu của các bạn diễn lớn tuổi hơn. Điển hình là trong “Cả một đời ân oán”, Thanh Sơn đóng vai chồng của Đan Lê, người hơn cậu đến 8 tuổi. Ngoài đời, Thanh Sơn đang có một gia đình hạnh phúc với bà xã là mối tình 3 năm và một cô “công chúa” rất xinh xắn.
Nam diễn viên cho biết, cậu khá may mắn khi nhận được khá nhiều vai diễn có nhiều đất diễn cả trên sân khấu kịch lẫn trên phim truyền hình. Tuy nhiên, cũng vì lẽ đó mà cậu rất khó để có thể sắp xếp hài hòa công việc giữa sân khấu với phim ảnh. Việc sắp xếp công việc để bên nào cũng trọn vẹn luôn là một áp lực lớn đối với Thanh Sơn.
“Có những lúc, tôi vừa hoàn thành vai diễn trên sân khấu vào lúc 22h30 đã vội leo lên xe chạy thẳng đến Sa Pa lúc 4h sáng. 5h đã bắt đầu bước vào cảnh quay và trong vòng 1 tiếng đó không dám ngủ. Ngày hôm sau, vừa kết thúc cảnh quay lại lên xe rời Sa Pa về Hà Nội để chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau. Những lúc đó phải gồng mình lên và không đúng là mình. Cảm giác mình có lỗi với khán giả khi đã không thể dồn 100% sức lực và tinh thần cho vai diễn”, Thanh Sơn nói.
Đó cũng là lí do mà nhiều lần bị sốt cao nhưng cậu vẫn phải gồng mình lên để hoàn thành công việc.
“Tôi rất ít khi bị ốm nhưng mỗi lần ốm thường rất nặng. Tôi nhớ có lần tôi bị sốt rất cao nhưng vẫn phải lên sân khấu Nhà hát Lớn để diễn. Và hôm đó, mẹ tôi đã phải mang cả bình truyền nước lẫn thuốc ngồi sau cánh gà đợi để chăm sóc con.
Lúc đó không thể thay thế được vì lịch diễn đã “set up” và cả vở diễn chỉ có một kíp diễn duy nhất nên không thể tìm ai thay thế. Kỷ niệm đó làm tôi nhớ mãi. Có nhiều lúc diễn xong cảm thấy tủi thân ghê gớm. Nhiều lúc chỉ muốn bỏ nghề, muốn dừng lại không đi tiếp nữa. Tuy nhiên, điều kéo tôi ở lại với nghề chính là tình yêu thương của khán giả”, Thanh Sơn trải lòng.
Thanh Sơn cho biết, cậu đến với sân khấu khi đang học cấp 3, lúc còn là một chàng thanh niên nghịch ngợm. Và vì là “đối tượng” nghịch ngợm có tiếng của lớp nên mỗi khi lớp tổ chức sinh hoạt hè, cậu thường được giao thực hiện một vở kịch. Lần đầu tiên thực hiện một vở kịch hài, nhìn thấy khán giả cười và vỗ tay, cậu như bị cuốn hút.
“Truyền hình mang tôi đến với khán giả rộng rãi hơn nhưng sân khấu lại giúp tôi có sự tương tác trực tiếp. Mỗi khi kết thúc vở diễn, nhận được những tràng pháo tay, những lời chia sẻ về vai diễn và cả những sự động viên của khán giả, tôi lại vượt qua được mệt mỏi, căng thẳng, áp lực… Tôi cảm nhận đó là một sự thành công và niềm hạnh phúc đó có thể nhìn thấy được”.
Lí giải về biệt danh “Sơn sụt sịt”, nam diễn viên cho biết, thời học đại, cậu bị viêm xoang khá nặng. Có lần, khi đang diễn vở, đến cảnh cao trào của sự xúc động thì cậu bị cháy nước mũi và không có cách nào khác cậu phải “sụt sịt”. Cảnh đó đáng ra phải khiến cho khán giả rơi nước mắt thì cậu lại khiến cho khán giả cười nghiêng ngả. Từ đó, cậu bị đặt biệt danh “Sơn sụt sịt” và biệt danh này “đeo” cậu cho đến tận bây giờ.
Nam diễn viên cũng bộc bạch rằng, trước đây, cậu luôn cảm thấy may mắn khi được bén duyên với phim truyền hình khá sớm. Cậu được tham gia phim truyền hình khi mới chân ướt chân ráo bước vào trường điện ảnh và được đóng phim truyện nhựa “Mùi cỏ cháy” khi mới chỉ học năm thứ hai. Đối với bạn bè cùng lứa, những gì Thanh Sơn có được luôn là một nỗi thèm khát mà ai cũng muốn.
Nhưng dần dần cậu lại cảm thấy áp lực. Áp lực vì phải tìm mọi cách để thoát ra khỏi hình ảnh nhân vật hiền lành, thư sinh, “công tử bột”… trên các bộ phim truyền hình. Nhiều khi cậu cảm thấy những nhân vật nào của mình cũng một màu, nhờ nhợ, khó tạo ấn tượng với khán giả... Thời gian gần đây, Thanh Sơn đã được một số đạo diễn tin tưởng giao cho những vai có sự khác lạ. Trong tương lai, cậu mong sẽ nhận được nhiều vai diễn lớn hơn và cá tính hơn nữa.
Thanh Sơn cho rằng, ở thời điểm này, cậu đang chững lại trên phim truyền hình nhưng lại có sự phát triển riêng ở sân khấu kịch. Tuy nhiên, không vì thế mà cậu tự tin đến độ ngông cuồng như trước đây.
“Tôi còn nhớ một câu chuyện mà đến bây giờ anh Chí Trung vẫn kể. Lúc đó tôi mới về Nhà hát Tuổi Trẻ được hơn một tháng và tôi được giao một vai trong vở “Ai là thủ phạm” nhưng ở kíp 3. Kíp 3 nghĩa là kíp diễn viên dự phòng, chỉ được ngồi dưới xem các anh chị diễn viên khác tập chứ ít khi có cơ hội được diễn. Lúc đó, tôi đã chặn anh Chí Trung lại đề nghị: “Em tự tin có thể diễn tốt vai này”.
Anh Chí Trung đã rất khó chịu với sự ngông cuồng này của tôi. Tôi cũng không hiểu vì sao lúc đó tôi muốn xin lên diễn vì yêu nghề, vì muốn được xuất hiện trên sân khấu hay vì ngông cuồng nhưng sau đó được anh Chí Trung cho lên kíp 1. Vai diễn đó đã mang về cho tôi huy chương vàng đầu tiên.
Nhưng sau lần đó, làm việc nhiều với các anh chị lâu năm ở Nhà hát tôi mới biết mình đang ở đâu và cần phải học từ đâu. 4 năm về Nhà hát tôi dường như phải học lại từ đầu. Việc học lại từ đầu đó đã giúp tôi nhận ra vì sao mình đã từng đóng nhiều phim truyền hình trước đó nhưng vẫn không thể nổi.
Khi tham gia các vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ tôi đã chiêm nghiệm được rất nhiều thứ. Đặc biệt, tôi đã nhìn thấy mình trong vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”. Buổi sáng, tôi ra đi thì con tôi chưa dậy, buổi tối trở về nhà thì con đã ngủ. Một khoảng thời gian rất dài tôi gần như không hề trò chuyện và chơi đùa với con. Tiền cũng không mang về được cho vợ đồng nào.
Có hôm đi diễn 3 buổi liền trong túi tôi không có một đồng bạc nào, đến buổi diễn thứ 4 khi được ký thù lao, cảm giác của tôi khác hẳn. Đó là quãng thời gian tôi stress ghê gớm. Tôi nghĩ, ngoại cảnh có tác động khá nhiều đến đời sống tâm lý của tôi khi làm nghề”, Thanh Sơn kể.
Hà Tùng Long