Diễn viên đanh đá nhất màn ảnh Việt chia sẻ sóng gió trong hôn nhân

(Dân trí) - Diễn viên Thanh Tú là một gương mặt quen thuộc của nhiều bộ phim truyền hình. Chị thường được giao vào những vai đanh đá, ghê gớm, xù xì, gai góc… nên nhiều khán giả đặt biệt danh là “diễn viên đanh đá nhất màn ảnh Việt”. Ít ai biết được, đằng sau những vai diễn ghê gớm đó là một cuộc đời với đầy những nốt trầm lặng lẽ.

Nhiều đồng nghiệp và bạn bè dị dạng vì phẫu thuật thẩm mỹ

Chị đang tham gia vở “Tôi đẹp, tôi có quyền” của đạo diễn Vũ Minh. Người ta nói, vai của chị thực ra “có cũng được, không có cũng chẳng sao”. Người ghê gớm như chị mà chấp nhận đóng những dạng vai đó sao?

Đúng là khi nhận kịch bản, tôi hơi ngạc nhiên vì vai của tôi quá ngắn, chẳng có gì để diễn cả. Đó là vai một bà thầy bói, nửa mù, nửa sáng. Nhân vật thầy bói đưa ra những phép thử để tuyên ngôn về cái đẹp.

Tôi nghĩ rằng, dù vai này rất phụ nhưng lại đóng vai trò thắt nút của câu chuyện và định hướng cho xã hội về cái đẹp đúng nghĩa.


Thanh Tú trong kịch Tôi đẹp, tôi có quyền.

Thanh Tú trong kịch "Tôi đẹp, tôi có quyền".

Tôi nói thật là khi nhận vai này tôi đau đầu lắm, tôi không biết diễn cái gì. Toàn bộ vai chỉ có 3 câu thoại. Đạo diễn cũng không muốn nhân vật này mù hoàn toàn mà lúc mù, lúc sáng, vậy diễn sao cho ra cái chất đó được quả là điều không hề dễ. Ngay cả đạo diễn Vũ Minh cũng nhận định, vai này dù phụ và ngắn nhưng nếu không phải là diễn viên có nghề thì không thể diễn nổi. Và vì tôi tin điều ấy nên tôi nhận vai này.

Nhiều người cho rằng, chỉ những vai đanh đá, chua ngoa, gai góc… mới là “đất” của chị, mới khiến cho chị trưng trổ được những gì mình có?

Thực ra vai bà thầy bói trong “Tôi đẹp, tôi có quyền” này cũng không phải là vai hiền lành đâu. Vai này có cái dị đó là chẳng phải ông cũng không hẳn bà, không phải mù mà cũng chẳng phải sáng… nhưng đặt trong toàn bộ vở kịch thì vai này lại không thể thiếu.

Còn vai góc cạnh, xù xì, gai góc… thì không chỉ riêng tôi mà nghệ sỹ nào cũng mong muốn được thể hiện những dạng vai như thế. Sở trường của tôi là những vai góc cạnh nên tôi cũng thích được đạo diễn phân cho những vai càng khó càng tốt. Tôi không thích những vai đơn thuần, A là A, B là B. Những vai nhạt nhẽo không hợp với tôi.

“Tôi đẹp, tôi có quyền” là vở kịch đề cập đến chuyện phẫu thuật thẫm mỹ - câu chuyện gây không ít những bàn cãi trái chiều gần đây. Bản thân chị, chị quan niệm như thế nào về câu chuyện này?

Câu cửa miệng tôi thường nói với bạn bè của tôi là: “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có những người phụ nữ không biết làm đẹp cho mình”. Câu nói đó theo tôi là đến giờ vẫn còn nguyên giá trị. Bây giờ chị em nào cũng cứ nhất nhất “Tôi chỉ cần đẹp tâm hồn, không cần quan tâm đến nhan sắc bên ngoài” là dễ bị người ta chửi “đồ khùng” lắm.

Tôi không phản đối chuyện phẫu thuật thẩm mỹ vì cái đẹp là sự tổng hòa của cả tâm hồn lẫn nhan sắc. Nhưng phẫu thuật cái gì để cho bản thân tinh tế và tự tin hơn với cuộc sống chứ đừng sa đà vào câu chuyện này. Có những người lạm dụng và sa đà quá vào việc thẩm mỹ nên bị dị dạng, không biết đâu là đẹp nữa.

Trong thực tế, tôi đã từng chứng kiến đồng nghiệp và bạn bè của tôi vì sa đà quá vào chuyện “dao kéo” nên bây giờ nhìn rất thảm hại, mà bản thân họ vốn dĩ đâu có phải đến nỗi xấu. Thậm chí, họ còn rất xinh đẹp nữa là đằng khác. Kiểu như họ chữa A xong A bị lỗi lại chuyển qua chữ B… cứ như thế rồi họ không còn biết đâu là đẹp nữa. Như thế rõ ràng là rất nguy hiểm.

Vì vậy, người phẫu thuật thẩm mỹ cũng cần phải sáng suốt và tỉnh táo để chọn cho mình cách chỉnh sửa sao cho phù hợp.

Thanh Tú trong tiểu phẩm hài.
Thanh Tú trong tiểu phẩm hài.

Sóng gió đã "nhú mầm" từ khi mới bước vào năm thứ 2 của hôn nhân

Bản thân chị đâu phải là người phụ nữ xấu cớ sao mỗi lần ra đường người ta lại toàn đặt cho chị những biệt danh vô cùng xấu như: Tú “cháo lòng”, Tú “vịt”…?

Đó là người ta gọi theo tên nhân vật mà tôi đã từng thể hiện chứ không phải vì chê tôi xấu. Người ta không chỉ gọi tôi là Tú “cháo lòng”, Tú “vịt”, Tú “tỳ hưu”, Tú “say”, Tú “đảm đang”… nhiều lắm. Có ty tỷ cái tên mà đồng nghiệp và khán giả đã gắn cho tôi nhưng tên nào tôi cũng thích hết, tên nào cũng giống tôi hết. Cho nên, ai gọi tên gì tôi cũng vui, cũng không phản đối gì cả. Trong mỗi cái tên đó đều có chút gì đó đanh đá, ghê gớm, nanh nọc… như con người tôi.

Chị xù xì, gai góc, đanh đá, ghê gớm, chua ngoa… như thế là vì trải qua quá nhiều những biến động trong hôn nhân?

Không hẳn đâu, tính tôi từ khi cha sinh mẹ đẻ đã thế rồi. Có những người trong đời sống cũng “lên voi xuống chó” nhiều phen lắm nhưng họ vẫn sống rất mực hiền hòa và ngược lại có những người đời sống rất yên ả nhưng vẫn xù xì đó thôi.

Tôi nghĩ rằng, trong cuộc đời của mỗi con người, không ai dám chắc mình sẽ đi đúng hết cả đường đời và làm đúng hết mọi việc. Cái quan trọng là khi sai chúng ta biết mình sai, khi lầm chúng ta biết mình lầm… và biết cách khắc phục những sai lầm đó của mình để đi lại đúng hướng hơn. Bản thân tôi cũng có rất nhiều cái sai nhưng khi nhận ra cái sai của mình thì tôi đã kịp sửa chữa và không cho phép mình mắc lại những cái sai đó nữa.

Thanh Tú ngoài đời sắp lên chức bà ngoại.
Thanh Tú ngoài đời sắp lên chức bà ngoại.

Vậy chị có nhìn nhận việc mình yêu khi mới 17 tuổi, yêu người đàn ông đã có vợ và vượt qua mọi ngăn cản của gia đình để kết hôn với người đàn ông đó rồi khi chưa cảm nhận được rõ rệt hạnh phúc thì phải chia ly… là một sai lầm lớn trong cuộc đời?

Thực ra, hôn nhân của tôi cũng không hẳn là một sai lầm vì chúng tôi đến với nhau lúc đầu cũng xuất phát từ tình yêu. Nhưng đúng là từ chỗ yêu rồi bước vào cuộc sống hôn nhân vẫn có một chút gì đó hơi vội vàng, chưa suy nghĩ thấu đáo. Tôi bị lầm tưởng giữa cái nọ và cái kia cho nên không được như ý.

Tuy vậy, để bảo là tôi có ân hận không, hối tiếc không… thì tôi không hối tiếc. Chẳng có gì phải hối tiếc cả vì xem như đó là một cú vấp mà sau đó mình sẽ phải sống tỉnh táo hơn, sáng suốt hơn và lý trí hơn. Đặc biệt, mình sẽ phải định hướng cuộc sống của các con mình sau này sao cho tốt đẹp, đúng đường.

Có vẻ như chị vượt qua câu chuyện tan vỡ hôn nhân cũng nhẹ nhàng và dễ chịu chứ không vật vã như những gì mọi người thường nghĩ?

Nói thật là không chỉ tôi mà ngay cả hai con gái cũng không hề vật vã và đau đớn khi thấy bố mẹ chia tay. Là bởi vì câu chuyện của tôi với chồng cũ không phải xảy ra một sớm một chiều rồi chia tay mà nó đã kéo dài trong rất nhiều năm.

Tôi với chồng có tất cả là 15 năm chung sống nhưng mâu thuẫn vợ chồng đã nhú mầm từ năm thứ 2 rồi. Cơn sóng ngầm đó kéo dài đến 13 năm sau, khi tôi sinh đứa con thứ nhất rồi đứa thứ 2 và cuối cùng quyết định chia tay để giải thoát mình thì không có gì là đường đột nữa cả. Mọi thứ dường như đã nằm trong suy nghĩ của tôi cũng như các con tôi, chỉ có điều mình không nói ra mà thôi. Cũng bởi vậy mà cuộc chia ly này rất nhẹ nhàng và bình thường.

Các con ra tối hậu thư "bắt" mẹ phải tìm hạnh phúc mới

Người ta bảo, mẹ đơn thân nuôi một con đã khó, mẹ đơn thân nuôi hai con lại càng khó khăn bội phần. Chị đã vượt qua những tháng ngày đó như thế nào?

Dĩ nhiên, đã làm mẹ đơn thân thì nhiều khó khăn, vất vả rồi. Nuôi một con đã khó huống hồ tôi phải nuôi một lúc hai con. Mà không chỉ các con, tôi còn phải nuôi cả bố mẹ nữa. Bố mẹ tôi là hai nghệ sỹ nghèo về hưu nên các con cũng phải chung tay đỡ đần. Cho nên, trách nhiệm của tôi trong gia đình là cực kỳ lớn. Tôi phải cố gắng gấp 5 - 6 lần người bình thường mới chèo chống nổi. Và cũng vì thế mà tôi quá thấm đẫm hai chữ “vất vả”.

Ngay khi bước vào cuộc hôn nhân với người chồng cũ, tôi cũng đã phải tự bươn chải, tự lo lắng mọi thứ, tự độc lập về mọi thứ… Tôi vừa phải làm bố, làm mẹ cho các con. Và khi bước ra khỏi hôn nhân tôi cũng vừa làm bố, vừa làm mẹ… Tôi cảm thấy hạnh phúc với điều đó vì tôi đã quen như thế.

Diễn viên đanh đá nhất màn ảnh Việt chia sẻ sóng gió trong hôn nhân - 4

Có thể hình dung cuộc sống của chị và các con bây giờ như thế nào?

Cuộc sống của tôi bây giờ tương đối bình yên vì sóng gió cũng đã qua rồi. Cái mẹ con tôi cần lúc này là sức khoẻ. Làm sao để duy trì được mẹ khoẻ, con khỏe và các con học tập tốt. Bản thân tôi không vấp ngã như lần trước.

Các con đã bao giờ “xúi” mẹ phải tìm bến đỗ hạnh phúc mới cho mình?

Có chứ. Tôi có hai cô con gái cũng khá tâm lý. Có lẽ vì các con được nuôi dạy bởi một bà mẹ xù xì. Tôi chẳng bao giờ giấu các con tôi về cái sự xù xì của tôi cả. Tôi cho các con thấy hết nhưng dạy các con hãy nhìn vào mẹ như một tấm gương để biết những gì một người phụ nữ nên tránh nếu muốn hạnh phúc. Và tôi cảm nhận thấy những điều mình dạy con, các con đều thấm thía sâu sắc.

Vì thế mà từ khi con gái lớn lấy chồng, cô con út suốt ngày bảo mẹ phải đến với một người nào đó, nhất là người yêu thương mẹ thật sự. Bạn ấy lý giải rằng, nếu mẹ không đến với người yêu thương mình thì sau này con đi lấy chồng mẹ sẽ cô quạnh. Bạn ấy thậm chí còn “doạ” mẹ là nếu mẹ không chịu tìm hạnh phúc mới thì bạn ấy sẽ không lấy ai cả để ở vậy chăm sóc mẹ đến khi mẹ già. Mỗi lần thấy bạn thân gọi điện rủ tôi đi chơi là bạn ấy mừng lắm. Bạn ấy lúc nào cũng động viên mẹ ra ngoài, gặp gỡ, trò chuyện hoặc yêu thương ai đó.

Cảm ơn chị đã tham gia trò chuyện.

(Còn nữa)

Hà Tùng Long