Đạo diễn gốc Việt Lê Lâm:
“Điện ảnh không cần những mơ màng, ảo tưởng”
(Dân trí) - Đạo diễn người Pháp gốc Việt - Lê Lâm - dù gần cả cuộc đời sống ở Pháp, nhưng chỉ làm phim về Việt Nam, đối với ông, những ký ức về Việt Nam "rất mạnh, một khi đã có những ký ức như vậy, sẽ không thể nào quên được".
Đạo diễn Lê Lâm - Chủ tịch hội đồng chấm giải phim ngắn tại LHP Quốc tế Hà Nội.
Trong một buổi họp báo gần đây, đạo diễn đã nói rằng mình là một nhà làm phim Việt Nam, làm những phim nói về Việt Nam, và luôn sử dụng tiếng Việt trong phim. Được biết ông đã sang Pháp sống từ năm 1967 (lúc 19 tuổi), tại sao rời xa đất nước từ khi còn trẻ như vậy, mà trong suốt cuộc đời mình, ông vẫn luôn nặng lòng với Việt Nam đến thế?
Đặc điểm của người Việt là dù sống ở ngoại quốc, thậm chí sinh ra ở ngoại quốc, nhưng vẫn hướng về đất nước. Tôi đã ngoài 60 tuổi rồi, đã đi nhiều, đã quen biết nhiều, cả Việt kiều và những người mang các quốc tịch khác, nhưng hướng về quê cha đất tổ là đặc trưng rất nổi bật của người Việt Nam mình. Chúng ta có từ Tổ quốc - đất nước của ông cha mà, phải không?!
Đạo diễn có thể chia sẻ những ký ức của mình về Việt Nam?
Ký ức của tôi về Việt Nam cũng khá giàu có. Tôi sinh ra ở Hải Phòng năm 1948, sống ở đó đến năm 1954, sau đó, tôi theo cha vào sống trong miền Nam, vì vậy, tôi có những hiểu biết thực tế đối với chiến tranh Việt Nam.
Những ấn tượng đó rất mạnh, một khi đã có những ký ức như vậy, sẽ không thể nào quên được, những ký ức đó sẽ đeo đuổi suốt cuộc đời.
Nhìn thấy những người trẻ các bạn bây giờ, tôi rất tin cậy. Các bạn sinh ra trong một đất nước tự do, độc lập, các bạn mang trong mình tinh thần mới, tâm hồn các bạn rất mới, không sợ hãi. Ở thời tôi, vẫn có những mặc cảm riêng, gắn với thời đại mà tôi đã sống, đó là những câu chuyện thuộc về quá khứ. Đã phải mất rất nhiều thời gian và hy sinh, mới có được cái tinh thần mới đó cho thế hệ các bạn hôm nay.
Cảnh trong phim "Long vân khánh hội" (1980) - phim ngắn đầu tay của đạo diễn làm về Việt Nam
Phải chăng để có một màu sắc riêng cho những bộ phim của mình giữa một rừng những nhà làm phim Châu Âu, đạo diễn đã lựa chọn cho mình một đề tài rất riêng, là sở trường, thế mạnh của riêng mình, đó là làm phim về Việt Nam?
Đúng vậy! Bao giờ phim của tôi cũng nói về Việt Nam, nhưng do Pháp sản xuất. Tại sao họ chấp nhận sản xuất, bởi câu chuyện đó nói về Việt Nam, nhưng lồng ghép với những vấn đề muôn thuở của con người, của nhân loại. Tôi dùng ngôn ngữ điện ảnh quốc tế kết hợp với bản sắc của người Việt.
Phim của tôi nói về Việt Nam nhiều, nhưng bao giờ cũng có chút liên quan đến Pháp, đó là cách để hấp dẫn nhà sản xuất, cần phải có yếu tố Pháp. Nhưng phim tôi không chỉ nói về dĩ vãng, mà còn nói tới thời đại bây giờ.
Trong bộ phim “Long vân khánh hội” được chiếu tại liên hoan lần này, người xem được thấy một Việt Nam xưa cũ, đọng lại trong đó là những cảnh quay rất đẹp về Việt Nam ở đầu thế kỷ trước. Vậy Việt Nam xuất hiện trong phim của đạo diễn có phải luôn là một Việt Nam cổ kính như vậy?
Đó là phim ngắn đầu tay của tôi ra mắt năm 1980, phim mở màn cho một bộ ba phim, kể về Việt Nam từ thời thuộc địa cho tới bây giờ, với “Long vân khánh hội” (1980), “Đế chế tan vụn” (1983), “Công binh, đêm dài Đông Dương” (2013).
Trong đó, “Công binh, đêm dài Đông Dương” mang hơi thở hiện đại, nhưng vẫn đề cập tới một phần quá khứ, lịch sử, phim nói về những người lính thợ Đông Dương. 20.000 lính thợ Việt Nam từng bị đưa sang Pháp hồi năm 1939-1940 khi Pháp tuyên chiến với Đức. Họ chính là cộng đồng Việt kiều đầu tiên sinh sống ở hải ngoại.
Tôi với tư cách một đạo diễn Việt kiều sinh sống tại Pháp, rất quan tâm tới những người lính thợ Đông Dương. Dù sau này sống ở nước ngoài, họ vẫn có những cách riêng của mình để ủng hộ cho cuộc chiến đấu giành độc lập tự do của người dân Việt Nam ở trong nước.
Đối với một đạo diễn Việt kiều như tôi, làm phim về Việt Nam ở nơi ngoại quốc cũng là một cách để đóng góp cho điện ảnh quê nhà.
"Đế chế tan vụn" (1983) - bộ phim thứ hai trong chùm ba phim làm về Việt Nam
Khi làm phim về Việt Nam, hẳn đạo diễn rất chú trọng tới bản sắc riêng, vậy bản sắc Việt Nam trong phim của đạo diễn là gì?
Như trong “Long vân khánh hội” (1980), rất nhiều bạn bè của tôi khi xem phim, đã tưởng tôi quay ở tại Việt Nam, nhưng thực tế phim hoàn toàn được quay ở Paris, Pháp hồi năm 1979, những diễn viên trong phim cũng đều là Việt kiều, họ chỉ là những diễn viên “amateur”. Nói thế để thấy rằng khi người đạo diễn biết chính xác mình muốn gì với bộ phim của mình, họ sẽ có thể xoay xở để tạo được ra cái chất họ muốn.
Khi bước ra thế giới, hãy kể cho họ nghe câu chuyện về bản sắc. Có phải chính bản sắc sẽ là yếu tố giúp điện ảnh của một nước tỏa sáng khi muốn gây ấn tượng với thế giới?
Điện ảnh của một đất nước thậm chí còn phản ánh nhân cách của một dân tộc. Điện ảnh đi song song, phản ánh xã hội. Bản sắc riêng chính là vấn đề mà chúng ta cần trăn trở lúc này. Về kỹ thuật, hình ảnh, ta có thể không hiện đại, không đẹp bằng phim của những nền điện ảnh tiên tiến, nhưng quan trọng hơn thế, điện ảnh cần phải gợi được tâm hồn sâu sắc của một dân tộc, cái đó chỉ có thể đạt được bằng một ngôn ngữ điện ảnh chất lượng.
Điện ảnh là môn nghệ thuật thứ 7, một môn nghệ thuật có nhiều nét riêng biệt, tự nó có thể gợi hết, kể hết về một dân tộc, nhưng muốn phát triển điện ảnh, phải dùng đến 6 môn nghệ thuật đã hình thành và phát triển trước nó. Phát triển điện ảnh cũng cần phát triển cả 6 môn nghệ thuật đi trước, đó là nguồn gốc của nghệ thuật thứ 7.
Hiện tại, kiến thức nghệ thuật của thế hệ trẻ còn thiếu nhiều. Các bạn trẻ bây giờ phải đầu tư nghiên cứu nghệ thuật. Hãy đọc nhiều sách văn học, xem nhiều phim kinh điển của thế giới, học hỏi ngôn ngữ điện ảnh, hãy chú ý phân tích từng tiểu tiết trong những bộ phim kinh điển đó.
Trong khu vực Đông Nam Á, điện ảnh Campuchia và Philippines đều đã gây được những dấu ấn đáng kể đối với thế giới. Campuchia đã có phim tài liệu được đề cử chính thức tại giải Oscar. Hay như Philippines, dòng phim độc lập với những nhà làm phim trẻ của họ đã gây nhiều dấu ấn tại các LHP Quốc tế. Trong khi đó, điện ảnh Việt với nhiều tiềm năng lại vẫn đang dừng lại ở mức tiềm năng, theo đạo diễn, lý do tại sao điện ảnh Việt lại chậm chạp ngay cả khi so sánh với một số nền điện ảnh trong khu vực?
Điện ảnh không cần những mơ màng, ảo tưởng, hãy nói về thực tế, cho dù là thực tế trần trụi, nhưng hãy nói về thực tế một cách đầy nghệ thuật, xây dựng và thật tích cực. Ví dụ nói về cái nghèo, nhưng nói một cách xây dựng, một cách tích cực, đó là cái tinh tế, sự tế nhị của người làm phim.
Thế mạnh và cơ hội của điện ảnh Việt không phải không có, nhưng cái này còn tùy thuộc vào từng đạo diễn và thể loại phim. Điện ảnh Việt đối với tôi hiện tại có 3 nhóm.
Nhóm làm phim lịch sử, tôi cảm nhận rằng một số đạo diễn còn chưa đặt trái tim của họ vào phim, phải làm sao để đạo diễn dù không xuất hiện trong phim, nhưng đằng sau màn ảnh, người xem nhìn thấy trái tim người đạo diễn. Kỹ thuật làm phim của chúng ta có đủ, tài năng không thiếu. Khi hội đủ điều kiện để thành công mà lại không thành công, chúng ta cần suy nghĩ.
Nhóm làm phim thương mại, một lần nữa, kỹ thuật sản xuất, khả năng diễn xuất cũng không thua kém gì ngoại quốc, nhưng mức độ sáng tạo dường như còn chưa cao, còn xảy ra sự sao chép. Nhóm này đâu thiếu gì tài năng để phải sao chép? Tôi thậm chí còn phục họ về sự am hiểu kỹ thuật làm phim hiện đại. Ta có thể bị ảnh hưởng, nhưng đừng sao chép.
Nhóm làm phim nghệ thuật và phim độc lập, có một điều cần lưu ý là đừng lạm dụng đề tài tình dục và cảnh nóng để thu hút sự quan tâm. Làm vậy rất dễ đưa ra thông điệp sai đến thế giới, đừng để thế giới hình dung sai về Việt Nam. Cảnh nóng phải sử dụng đúng chỗ, đúng lúc, đừng dùng cảnh nóng một cách vô ích. Tình dục có thể chỉ cần gợi lên, chứ không cần phải phơi bày trên màn ảnh.
Sự phát triển của điện ảnh một nước phần nào phản ánh sự phát triển về kỹ nghệ của nước đó, vậy có phải khi kinh tế, kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam phát triển hơn, tự khắc điện ảnh cũng sẽ được nâng tầm?
Có thể lắm! Nhưng cũng còn dựa vào chính sách phát triển điện ảnh nữa. Nguồn tiền cần có để phục vụ cho việc đào tạo đạo diễn rất tốn kém. Nhưng những người làm công tác phát triển điện ảnh phải hiểu điện ảnh là phương tiện tuyệt vời để đưa hình ảnh của một quốc gia ra thế giới.
Hãy thử hình dung nếu phim của Việt Nam đoạt giải tại những liên hoan phim quốc tế uy tín trên thế giới, khi đó quốc tế sẽ biết tới Việt Nam. Khi chúng ta có phim đoạt giải, thì đó không chỉ là thắng lợi của phim, mà còn là thắng lợi của đất nước bởi người ta sẽ nhắc tới Việt Nam.
Về LHP lần này, đạo diễn nhận xét thế nào về chất lượng những phim ngắn tham gia tranh giải?
LHP quốc tế là cơ hội để so sánh giữa cái mình có và cái mà những người khác có, để so sánh giữa các nền điện ảnh khác nhau. Một LHP quốc tế như vậy là rất tốt cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Bất kể chúng ta thắng lợi ở mức nào, nhưng một khi chúng ta biết mình còn thiếu, còn yếu ở đâu, đó mới là cái được lớn nhất.
Khi nhiều thể loại phim có thể cùng tranh giải trong một hạng mục, tiêu chí chấm giải của ban giám khảo là gì?
Có những phim rất ngắn nhưng có sức mạnh lớn hơn nhiều những phim có thời lượng dài. Một khi phim có ngôn ngữ điện ảnh tốt, việc phim có thời lượng như thế nào, thuộc thể loại gì không thành vấn đề.
Đạo diễn đánh giá như thế nào về chất lượng của kỳ liên hoan này?
Tôi có những người bạn ngoại quốc ở tại Hà Nội, việc biết phim nào, chiếu ở rạp nào, vào giờ nào gây khó khăn cho họ. Một LHP quốc tế cần phải chuẩn bị cho cả những người ngoại quốc tình cờ có mặt tại thành phố vào đúng dịp diễn ra liên hoan.
Nhiều người họ lần đầu tới Hà Nội, mọi thứ đều xa lạ, lại không nói cùng ngôn ngữ với chúng ta, hãy hỗ trợ họ nhiều hơn nữa, chẳng hạn phát cho họ tờ bản đồ, đánh dấu vị trí các rạp, để họ đi thăm thú ở đâu, sẽ biết cách sắp xếp để tiện đường đến rạp.
Lê Lâm - Đạo diễn, Biên kịch, Giám đốc Nghệ thuật, Giáo sư trường Điện ảnh Pháp IDHEC. Đạo diễn Lê Lâm từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc Nghệ thuật và tổ chức Liên hoan Điện ảnh Nga tỉnh Nice 2008 và Liên hoan Điện ảnh Nga tỉnh Valence 2006. Ông là một trong những người sáng lập đoàn kịch Atelierl’Epée de Bois ở Paris, Pháp, là giáo sư giảng dạy chuyên ngành biên kịch và đạo diễn tại Trường Điện ảnhPhápIDHEC. Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn Học (Chevalier des Arts et des Lettres) do Bộ Văn hóa Pháp trao tặng năm 1986; Huy chương vàng LHP Quảng cáo Quốc tế Cannes 1988 và 1990. Một số tác phẩm điện ảnh tiêu biểu: Công Binh, đêm dài đông dương (2013) - Giải Giám khảo LHP Quốc tế Pessac 2012, Giải đặc biệt LHP Quốc tế Amiens 2012, Giải Khán giả LHP Việt Film Fest Anahein 2014; Đề cử chính thức Điện ảnh Pháp tại LHP Quốc Tế Amsterdam 2012, Goterborg 2013, Hồng Kông 2013, Alger 2013; Đế chế tan vụn (1983)- Đề cử chính thức Điện ảnh Pháp tại LHP Quốc tế Venice 1983, Montréal 1983, Berlin 1984, Los Angeles 1984, London 1984, NewYork 1984, Sydney 1984, Hồng Kông 1984; Long vân khánh hội (1980) - Huy chương vàng LHP Lille 1981, Đề cử chính thức Điện ảnh Pháp tại LHP Quốc tế Cannes 1981, Venice 1981, Amsterdam 1982, Berlin 1982. |
Bích Ngọc