Đi tìm vẻ đẹp trong mái tóc phụ nữ Việt
(Dân trí) - Mái tóc của phụ nữ Việt đã đi từ thuở “một thương tóc bỏ đuôi gà” cho tới “phi dê”, “xù mì” như thế nào? Hãy cùng nhìn lại những “biến động” trong mái tóc của phụ nữ Việt hơn một thế kỷ qua.
Ngày 5/3, một cuộc hội thảo về Phát triển Ngành tóc ở Việt Nam Giai đoạn 2015-2020 đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của các câu lạc bộ tóc trong Nam ngoài Bắc.
Tại hội thảo, dấu tích về tổ nghề của ngành tóc ở Việt Nam đã được nhắc lại. Theo đó, nghề tóc ở Việt Nam được cho là phát tích từ làng Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội). Có một câu chuyện lưu truyền về sự hình thành của nghề cắt tóc - một nghề đã gắn bó từ lâu với dân làng Kim Liên.
Chuyện kể rằng khi thầy địa lý cao tay - cụ Tả Ao (người Nghi Xuân, Hà Tĩnh), trong quá trình hành nghề đi qua làng Kim Liên, đã tạo nghề cho dân làng (yểm mạch hành nghề).
Năm 1988, khi các dự án xây dựng - phát triển Hà Nội được tiến hành, lúc người ta mở đường thông từ ô Kim Liên đến ô Chợ Dừa thì đào được một chiếc hòm đá kích thước bằng một hòm đồ nghề thợ cạo, nằm ở vị trí gò nhỏ thuộc ao lớn, trước cửa đình làng Kim Liên.
Hòm có nắp đậy, trong có tấm bia nhỏ khắc chữ Hán Nôm, với nội dung: “Yểm mạch hành nghề thợ cạo. Thầy địa lý Tả Ao. Giang sơn một tráp gương, lược, dao/ Chơi ngông gọt gáy khách anh hào/ Dầu thánh, tướng ai ta cũng mặc/ Vít cổ vua xoay chẳng sợ nào”.
Đối với quan niệm xã hội trước đây, nghề cắt tóc vốn là một nghề không quá khó khăn, không phải đầu tư nhiều vốn, đồ nghề đơn giản, chỉ một hòm đồ đựng gương, lược, dao, kéo… Tiện thể, chiếc hòm kiêm luôn làm ghế cho khách ngồi. Việc hành nghề linh hoạt, người làm nghề có thể đi ngược xuôi, xa gần kiếm sống.
Kể từ khi được “yểm mạch hành nghề”, nghề cắt tóc của dân làng Kim Liên trở nên nổi tiếng và được nhiều đời nối nghiệp bởi cái duyên, cái khéo của người thợ. Đã có thời, nghề cắt tóc ở làng Kim Liên nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc, giờ đây, tuy nghề tổ ở làng Kim Liên không còn được vượng như xưa nhưng vẫn được những người thợ theo nghề làm tóc coi nơi đây là chốn phát tích tổ nghề.
Tại buổi hội thảo, quá trình hình thành và phát triển của ngành tóc Việt Nam cũng đã được hệ thống lại, thông qua góc nhìn về những “mốt tóc” từng thịnh hành ở Việt Nam qua nhiều thời kỳ, chủ yếu nhìn qua mái tóc người phụ nữ Việt.
Cùng nhìn lại hình ảnh mái tóc người phụ nữ Việt qua các thời kỳ để thấy lại một chặng đường của nghề tóc ở Việt Nam:
Cuối thế kỷ 19, mái tóc của phụ nữ Việt đặc trưng với phong cách vấn tóc gọn gàng và đường ngôi rẽ ở chính giữa. Người phụ nữ miền Bắc thời này thường vấn tóc với khăn, các cô gái trẻ có thể để một lọn tóc đuôi gà ngắn thả rơi, nằm lệch về một bên mặt, tạo nét duyên dáng, mềm mại. (Ảnh: Firmin-André Salles, chụp năm 1896 ở miền Bắc Việt Nam)
Khi ra đường, phụ nữ thời xưa sử dụng nón quai thao, nón ba tầm, nón chóp nhọn, giúp chắn mưa, chắn nắng, thêm vào đó, chiếc nón khổ lớn còn là cách để người phụ nữ khéo giữ ý tứ khi ra phố, đi chợ. (Ảnh: Firmin-André Salles, chụp năm 1896)
Mái tóc của người phụ nữ Việt ở cuối thế kỷ 19 khá đa dạng với những cách búi tóc, vấn tóc khác nhau. Ở miền Trung và miền Nam, phụ nữ thường không vấn tóc bằng khăn như phụ nữ miền Bắc, mà cuốn tóc trần, tạo thành búi. Đáng chú ý, dù ở Bắc hay Nam, khi rẽ ngôi cho tóc, phụ nữ luôn phải để ngôi ở chính giữa trán, biểu hiện cho sự đoan trang, ngay thẳng của người phụ nữ. (Ảnh: Hippolyte Arnoux và Emile Gsell, chụp năm 1880)
Đầu thế kỷ 20, mái tóc của phụ nữ Việt chưa có nét đột phá mới mẻ. (Ảnh: Léon Busy, chụp từ năm 1915-1920)
Các cô gái đóng vai những quân tốt trong một ván cờ người. (Ảnh: Léon Busy)
Tổng đốc tỉnh Hà Đông và phu nhân. Bà phu nhân Tổng đốc búi tóc thấp xuống đến gáy thay vì vấn tóc quanh đầu như những phụ nữ “thường dân” miền Bắc. (Ảnh: Léon Busy)
Người phụ nữ miền Bắc đang ngồi trang điểm. (Ảnh: Léon Busy)
Cách phục sức của những cô con gái trong một gia đình có “của ăn, của để” thời bấy giờ. (Ảnh: Léon Busy)
Trang phục, đầu tóc khi đi dự hội. (Ảnh: Léon Busy)
Thập niên 1940, phụ nữ Hà Nội vẫn giữ thói quen vấn tóc, tuy vậy, bóng dáng nón quai thao, nón ba tầm đã dần trở nên xa vắng. (Ảnh: Harrison Forman)
Thay vào đó, phụ nữ lao động chuyển sang ưa dùng nón chóp nhọn. (Ảnh: Harrison Forman)
Chiếc khăn “mỏ quạ” vẫn thịnh hành. (Ảnh: Harrison Forman)
Cũng ở thập niên 1940, quá trình Âu hóa trong cách ăn mặc của phụ nữ Việt đã bắt đầu diễn ra, đặc biệt được phụ nữ Sài Gòn nhanh chóng tiếp thu. Phụ nữ thời này đã không còn nhuộm răng đen, họ lãng quên chiếc khăn đội đầu, thay vào đó, búi tóc trần để khoe ra vẻ đẹp của cái răng, cái tóc. Những cách chải tóc bồng, uốn xoăn “phi dê”, tóc kẹp lại buông dài sau lưng, tóc ngắn ngang vai… xuất hiện ồ ạt và tạo thành những “mốt tóc” mới. (Ảnh: Jack Birns, chụp ở Sài Gòn năm 1948)
Thập niên 1950, những cách vấn tóc của phụ nữ thời này vẫn mang màu sắc cổ điển, nhưng đã trở nên duyên dáng, điệu đà và nữ tính hơn rất nhiều. (Ảnh: Raymond Cauchetier, chụp ở Sài Gòn năm 1955)
Những phụ nữ trung niên vẫn giữ nguyên mái tóc búi truyền thống, tuy vậy, cách búi cũng đã điệu đà hơn xưa. Búi tóc bây giờ buông thấp, che kín gáy, tạo nên vẻ duyên dáng.
Phụ nữ Sài Gòn thời này rất tự do phóng khoáng với mái tóc, họ được mặc sức tạo kiểu, chải phồng, uốn xoăn đa dạng.
Phụ nữ Hà Nội nhìn chung chưa cập nhật thời trang nhanh và mạnh như phụ nữ Sài Gòn. Phần đông phụ nữ lao động vẫn giữ nguyên mái tóc vấn, đội khăn mỏ quạ, trong khi đó, phụ nữ trẻ “tân thời” ở Hà Nội cũng đã có những người “chịu chơi”, tiếp thu tóc xoăn, tóc ngắn chấm vai của phụ nữ Sài Gòn. (Ảnh: Harrison Forman, chụp ở Hà Nội năm 1950)
Thời này, thiếu nữ trẻ không còn búi tóc mà vấn gọn rồi kẹp lại, buông dài sau lưng. Có những mái tóc thả dài tới… kheo chân, trở thành niềm tự hào của một số cô gái. (Ảnh: Carl Mydans, chụp ở Sài Gòn năm 1950)
Nếu ở những thập niên trước khi rẽ ngôi cho tóc phải ở chính giữa mới là đoan trang, đứng đắn, thì ở thời này, chẻ tóc ngôi lệch đã không còn là điều cấm kỵ. (Ảnh: Carl Mydans, chụp ở Sài Gòn năm 1950)
Thập niên 1960, mái tóc ngắn đã không còn xa lạ, giờ đây, tóc ngắn chấm vai đã trở thành tóc ngắn… ngang tai. (Ảnh: Wilbur E. Garrett, chụp tại Sài Gòn năm 1965)
Cô gái Huế với mái tóc buông dài, thời này, các cô gái trẻ không còn thích búi tóc. (Ảnh: Wilbur E. Garrett)
Hình ảnh những cô gái để mái tóc trần đạp xe trên phố xuất hiện trên khắp đường phố Sài Gòn. Trước đây, phụ nữ ra khỏi nhà luôn phải đội khăn, đội nón để thể hiện sự ý tứ, giờ đây, họ có thể tự tin khoe sắc. (Ảnh: Wilbur E. Garrett)
Những cô gái cập nhật mốt sẵn sàng thử nghiệm với mái tóc xoăn “xù mì”. (Ảnh: Wilbur E. Garrett)
Những phụ nữ Hà Nội ở một tiệm uốn tóc. (Ảnh: Lee Lockwood, chụp năm 1967)
Thập niên 1970, thời trang tóc ở thời điểm này không có nhiều đột phá, tiếp tục là những phá cách nhỏ dựa trên cái nền của thập niên 1960. Phụ nữ thời kỳ này ưa chuộng mái tóc uốn xoăn, tạo kiểu phóng khoáng, rời xa hẳn khỏi sự cổ điển để hướng tới vẻ hiện đại, mái tóc cũng không còn quá cầu kỳ, kiểu cách, nhằm đưa lại sự tự nhiên. (Ảnh: Bob Lee)
Nếu ở những năm 1960-1970, các hiệu uốn tóc ở Hà Nội và Hải Phòng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay thì ngày nay, việc tới một hiệu làm tóc để có một kiểu tóc mới đã trở thành việc đơn giản và dễ dàng đối với đa số phụ nữ. Nghề tóc ở Việt Nam đã đi được một chặng đường rất dài kể từ những ngày đầu tiên xuất hiện những “mốt tóc” đầu tiên.
Đầu thế kỷ 21 này, cùng với sự bùng nổ về thời trang, phụ nữ Việt cũng đã có những thay đổi lớn về mái tóc. Phụ nữ hôm nay đã không còn bị kiềm tỏa bởi bất cứ thiên kiến nào, họ chỉ có một tiêu chí duy nhất cho mình là “đẹp và mốt”.
Bích Ngọc