Đi tìm thủ phạm trong kịch “Ai là thủ phạm?” của Lưu Quang Vũ

(Dân trí)- Là một trong mười vở kịch tham gia “Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ” ,vở “Ai là thủ phạm” qua phần dự thi của đoàn kịch nói Nam Định đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức, nhân cách của con người bị chi phối bởi thế lực “ô dù”.

Vở kịch được công chiếu tại rạp Hồng Hà tối ngày 8/9 thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Đây là tin đáng mừng cho sân khấu kịch bởi bấy lâu nay người xem gần như đã “quay lưng” với kịch để tìm đến các loại hình mang tính giải trí cao. Việc công diễn 10 vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ không chỉ là “nén tâm hương” tưởng nhớ đến nhà viết kịch tài ba này mà còn là cơ hội để sân khấu kịch “kéo” khán giả lại gần hơn với những vở chính kịch vốn vẫn bị “ghẻ lạnh”.

Đi tìm thủ phạm trong kịch “Ai là thủ phạm?” của Lưu Quang Vũ
Vinh- chàng thanh niên bị mất niềm tin vào cuộc sống bởi những dối trá, lọc lừa diễn ra ngang nhiên trước mắt.

Vở kịch với những thắt, mở nút bàn về vấn đề: Đạo đức của con người đang bị chi phối, ảnh hưởng bởi các thế lực gọi là “ô, dù”. Những người trẻ như Vinh, Diệp hoang mang và cô đơn trong hành trình tìm kiếm giá trị đích thực của đời sống. Bởi sự giả dối, những thói đời lọc lừa của chính một số người lớn xung quanh đã làm Vinh - chàng trai trẻ đầy cá tính cảm thấy thất vọng. Vì thế chỉ một phút bốc đồng mà Vinh phải vào trại cải tạo nhưng ngày trở về lại tỏ ra bất cần xa lánh người thân.

Đi tìm thủ phạm trong kịch “Ai là thủ phạm?” của Lưu Quang Vũ
Ngọc, Thịnh được "ngụy trang" bởi vẻ bề ngoài ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành nhưng đằng sau là sự hỗn láo và thói ăn cắp, đánh người.

Bên cạnh Vinh, những người bạn của cậu là Ngọc, Thịnh - con của hai gia đình khá giả, quyền chức lại "thích nghi" rất nhanh với những thói xấu của xã hội. Chính những thói xu nịnh cấp trên, lợi dụng cấp dưới, dùng tiền mua công lý của ông bà Đời và ông bà Uy đã là mầm mống gieo hạt nảy mầm cho những tính cách của Ngọc và Thịnh.

Sự dối trá của bố mẹ khiến Ngọc, Thịnh bên ngoài thì tỏ ra lễ phép, chăm chỉ học hành, nhưng đằng sau đó là sự hỗn láo và thói hư ăn cắp, đánh người. Trượt dài trong tội lỗi, đến khi bị cơ quan công an bắt, những đấng sinh thành không tin hoặc không muốn tin để vẫn dùng mối quan hệ quyền chức và tiền bạc định “thay trắng, đổi đen”.

Khu tập thể Thanh Hà náo loạn bởi những thông tin vịt do người lớn tạo ra.
Khu tập thể Thanh Hà "náo loạn" bởi những thông tin "vịt" do người lớn tạo ra.

Ông Uy với ô dù và tiền bạc mong muốn đổi trắng, thay đen bởi lí luận không có pháp luật.
Ông Uy với "ô dù" và tiền bạc mong muốn "đổi trắng, thay đen" bởi lí luận "không có pháp luật".

Ông bà Đới đau đớn khi nhận ra chính mình là thủ phạm tạo nên nhân cách hư hỏng cho con.
Ông bà Đới đau đớn khi nhận ra chính mình là thủ phạm tạo nên nhân cách hư hỏng cho con.

Ông bà Đới đau đớn khi nhận ra chính mình là thủ phạm tạo nên nhân cách hư hỏng cho con.
Niềm vui của Vinh khi nhận ra giá trị cuộc sống và quay trở lại với xã hội trong tâm trạng phơi phới, đầy niềm tin.

Trưởng đoàn Đào Quang tâm sự: "Chúng tôi rất mong Ai là thủ phạm sẽ là vở truyền thống của đoàn, đồng thời bảo lưu được tác phẩm lớn của cố tác giả Lưu Quang Vũ". Năm 1983, NSND Nguyễn Đình Nghi đã dựng Ai là thủ phạm cho Đoàn kịch nói Nam Định. Hiện giờ, với êkíp làm việc hoàn toàn mới, vở diễn được tái sinh với khát vọng hướng thiện trong trẻo luôn tiềm ẩn trong tất cả các nhân vật. Mong rằng, sau khi xem vở kịch, ai đó sẽ nhận ra những sai lầm và sự chiều chuộng mù quáng mà họ đang dành cho những đứa con của mình.

Cùng xem clip kịch "Ai là thủ phạm".


 
 
Phạm Oanh