Di tích lịch sử văn hóa Đình Sen xuống cấp trầm trọng
(Dân trí) - Trưa vắng, bước chân vào khuôn viên di tích lịch sử này, chỉ nghe tiếng gió thổi lao xao trên những ngọn cây. Anh cán bộ văn hóa xã lặng lẽ mở cửa các căn phòng, như thể sợ làm phá tan cái không gian tĩnh lặng vốn có ở nơi đây.
Nằm gần bên bờ sông Con và chợ Sen xưa nổi tiếng, đình Sen là di tích lịch sử thuộc làng Sen, ở xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Theo giáo sư Ninh Viết Giao trong cuốn “Tân Kỳ truyền thống và làng xã” thì đình Sen là ngôi đình lớn nhất, có ý nghĩa về mặt kiến trúc vào loại hiếm so với tất cả các đình làng ven sông Hiếu còn lưu giữ cho đến nay. Đình Sen xây dựng năm 1926 (Bính Dần), dân làng tự chặt gỗ, tự nung gạch ngói để xây nên ngôi đình này. Đây là nơi thường diễn ra các buổi sinh hoạt văn hóa làng xã đặc sắc của trong những ngày hội: hát đối dân ca, hò, ví…rồi những trò chơi như đánh vật, cờ người, tổ tôm…
Trong những năm 1930 - 1931, đây là nơi làm lễ tổ chức thành lập Phủ ủy Qùy Châu để hưởng ứng mạnh mẽ cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tại Đình Sen đã có 7 đêm diễn thuyết, rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm kêu gọi quần chúng lao khổ vùng lên đấu tranh chống thực dân và phong kiến.
Trước tình thế đó, lo sợ cao trào cách mạng diễn ra rộng, địch đã huy động nhiều lực lượng phá hoại phong trào. Chúng bắt ba đồng chí: Nguyễn Linh, Lê Thạch và Lê Nguyệt, là cán bộ ở miền xuôi lên xây dựng cơ sở cách mạng tại vùng này. Để bắt các đồng chí khai báo, chúng đã dùng các nhục hình để tra tấn dã man các đồng chí, nhưng chẳng ai hé một lời. Ngày 13/7/1931, địch giải ba đồng chí về Đình Sen để xử bắn, hòng uy hiếp tinh thần của người dân. Súng giặc nổ, máu đào của ba đồng chí kiên trung đã nhuộm đỏ đất làng Sen. Năm 1945, đây còn là địa điểm của quần chúng nhân dân tập hợp đi biểu tình cướp chính quyền trên toàn huyện.
Không chỉ mang ý nghĩa to lớn về truyền thống văn hóa của địa phương. Di tích này còn ghi lại tinh thần đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường của nhân dân Nghệ Tĩnh.
Thế nhưng, trong những năm gần đây, khi đến với địa chỉ văn hóa này, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Qua nhiều lần di dời do hoàn cảnh chiến tranh nên mái ngói vây cũ đã thay bằng ngói khác, những mảng tường của đình đã hằn vết rạn nứt và rêu bám phủ dày. Các văng kèo xà cột đang bị mối mọt ăn mòn dần, mùi ẩm mốc bay lên nồng nặc. Ngay cả tấm bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa, nay cũng đã hoen ố cùng thời gian. Trong khuôn viên di tích, cỏ mọc đầy sân nhưng cũng chẳng có người quét dọn.
Khi chúng tôi viết bài báo này, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Đồng đang lên kế hoạch kêu gọi trùng tu và tôn tạo cụm di tích Đình Sen. Sở dĩ, một thời gian dài di tích văn hóa này bị lãng quên là do nguồn kinh phí quá hạn hẹp và một phần do còn vướng mắc về cơ chế quản lý các di tích văn hóa hiện nay. Điều quan trọng là việc trùng tu, tôn tạo di tích là việc làm cần sớm được tiến hành nhằm trả lại những giá trị vốn có của di tích lịch sử văn hóa này.
Nguyễn Duy - Tiến Thành